Lắng nghe và giải quyết những vấn đề cấp bách của nông nghiệp

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 vào ngày 31-12, với chủ đề: 'Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới', nhiều nông dân từ khắp các tỉnh, thành phố đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, vướng mắc mà họ gặp phải trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đồng thời gửi gắm những mong muốn, đề xuất đến Chính phủ, bộ, ngành.

Những ý kiến, đề xuất tâm huyết

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng Hoàng Thị Gái. Ảnh: Nhật Bắc

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng Hoàng Thị Gái. Ảnh: Nhật Bắc

Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng Hoàng Thị Gái phản ánh về thiệt hại lớn do thiên tai gây ra, đặc biệt là bão số 3 vừa qua. Bà Hoàng Thị Gái cho biết, các chính sách hỗ trợ sau thiên tai như Nghị định số 02 của Chính phủ không còn phù hợp với thực tế, mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho cây trồng bị thiệt hại hơn 70% chỉ tương đương 75.000 đồng/sào, quá thấp để giúp nông dân khôi phục sản xuất. Bà Hoàng Thị Gái đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ và cho vay mới để nông dân nhanh chóng phục hồi sau thiên tai. Bà Hoàng Thị Gái cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của bảo hiểm nông nghiệp và cho rằng, việc tiếp cận dịch vụ này còn gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nấm Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Quốc Huy bày tỏ sự đồng tình với việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn. Ông Nguyễn Quốc Huy đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng thêm vùng nguyên liệu cho các sản phẩm như tôm, cá tra, dược liệu và dâu tằm tơ. Ông mong muốn có chính sách ưu đãi mạnh mẽ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các nhà máy chế biến nông sản hiện đại, gắn với các vùng nguyên liệu.

Giám đốc HTX Chè Thịnh An, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên Vũ Thị Thương Huyền. Ảnh: Nhật Bắc

Giám đốc HTX Chè Thịnh An, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên Vũ Thị Thương Huyền. Ảnh: Nhật Bắc

Giám đốc HTX Chè Thịnh An, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên Vũ Thị Thương Huyền nhấn mạnh vai trò của kinh tế tập thể và đặt vấn đề về những khó khăn trong tích tụ đất đai quy mô lớn, do thiếu cơ chế pháp lý rõ ràng cho hợp tác xã. Bà Vũ Thị Thương Huyền cũng phản ánh tình trạng thiếu quy hoạch liên vùng, liên tỉnh, gây cản trở cho việc hình thành chuỗi sản xuất lớn của các hợp tác xã.

Giám đốc HTX Thực phẩm sạch 43Foods, thành phố Đà Nẵng Võ Quan Huy bày tỏ lo ngại về sự suy giảm nguồn lợi thủy sản và tác động của thẻ vàng IUU đối với ngành thủy sản. Ông Võ Quan Huy mong muốn Chính phủ có các giải pháp cụ thể để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường nuôi trồng và khắc phục các vấn đề liên quan đến thẻ vàng IUU.

Nông dân Lê Thanh Long, xã Tân Lợi, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang đánh giá cao Đề án phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải và thị trường tín chỉ carbon. Ông Lê Thanh Long đề xuất Chính phủ có thêm các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon, đồng thời triển khai hiệu quả các mục tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Nhiều ý kiến của nông dân, hợp tác xã, chuyên gia đã được gửi tới Thủ tướng. Ảnh: Dân Việt

Nhiều ý kiến của nông dân, hợp tác xã, chuyên gia đã được gửi tới Thủ tướng. Ảnh: Dân Việt

Vốn, đất đai - vấn đề cốt lõi thúc đẩy sản xuất nông nghiệp

Trả lời các kiến nghị của nông dân, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, theo đánh giá sơ bộ, sau bão số 3, có tới 126.000 khách hàng bị ảnh hưởng, với tổng dư nợ thiệt hại lên đến 192.000 tỷ đồng. Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện khoanh, giãn, hoãn nợ cho các nông dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng và tổ chức hội nghị để tìm giải pháp hỗ trợ vốn khôi phục sản xuất. Đặc biệt, Thông tư số 53/2024/TT-NHNN đã được ban hành, quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng tại 26 địa phương bị ảnh hưởng. Thông tư số 53/2024/TT-NHNN cho phép cơ cấu dư nợ gốc và lãi phát sinh trước ngày 7-9-2023, với thời hạn thực hiện đến hết ngày 31-12-2025. Với các chính sách này, nông dân, nhất là các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng, có thể yên tâm khôi phục sản xuất. Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, sửa đổi các chính sách tín dụng nông nghiệp, nhằm hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn. Ngoài ra, theo chính sách mới, người dân có thể được vay vốn cao hơn gấp 2-3 lần mà không cần tài sản thế chấp, áp dụng cho các chương trình lớn như "1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham dự hội nghị. Ảnh: Dân Việt

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham dự hội nghị. Ảnh: Dân Việt

Về chính sách đất đai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, tích tụ đất đai không chỉ đơn thuần là ghép đất nhỏ thành lớn, mà còn cần xây dựng chuỗi nguyên liệu ngành hàng, nâng cao năng lực quản trị và khuyến nông. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, để khuyến khích nông dân tham gia tích tụ đất đai, cần minh bạch về lợi nhuận và bảo đảm thu nhập cho người dân. Lợi nhuận tăng lên chính là niềm tin giữa người cho thuê và người thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ đất đai.. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ nông dân trong việc lập kế hoạch và đưa ra các kiến nghị cụ thể. Đây là cách tốt nhất để tháo gỡ khó khăn và bảo đảm phát triển bền vững".

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, quy hoạch đất đai là vấn đề cốt lõi, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, bởi đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhất.

Thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về việc mở rộng đối tượng và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, Luật Đất đai 2024 đã đưa ra nhiều điểm mới đáng chú ý. Theo đó, tổ chức và cá nhân được thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua ba phương thức: Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất; hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất. Việc tích tụ đất nông nghiệp cũng được thực hiện thông qua nhận chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Luật đã mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân lên tối đa 15 lần hạn mức giao đất. Đồng thời, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất. Trường hợp vượt hạn mức, cá nhân phải thành lập tổ chức kinh tế, có phương án sử dụng đất trồng lúa và được UBND cấp huyện phê duyệt.

Luật Đất đai 2024 đã giải quyết nhiều vướng mắc tồn tại trong Luật Đất đai 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc thi hành các chính sách về đất nông nghiệp. Điều này tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tập trung, tích tụ đất, nhằm khắc phục tình trạng manh mún, thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 mới có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, nên thời gian để người dân nghiên cứu và tiếp cận còn hạn chế. Do đó, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định mới để người dân áp dụng hiệu quả vào việc tập trung và tích tụ đất nông nghiệp, phục vụ sản xuất quy mô lớn.

Đối với những vùng giáp ranh, Luật Quy hoạch và Luật Đất đai đã có quy định đầy đủ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần làm rõ trong quy hoạch sử dụng đất các vấn đề người dân quan tâm và định hướng xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, phù hợp với quy hoạch ngành.

Giải pháp toàn diện cho nông nghiệp bền vững

Thủ tướng Chính phủ cho biết, các nước Trung Đông đã có những đề xuất hợp tác ngành Halal với Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ cho biết, các nước Trung Đông đã có những đề xuất hợp tác ngành Halal với Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trả lời các câu hỏi của nông dân và chuyên gia tại hội nghị về các nội dung: Tích tụ đất đai quy mô đủ lớn cho hợp tác; giải pháp, chính sách để “nâng tầm nông sản Việt” một cách đồng bộ, chế biến sâu; chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh..., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, do nguồn lực quốc gia có hạn và cần cân đối cho nhiều mục tiêu trọng điểm khác. Nguyên tắc điều phối là dùng đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Theo đó, cần sửa đổi Luật Hợp tác công tư để huy động thêm nguồn lực từ xã hội và người dân, từ đó tăng mức đầu tư mà không phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn trả lời tại hội nghị. Ảnh: Dân Việt

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn trả lời tại hội nghị. Ảnh: Dân Việt

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chế biến sâu và kết nối doanh nghiệp là hai khâu yếu cần khắc phục.

"Để thúc đẩy chế biến sâu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thông qua hỗ trợ thuê đất, ưu đãi thuế, phí, và đào tạo nguồn nhân lực. Luật Hợp tác xã cũng cần được sửa đổi để phát huy sức mạnh liên kết giữa các thành viên và các HTX. Người đứng đầu HTX phải là người có uy tín và được cộng đồng suy tôn. Chúng ta cần sửa Luật Đầu tư, Luật Hợp tác công tư để tháo gỡ thủ tục không cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và bắt đầu từ thực tiễn là cách để chính sách đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Về định hướng phát triển nông nghiệp, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, giảm phát thải theo cam kết quốc tế, các doanh nghiệp và nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ, sử dụng giống và phân bón hiệu quả hơn để tạo ra giá trị bền vững. Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ trong hệ sinh thái nông nghiệp. Điều này bao gồm nông nghiệp gắn kết với công nghiệp, các ngành dịch vụ và nông thôn. Quy hoạch phải tính đến tiềm năng của từng khu vực, từ vùng trồng lúa đến cây ăn quả, tạo cộng hưởng tối ưu giữa đất đai, khí hậu và chính sách. Đồng thời, cần liên kết ngành và vùng để phát huy tối đa hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, với các mục tiêu sản xuất xanh, giảm phát thải, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tín dụng, nhất là về vốn cho sản xuất lúa, chăn nuôi - hai lĩnh vực có mức phát thải cao. "Chính sách hỗ trợ nông dân hiện tại đã đủ mạnh chưa? Nếu chưa, các cấp chính quyền và bộ, ngành cần lắng nghe phản hồi từ bà con để kịp thời điều chỉnh", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu.

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lang-nghe-va-giai-quyet-nhung-van-de-cap-bach-cua-nong-nghiep-689142.html
Zalo