Huyện Phú Xuyên đi đầu áp dụng mạ khay, cấy máy

Những năm gần đây, huyện Phú Xuyên tích cực triển khai chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, nông hộ áp dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa. Nhờ vậy, đến nay, khâu gieo cấy của Phú Xuyên đạt gần cao nhất TP Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh và Giám đốc HTXNN tổng hợp Phú Hưng Phạm Minh Đức kiểm tra máy cấy để chuẩn bị cho hội thi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh và Giám đốc HTXNN tổng hợp Phú Hưng Phạm Minh Đức kiểm tra máy cấy để chuẩn bị cho hội thi.

Tăng dần diện tích cấy máy

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết, giai đoạn đầu, việc đưa máy cấy áp dụng trong sản xuất lúa của địa phương gặp nhiều khó khăn, chỉ đạt từ 10 - 15% diện tích các xã triển khai thực hiện. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền và sự hỗ trợ của TP, huyện, diện tích cấy máy của xã đã tăng mạnh qua các năm. Đến nay, toàn huyện đã có hàng trăm máy cấy, diện tích cấy máy đạt cao. Đáng chú ý, để tháo gỡ khó khăn trong khâu làm mạ khay tập trung, các HTX trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã có cách làm linh hoạt. Nếu có điều kiện mặt bằng, các hộ mua khay mạ về tự bảo quản, chăm sóc; chủ máy cấy hỗ trợ gieo hạt giống cho xã viên.

Cách làm này giúp xã viên giảm chi phí làm mạ khay, đồng thời, HTX khắc phục việc thiếu mặt bằng. Áp dụng cấy máy giúp giải phóng được lượng lớn lao động trong nông nghiệp, chuyển sang phát triển làng nghề. Do vậy, mặc dù công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ của Phú Xuyên phát triển mạnh nhưng trên địa bàn không xảy ra tình trạng ruộng bỏ hoang.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh kiểm tra công nghệ dây truyền chuẩn bị mạ khay cấy máy của HTXNN tổng hợp Phú Hưng

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh kiểm tra công nghệ dây truyền chuẩn bị mạ khay cấy máy của HTXNN tổng hợp Phú Hưng

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, những năm qua, ngoài nguồn hỗ trợ của TP (50% giá trị máy cấy), ngân sách huyện hỗ trợ 10% giá trị máy cấy, ngân sách xã hỗ trợ thêm 15% trở lên giá trị máy cấy nên lượng máy cấy đã tăng qua các năm. Riêng giai đoạn từ 2012 đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ cho đề án cơ giới hóa trong khâu mạ khay, cấy máy của huyện đạt hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, UBND huyện còn hỗ trợ hộ dân áp dụng phương pháp cấy máy với mức 75.000 - 100.000 đồng/sào. Việc hỗ trợ này đã trở thành nguồn động viên người dân trong sản xuất.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, để đạt mục tiêu trong năm 2025 này, huyện Phú Xuyên có từ 50% trở lên diện tích cấy lúa áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy, huyện đang đẩy mạnh hỗ trợ HTX liên kết trong cung ứng dịch vụ mạ khay, cấy máy.

Công tác vận hành công nghệ dây truyền chuẩn bị mạ khay cấy máy của HTXNN tổng hợp Phú Hưng

Công tác vận hành công nghệ dây truyền chuẩn bị mạ khay cấy máy của HTXNN tổng hợp Phú Hưng

Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị, kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy cấy, dây chuyền gieo mạ. Huyện Phú Xuyên cũng kiến nghị TP có chính sách hỗ trợ địa phương thành lập thêm trung tâm sản xuất mạ khay đồng bộ ở tất cả các khâu.

Tổ chức cuộc thi để nâng cao tay nghề

Căn cứ kế hoạch số 05/KH-SNN ngày 7/1/2025 của Sở Nông nghiệp & PTNT về tổ chức hội thi “Cơ sở sản xuất mạ khay và người vận hành máy cấy giỏi TP Hà Nội năm 2025”, UBND huyện đã ban hành kế hoạch chuẩn bị tổ chức hội thi “Cơ sở sản xuất mạ khay và người vận hành máy cấy giỏi TP Hà Nội năm 2025” tại địa bàn với sự tham gia của nhiều huyện trong TP.

Mục đích đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nhất là các vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung. Khuyến khích nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm giống, thuốc bảo vệ thực vật, giảm tổn thất sau thu hoạch, bảo đảm tính thời vụ.

Công nghệ dây truyền chuẩn bị mạ khay cấy máy của HTXNN tổng hợp Phú Hưng

Công nghệ dây truyền chuẩn bị mạ khay cấy máy của HTXNN tổng hợp Phú Hưng

Bên cạnh đó, tuyên truyền, nâng cao tay nghề, kiến thức hiểu biết cho nông dân những thông tin về chủ trương, chính sách; nâng cao năng lực về tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ nông nghiệp cho các HTX, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Thông qua hội thi sẽ giúp các cơ sở, người nông dân trên địa bàn huyện Phú Xuyên cũng như các huyện tham gia cuộc thi có cơ hội giao lưu, học hỏi được những kinh nghiệm và tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển nông nghiệp bền vững.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định: UBND huyện đã thành lập 2 đội thi gồm: HTXNN Phú Thắng, HTXNN tổng hợp Phú Hưng với thành phần mỗi đội thi 5 người sẽ tham gia cuộc thi và đến nay nhiệm vụ của đội thi chuẩn bị máy cấy và tập luyện để tham gia hội thi tổ chức vào tháng 2/2025 tại xã Nam Phong.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh kiểm tra trực tiếp máy cấy và khâu chuẩn bị mạ khay cấy máy cho hội thi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh kiểm tra trực tiếp máy cấy và khâu chuẩn bị mạ khay cấy máy cho hội thi.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh: ban tổ chức hội thi sẽ cấp giống, khay mạ, và giá thể cho các đội thực hiện quy trình sản xuất mạ khay theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Ban giám khảo sẽ tổ chức chấm thi theo quy chế do ban tổ chức ban hành. Mỗi đội thực hiện gieo 84 khay để phục vụ cho phần dự thi.

Bên cạnh đó, các đội còn phải tự giới thiệu về đội thi của mình với đầy đủ các thông tin địa chỉ, tên đội, tên các thành viên trong đội thi, mục đích, ý nghĩa và khẩu hiệu thể hiện sự quyết tâm khi tham gia thi. Còn với phần thi người vận hành cấy máy tại thực địa, ban tổ chức bố trí sẽ bố trí diện tích cho các đội thi ngoài thực địa, mỗi đội được bố trí 2.520m2.

Hữu Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-phu-xuyen-di-dau-ap-dung-ma-khay-cay-may.html
Zalo