Làng nghề tựa theo con nước
Những năm gần đây, mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long dù không còn đem lại nhiều tôm cá như xưa, nhưng vẫn là thời điểm mưu sinh sôi động của những người đã quen nếp sống hàng chục năm qua. Nước lên còn tác động đến cả những xóm nghề, làng nghề miền Tây.
Mùa nước năm nay, lũ từ thượng nguồn sông Mê Công kết hợp triều cường và mưa lớn khiến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh. Con nước lên mang theo niềm phấn khởi, hy vọng của bà con, trong đó có những người dân làng nghề đóng ghe, xuồng Bà Đài ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Tồn tại hàng trăm năm nay, thời hưng thịnh, mỗi năm làng nghề xuất bán cả chục ngàn chiếc xuồng, ghe.
Sản phẩm xuồng cui, ghe tam bản, ghe chài, tắc ráng mang thương hiệu Bà Đài không chỉ có mặt khắp vùng sông nước miền Tây Nam Bộ mà còn sang tận Campuchia. Tuy nhiên, nước lũ miền Tây mỗi năm lại thấp hơn, giao thông đường bộ phát triển, sản phẩm xuồng bằng nhựa composite thịnh hành nên số hộ theo nghề đóng xuồng, ghe cũng giảm dần từ 200 hộ nay chỉ còn khoảng 20 hộ bám nghề.
Họ không ngừng cải tiến kỹ thuật, sản xuất đa dạng sản phẩm. Nhờ vậy, lao động bám nghề có nguồn thu nhập ổn định từ 300.000-500.000 đồng/ngày. Bên cạnh cung cấp ghe, xuồng làm phương tiện mưu sinh của người dân đi giăng câu, đặt lưới, đặt lọp…, làng nghề còn cung ứng ghe xuồng cho một số nơi phục vụ du lịch sinh thái.
Công việc thì có quanh năm nhưng thời điểm tất bật nhất là vào mùa đón lũ. Năm nay nước lên cao, nguồn lợi thủy sản cũng đa dạng, người dân bắt đầu quay trở lại đánh bắt và nuôi trồng theo con nước nổi. Theo đó, làng nghề Long Hậu cũng phần nào nhộn nhịp, các cơ sở đóng xuồng ghe tất bật sản xuất để có thể đáp ứng đủ đơn hàng cho người dân địa phương và thương lái từ các tỉnh lân cận như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Giữa xưởng sản xuất rộng rãi, ngổn ngang vật liệu ghe thuyền, anh Đỗ Văn Tuấn không ngừng tay lướt nhanh chiếc máy cắt gỗ bén ngọt, vừa tâm sự chuyện làm ăn: “Bây giờ nước ít hơn, các loại xe cộ phát triển nên xuồng ghe cũng ít dùng. Nhưng chúng tôi vẫn gắng bám trụ với nghề, rồi cũng bán cho các điểm làm du lịch nhiều, mỗi tháng bán 2-3 chiếc, có khi cả 20-30 chiếc”.
Rời xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi tìm về xóm lưới Thơm Rơm nằm cạnh Quốc lộ 61, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Mùa nước về cũng là thời điểm nhân công tại làng nghề đan lưới mong chờ nhất. Bởi khi đó, các hoạt động đánh bắt trở nên sôi động, công việc và thu nhập của họ cũng lên theo con nước.
Hình thành từ những năm 1980, trải qua hàng chục năm, xóm lưới Thơm Rơm vẫn duy trì theo hướng tăng về số lượng và chất lượng. Riêng năm nay, các cơ sở kinh doanh ở đây đã chuẩn bị các mặt hàng để bỏ mối cũng như bán lẻ với số lượng tăng hơn 30% so với năm trước.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, làng nghề hiện có 40 hộ tham gia sản xuất chính và hơn 400 hộ sản xuất gia công. Vào mùa nước nổi, các cơ sở có đơn hàng nhiều cần tăng ca, thu nhập của người lao động cũng nhờ đó mà cải thiện theo. So với trước đây, xóm lưới đã có nhiều đổi mới, cải tiến về kỹ thuật, đăng ký thương hiệu và đẩy mạnh việc mua bán trên các nền tảng mạng xã hội, từ đó số lượng bán ngày càng nhiều, thu nhập ổn định hơn.
Cùng với tấm lưới, lọp bắt cá cũng là một ngư cụ không thể thiếu ở miền Tây mỗi mùa nước về. Lọp được đan từ những nan tre vót mảnh, nói nghe thì đơn giản, nhưng cấu tạo của lọp bắt cá lại vô cùng tinh tế. Từ trước năm 1975, nghề đan lọp đã xuất hiện ở Thới Long, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Lúc bấy giờ người ta đan lọp để gia đình dùng là chủ yếu.
Sau này, khi độ “dính cá” của chiếc lọp đã tạo được uy tín, người từ khắp Đồng bằng sông Cửu Long đổ về Thới Long mua lọp, ít thì vài chục, nhiều lên đến cả ngàn cái. Năm nay nhờ con nước, nghề đan lọp cũng phần nào sôi động trở lại. Các hộ làm ngư cụ có cơ hội sản xuất khá hơn vì nhận được đơn đặt hàng từ khắp nơi.
Trong gian nhà thoáng mát xếp lớp hàng chồng lọp tre đẹp mắt, vợ chồng bà Trần Thị Kiếm đang cặm cụi ngồi đan. Bà thong thả ngồi đu đưa võng, những ngón tay tuy nhăn nheo thô ráp nhưng thật mềm mại, tỉ mẩn trau chuốt từng chiếc nan mảnh dẻ. Hình ảnh đôi vợ chồng già say sưa làm việc tạo nên bức tranh quê rất đỗi đầm ấm, thanh bình khiến mỗi du khách đều muốn dừng chân. Bà Kiếm bộc bạch: “Mỗi năm cứ vào tháng 7 trở đi là làm nhiều, nghề này tuy không giàu nhưng cũng đủ ăn”.
Cũng như nhiều làng nghề “tựa mình” theo con nước, ở Thới Long có thể không còn nhiều người trẻ đan lọp, thế nhưng cái nghề ấy sẽ mãi chẳng thể mất đi. Bởi đó là cuộc sống, niềm vui của những người miền Tây chân chất, lam làm. Bà con hay nói vui, hễ kênh rạch còn nước, lọp bắt cá Thới Long chắc chắn vẫn sẽ còn được những người dân tỉ mẩn ngồi vót từng nan tre để vô từng hom dài, hom ngắn…
Mùa nước lên cũng là mùa làm ăn của người dân miền Tây, với những dụng cụ thô sơ cùng chiếc xuồng con là đủ hành trang rày đây, mai đó kiếm tiền. Bà con tất tả làm lưới, đăng, đó, vó, xà di, lợp, lờ…; mỗi ngư cụ có một cách đặt riêng để dẫn dụ cá tôm. Mỗi nghề có mối tiêu thụ riêng, người thì tự làm để đi đánh bắt, có hộ làm số lượng lớn bán cho bạn hàng, ai cũng ít nhiều tăng thêm thu nhập. Trong câu chuyện mưu sinh, sản xuất của bà con cho thấy sự chủ động, lạc quan tìm hướng rẽ mới trước thực tế con nước nổi mỗi năm mỗi khác. Như câu chuyện của người dân ở làng ghe xuồng Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Không thể đứng nhìn làng nghề truyền thống của quê hương dần mai một, ông Nguyễn Văn Tốt đã nghiên cứu và chế ra chiếc xuồng mini nhỏ gọn từ nguyên mẫu xuồng lớn để lưu giữ và quảng bá cho du khách. Và rồi sản phẩm gửi cả nỗi niềm cùng tình yêu nghề ấy đã thành công khi có mặt, được ưa chuộng ở các quán ăn, nhà hàng, điểm du lịch; thậm chí “vượt biển” sang các nước Mỹ, Pháp, Trung Quốc…
Đến nay, số lượng xuồng, ghe mini của ông Tốt đóng lên đến cả ngàn chiếc với nhiều mẫu mã, như: ghe Bà Đài, ghe tam bản, xuồng ba lá, xuồng Cần Thơ, ghe ngo Sóc Trăng...; mở ra triển vọng mới cho nghề đóng xuồng, ghe truyền thống ở rạch Bà Đài. Ông Tốt tâm sự: “Miền Tây vẫn còn xài thuyền gỗ vì thuyền nhựa composite nhẹ nên lắc, thuyền gỗ cây đằm hơn. Dù cho nghề này có mai một, khó khăn nhưng vì yêu nghề truyền thống nên tôi phải ráng giữ; phải đổi mới tư duy, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ”.
Với mong muốn gìn giữ nét đẹp truyền thống miền sông nước, vừa có thu nhập cho gia đình, nhiều làng nghề bên cạnh làm các mặt hàng truyền thống cũng chuyển hướng “thu nhỏ” nông cụ phục vụ du lịch; hình thành các tổ thủ công mỹ nghệ để sản xuất các mặt hàng như nơm, lờ, lọp, vỏ, sề, thúng, nia, rổ, gàu… Bà con làng nghề đan đát ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho biết, họ thường làm theo mẫu, kích cỡ được đặt để bán ở các hội chợ, điểm du lịch. Nguyên liệu ít hơn, khó làm hơn, sản phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, bắt mắt nhưng bù lại giá cao hơn hàng phục vụ sinh hoạt.
Phát triển làng nghề gắn với du lịch là hướng đi nhiều triển vọng, mang lại lợi ích kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, các địa phương ở miền Tây đã và đang hình thành nhiều tour du lịch trải nghiệm tại làng nghề. Để những làng nghề “tựa mình” theo con nước có thể sống ổn định rất cần sự định hướng, lối rẽ mới phù hợp; cần sự vào cuộc của địa phương và các cấp ngành.
Cơ sở vá lưới, lú (ngư cụ rách, hỏng) tại ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang có khoảng 80 nhân công được địa phương quan tâm, hỗ trợ. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn Bùi Thanh Tiền cho biết, các ban, ngành, đoàn thể vận động tuyên truyền bà con tham gia lúc nông nhàn, tập trung lại một điểm hoặc mang về nhà làm xong giao cho chủ vựa, trung bình mỗi ngày vá được 4-5 chiếc lưới rách, cho thu nhập khoảng 200.000 đồng. Dự kiến sắp tới địa phương sẽ thành lập tổ hợp tác, tạo điều kiện giúp đỡ kinh phí, công cụ để bà con làm nghề tốt hơn.
Năm nào cũng vậy, người dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn luôn đón đợi mùa đánh bắt cá đồng lớn nhất trong năm, dù việc mưu sinh mùa nước nổi không còn được như thuở xưa. Có lẽ vì nặng lòng với lũ miền Tây nên bà con làng nghề vẫn luôn đặt niềm tin rằng con nước rồi sẽ về, chuyện sản xuất rồi sẽ lại đông vui...
Năm 2005, UBND tỉnh Đồng Tháp có quyết định công nhận làng đóng xuồng ghe Bà Đài, xã Long Hậu là một trong những làng nghề truyền thống quan trọng trong quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống của tỉnh. Đến tháng 4/2015, làng nghề được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.