Chỉ ưu đãi vay mua nhà cho người trẻ dưới 35 tuổi là chưa đủ?
Để hỗ trợ người trẻ, người mua nhà ở có thể sớm sở hữu bất động sản, các chuyên gia và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng, cần mở rộng đối tượng ưu đãi cho vay mua nhà và phân loại theo nhu cầu nhà ở.
Tại tọa đàm "Bất động sản: Nhà ở cho người trẻ" do Báo Người Lao Động phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức hôm nay (3/4), các chuyên gia và đại diện hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất những phương án để giúp người trẻ cũng như người chưa có nhà ở có thể "an cư lạc nghiệp".
Không chỉ người trẻ mới cần
Theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu triển khai các gói tín dụng ưu đãi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế và cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở.

Tọa đàm "Bất động sản: Nhà ở cho người trẻ" do Báo Người Lao Động phối hợp với Hiệp hội Bất động Sản Việt Nam tổ chức.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá cao gói hỗ trợ cho người trẻ vay mua nhà. Tuy vậy, để các gói hỗ trợ đi vào cuộc sống, ông Châu kiến nghị bổ sung vào về giới hạn độ tuổi được vay và có thêm chính sách hỗ trợ cả người mua nhà lần đầu.
"Chỉ thị 05 của Chính phủ có nói là người trẻ là từ 35 tuổi xuống thì quá trẻ. Cho nên Hiệp hội đề nghị là người trẻ nên tính tới mức độ là 45 tuổi trở xuống là hợp lý. Nhà giá rẻ thì chúng tôi đề nghị là không chỉ người trẻ mà cho cả người tạo lập căn nhà đầu tiên, người đó có thể là ở tuổi 50, hay 55, 60 tuổi nhưng mà tạo lập căn nhà đầu tiên thì cũng cần cơ chế hỗ trợ" - ông Lê Hoàng Châu đề xuất.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ thêm, trong thời đại số hóa, người trẻ có xu hướng thay đổi công việc thường xuyên, xem đó là trải nghiệm. Việc phải đi lại, thay đổi chỗ làm nhiều lần dẫn đến xu hướng lựa chọn thuê nhà trở nên phổ biến hơn.
Phân loại đối tượng theo nhu cầu
Đồng quan điểm, ông Phạm Lâm – Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, nếu chỉ ưu tiên vay ưu đãi mua nhà cho người dưới 35 tuổi là chưa đủ. Chính sách nên hướng đến “những người chưa mua được nhà” thì sẽ hỗ trợ đúng và đủ các nhóm đối tượng.
Còn đối với người trẻ, không bắt buộc phải có nhà từ sớm mà có thể làm việc và tích lũy cho tới khi ổn định tài chính.
"Tôi thấy hành trình của một người sẽ thuê nhà trước, rồi mua căn nhà đầu tiên và mua căn nhà thứ hai, ngoại trừ những người có điều kiện không tính. Cho nên dựa vào hành trình đó, chúng ta tiếp cận vào đối tượng mua nhà và điều kiện như thế nào thì nó sẽ hợp lý hơn. Ví dụ đối với người trẻ, không nhất thiết phải ngay lập tức mua nhà mà nên thuê nhà trong 5-10 năm, rồi mới mua nhà. Hiện nay vấn đề lớn nhất của người chưa có nhà và khi họ mua nhà là vấn đề tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là lãi vay" - ông Phạm Lâm nói.

Ông Phạm Lâm - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.
Ngoài ra, với thu nhập hiện nay, người trẻ sẽ rất khó trả được lãi vay khiến nhiều người còn dè dặt chưa dám vay mua nhà. Nếu có một gói vay như gói hỗ trợ 30.000 tỷ như giai đoạn trước năm 2014 thì người chưa mua được nhà sẽ dễ dàng tiếp cận hơn.
Tương tự, TS Trương Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam kiến nghị, nên chia đối tượng được ưu đãi vay mua nhà gồm nhóm người từ 18 – 23 tuổi và từ 24 – 34 tuổi.
Nếu những người ở độ tuổi 24 - 34 có nhu cầu mua nhà cao thì các chính sách nhà ở xã hội dành cho nhóm đối tượng này khá đầy đủ và phù hợp với Luật Nhà ở hiện nay. Đặc biệt, Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ nếu được triển khai tốt sẽ đáp ứng được nhu cầu.
Tuy vậy, với nhóm tuổi từ 18 - 23 có nhu cầu thuê rất lớn, chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng này hiện chưa rõ ràng, trong đó có công nhân lao động, sinh viên, học sinh.
"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có chính sách rõ hơn bằng một nghị định, thậm chí là một nghị quyết từ Quốc hội. Ví dụ, người trẻ dưới 34 tuổi thì được mua nhà, được thuê nhà, như các chính sách về nhà ở xã hội. Ví dụ từ chính sách về đất đai, chính sách về tín dụng, các chính sách ưu đãi khác tương tự như các chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại" - TS Trương Anh Tuấn đề xuất.
Theo ông Trương Anh Tuấn, nhà nước nên giao cho các trường học làm chủ đầu tư và có cơ chế cho các trường này huy động vốn để xây ký túc xá đảm bảo cho đủ số lượng cho sinh viên, học sinh có nhu cầu ở. Từ đó sẽ tạo ra môi trường lành mạnh hơn và nuôi dưỡng nhân tài tốt hơn.
Tương tự đối với người lao động, cần mở rộng hệ thống nhà lưu trú, khuyến khích xã hội hóa trong xây dựng và quản lý nhà lưu trú cho công nhân. Tại các khu công nghiệp ở TP HCM, giá thuê đất cao nhưng nhu cầu thuê lại lớn nên cần tạo điều kiện để công đoàn mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho người lao động với mức giá hợp lý./.