Điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí
Về quảng cáo trên báo in, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đồng tình với quy định như dự thảo Luật về việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí.
Bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm
Chiều 6/1/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, về quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, một số ý kiến cho rằng đang có sự chồng lấn trách nhiệm của một số bộ; một số ý kiến khác cho rằng cách quy định cụ thể này không bao quát được hết nhiệm vụ của các bộ, ngành; một số ý kiến góp ý cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động quảng cáo của các bộ; đề nghị bổ sung trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, ghép Điều 4 và Điều 5 thành 1 điều quy định chung về quản lý nhà nước về quảng cáo, đồng thời giao Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành liên quan; nội dung quy định về trách nhiệm của UBND các cấp đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của UBND cấp huyện và xã trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, một số ý kiến cho rằng, nội dung của Điều 15a chủ yếu quy định về nghĩa vụ, thiếu các quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Một số ý kiến đề nghị rà soát để đảm bảo tính thống nhất giữa dự thảo Luật và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Nhiều ý kiến góp ý về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý Điều 15 gồm 3 khoản như sau: Khoản 1 quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; khoản 2 quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung; khoản 3 quy định về nghĩa vụ người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng, ngoài nghĩa vụ chung được quy định tại khoản 2, có một số nghĩa vụ đặc thù.
Đồng thời, bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.
Về yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, có ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung một số loại hàng hóa dịch vụ vào Điều 19. Một số ý kiến góp ý cụ thể về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Một số ý kiến cho rằng cần giao Chính phủ quy định yêu cầu đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật quy định một số nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, yêu cầu đối với nội dung quảng cáo, đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ đại biểu có ý kiến. Nội dung này cũng sẽ trình Quốc hội trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật.
Tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ
Về quảng cáo trên báo in, một số ý kiến thống nhất với việc tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí. Có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định Luật hiện hành. Một số ý kiến đề nghị bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, hiện nay, thị phần quảng cáo trên báo in đã giảm mạnh, do vậy, để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính, giúp nâng cao chất lượng nội dung, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đồng tình với quy định như dự thảo Luật về việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí (không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí).
Đối với, quảng cáo trên báo nói, báo hình một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền như Luật hiện hành là 5%.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật giữ quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% như Luật Quảng cáo năm 2012 vì thực tế người xem đã phải trả phí thuê bao cho việc xem truyền hình trả tiền.
Một số ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng về việc thay đổi thời lượng quảng cáo, đặc biệt là trên phim VTV giờ vàng.
"Theo pháp luật về điện ảnh, phim Việt Nam được ưu tiên phát sóng vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ. Để sản xuất các bộ phim có chất lượng, thu hút người xem, các đài truyền hình phải đầu tư kinh phí lớn để sản xuất hoặc liên kết với các đối tác, trong khi, nguồn thu chính của đài truyền hình là hoạt động quảng cáo đang sụt giảm" - ông Vinh nêu.
Thực trạng hiện nay, để thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012 và tiết kiệm chi phí sản xuất, Đài truyền hình Việt Nam đã phải điều chỉnh giảm thời lượng mỗi tập phim hoặc giảm số lượng tập.
Do đó, để hỗ trợ tạo nguồn thu, kinh phí bảo đảm cho việc sản xuất các bộ phim có chất lượng phục vụ người xem của Đài truyền hình Việt Nam và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quy định tại Luật Điện ảnh, dự thảo Luật xin giữ quy định về việc tăng thời lượng quảng cáo trong các chương trình phim truyện.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về vấn đề quảng cáo lồng ghép trong phim để quản lý tốt hơn hoạt động này và phù hợp với quy định của Luật Điện ảnh. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung tại Điều 26 quy định về quảng cáo trong bản ghi âm, ghi hình, quảng cáo trong phim, đồng thời, đề nghị Chính phủ quy định chi tiết.