'Làng Nủ' ở Điện Biên nhận 15 máy cày VEAM trao tặng
Chiều 4/1, tại huyện Điện Biên, VEAM trao tặng 15 máy cày cho người dân xã Mường Pồn - nơi được ví 'Làng Nủ' ở tỉnh Điện Biên bị thiệt hại nặng nề do bão số 3.
Lễ trao tặng với sự tham dự của bà Lò Thị Luyến - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Điện Biên, cùng lãnh đạo: Ban Chỉ huy quân sự tỉnh, huyện Điện Biên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Điện Biên, xã Mường Pồn; đại diện Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Công Thương; Ban lãnh đạo Tổng công ty, Công đoàn VEAM cùng đại diện một số đơn vị thành viên của VEAM.
Chương trình trao tặng máy cày được Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) phối hợp với Công đoàn VEAM tổ chức nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân gặp khó khăn do thiên tai, bão lũ.
Đây là hoạt động thường niên được VEAM tổ chức trong nhiều năm qua nhằm chia sẻ những khó khăn với các hộ nông dân nghèo trên cả nước và góp phần đẩy nhanh công cuộc cơ giới hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, 15 máy cày đồng bộ (máy kéo BS86, động cơ 8HP và động cơ 10,5HP và cày lưỡi) với tổng giá trị lên đến 413 triệu đồng đã được trao đến cho 75 hộ dân nghèo tại xã Mường Pồn của huyện Điện Biên.
"Làng Nủ" ở Điện Biên
Chia sẻ tại lễ trao tặng, ông Nguyễn Đăng Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Mường Pồn - cho biết: Cơn bão số 2 và đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây lũ quét và sạt lở đất xảy ra, gây thiệt hại không thể đo đếm về người và tài sản của xã Mường Pồn, đặc biệt là tại các khu vực thuộc 4 bản của xã Mường Pồn gồm: Mường Pồn 1, Mường Pồn 2, bản Lĩnh và bản Tin Tốc. Theo đó, có 4 người thiệt mạng, 3 người mất tích và 7 người bị thương.
Ngoài thiệt hại về con người, thiên tai còn tàn phá hơn 90 ngôi nhà, hàng trăm hecta đất nông nghiệp, gần 4.000 vật nuôi, cùng với cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm bị tê liệt hoàn toàn; 18 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng, 5 công trình nước sinh hoạt bị hỏng hoàn toàn. Cùng với đó, hàng trăm tài sản như xe máy, trang thiết bị, máy móc của người dân bị lũ cuốn trôi, vùi lấp không tìm thấy; hơn 100 gia đình phải di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm; có 333 hộ với 1.366 khẩu cần hỗ trợ cứu đói do ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt… "Ước tính, tổng giá trị thiệt hại lên đến gần 175 tỷ đồng. Những con số này đã khiến chúng ta cảm thấy vô cùng đau xót và bất lực" - ông Hùng cho hay.
Ông Hùng khẳng định, việc hỗ trợ 15 máy cày của VEAM thuộc Bộ Công Thương cho các hộ dân Mường Pồn là vô cùng quý giá và kịp thời, giúp các hộ dân sớm khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống.
Lan tỏa nghĩa tình VEAM
Phát biểu tại buổi lễ ông Ngô Khải Hoàn - Chủ tịch HĐQT VEAM - cho biết: VEAM là doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất về quy mô và có truyền thống lâu dài về sản xuất máy nông nghiệp tại Việt Nam, cùng với bề dày kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trên thị trường nông nghiệp tại Việt Nam. Để phục vụ nhu cầu của người nông dân, các dây chuyền sản xuất của VEAM liên tục được đầu tư và cải tiến để có thể đạt được chất lượng tốt nhất với chi phí thấp.
“15 máy cày được trao tặng tại Điện Biên trong dịp này nằm trong số 180 máy cày đồng bộ được VEAM trao tặng cho người dân nghèo, khó khăn trên cả nước bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ. Đây là những sản phẩm mới do VEAM sản xuất với nhiều tính năng như: Cày bừa, máy kéo, máy xay sát, máy bơm nước… sẽ phục vụ đắc lực cho người nông dân trong sản xuất” - ông Ngô Khải Hoàn cho hay. Ông Ngô Khải Hoàn mong muốn, với món quà này sẽ phần nào hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai ở Mường Pồn sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn.
Ông Quàng Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Mường Pồn - cho hay: Sau khi lũ quét và sạt lở đất xảy ra, các hộ dân tại 4 bản phải di chuyển đến nơi ở mới. Lực lượng quân đội đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng 71 ngôi nhà và lực lượng công an là 20 ngôi nhà. Tuy nhiên, với hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng, việc hỗ trợ nơi ở mới cho họ cần nguồn kinh phí rất lớn và thời gian dài. Bên cạnh đó, việc cải tạo lại đất nông nghiệp bị vùi lấp do lũ quét, sạt lở cũng đang là một thách thức lớn. Đất đai bị cày xới, sỏi đá tràn ngập, khiến việc canh tác trở nên khó khăn và đòi hỏi một nguồn kinh phí khổng lồ để cải tạo và phục hồi.
“Hơn bao giờ hết, chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân và nhà tài trợ trong công tác tái thiết để Điện Biên có thêm nguồn lực trong việc xây dựng lại nhà cửa, cải tạo đất đai, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ các dịch vụ y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng” - ông Tiến nhấn mạnh.
Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm, Tổng công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam vẫn dành một nguồn lực nhất định để hỗ trợ cho các hộ nông dân nghèo trên cả nước gặp nhiều khó khăn. Thông qua giúp các hộ nghèo có phương tiện, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, đẩy nhanh cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Theo ông Ngô Khải Hoàn, cơn bão số 3 đã đi qua nhưng những thiệt hại, mất mát của nó thì vẫn còn đó, toàn bộ 27 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc đã bị ảnh hưởng trong nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đã bị thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản, trong đó, có tỉnh Điện Biên.
"Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" không chỉ là khẩu hiệu mà là những hành động cụ thể, thiết thực. VEAM luôn đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, của những số phận kém may mắn để giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng cảm xúc của trái tim, bằng sự thấu hiểu, bằng sự trân trọng, nâng niu và cảm thông sâu sắc" - ông Hoàn nhấn mạnh.
Tập thể Ban lãnh đạo Tổng công ty, Công đoàn VEAM cùng hơn 16.000 lao động trong toàn Tổng công ty mong muốn, món quà này sẽ góp phần giúp các hộ dân sớm khôi phục sản xuất, dần ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Trong chương trình an sinh, xã hội hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2024, VEAM dành 184 máy cày để trao cho hộ nghèo tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung gồm: Hưng Yên, Thanh Hóa, Thái Bình, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi.