Làng nghề truyền thống với bài toán thiếu hụt lao động tay nghề cao

Việc thiếu hụt lao động trẻ, lao động tay nghề cao là lý do khiến cho nhiều làng nghề truyền thống ở Nghệ An chậm phát triển.

Sản phẩm mây tre đan làng Diềm hay các sản phẩm dụng cụ tre nứa của Hợp tác xã tre của bà con dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ ngày càng đa dạng về mẫu mã (ảnh tư liệu).

Sản phẩm mây tre đan làng Diềm hay các sản phẩm dụng cụ tre nứa của Hợp tác xã tre của bà con dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ ngày càng đa dạng về mẫu mã (ảnh tư liệu).

Hiện nay, lực lượng lao động trẻ có thế mạnh là năng động, sáng tạo, nhanh chóng nắm bắt được xu thế mới, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Bởi vậy, việc thiếu hụt lao động trẻ, lao động tay nghề cao là lý do khiến cho nhiều làng nghề truyền thống ở Nghệ An chậm phát triển, chậm thay đổi mẫu mã, sản phẩm không có tính cạnh tranh cao do không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Làm gì để giữ nghề truyền thống đang là nỗi trăn trở của không ít địa phương trên địa bàn Nghệ An hiện nay.

Nguy cơ thất truyền

Tháng 10 tới đây, Công ty TNHH Đức Phong (Công ty chuyên bao tiêu sản phẩm mây tre đan cho các làng nghề trên địa bàn Nghệ An) cần trên 1.000 lao động để chuẩn bị cho đơn hàng xuất sang Pháp nhưng thực tế lao động ở các làng nghề hiện nay chỉ còn vài trăm người. Công ty này đang tính phương án phải chuyển sản phẩm đi ra các địa phương khác, đặt hàng cho các lao động ở các tỉnh khác.

“Hiện nay các làng nghề mây tre đan đang thiếu lao động, đặc biệt là lao động trẻ, lao động già thì tay nghề hạn chế, trong khi đó sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi chất lượng cao, thay đổi mẫu mã liên tục cho phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi ký được hợp đồng mới thì vấn đề tổ chức sản xuất cũng gặp khó khăn bởi liên quan đến tay nghề, đến thiếu lực lượng lao động ở các làng nghề”, ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong trăn trở.

Xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc vốn nổi tiếng với nghề mây tre đan truyền thống. Từ chỗ có trên 1.000 hộ làm nghề, đến nay, toàn xã chỉ vài trăm hộ, trong đó, nhiều gia đình chỉ có 1 lao động tham gia, chủ yếu là người già, người trung niên và phụ nữ, có khi cả tháng mới làm được chục sản phẩm, thu nhập khá bấp bênh.

“Đặc biệt, nguồn nhân lực cho các làng nghề hiện nay sụt giảm mạnh, đa số nhân công làng nghề chủ yếu là trung niên, lớn tuổi, lớp thanh niên trẻ có sức khỏe đã lựa chọn hướng làm kinh tế khác như: Đi xuất khẩu lao động, làm công trong các công ty, khu công nghiệp…”, ông Nguyễn Văn Lục - Chủ tịch UBND xã Nghi Thái cho biết.

Thực tế ở Nghi Thái cũng chính là điều đáng lo ngại của các làng nghề mây tre đan trên địa bàn huyện Nghi Lộc hiện nay. Bởi trong 14 làng nghề mây tre đan thì Nghi Thái chiếm 10 làng, 4 làng nghề còn lại là ở Nghi Phong và Phúc Thọ.

Theo đánh giá của huyện thì mức thu nhập bình quân lao động trong nghề hiện dao động từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng, tuy nhiên, để có mức thu nhập đó thì không phải ai cũng dễ dàng đạt được. Giá trị từ nghề mây tre đan vẫn đang còn thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tác phong sản xuất còn mang nặng tính nông nhàn, sự liên kết thiếu chặt chẽ, mẫu mã và thị trường hạn chế nên chưa có sự cạnh tranh về giá cả vì vậy khó giữ chân người lao động.

Bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông có đa số là đồng bào dân tộc Thái sinh sống; nơi đây còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Bà Ngân Thị Định vừa thoăn thoắt đưa thoi dệt tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu vừa chia sẻ: Nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời và gắn bó với người phụ nữ dân tộc Thái nơi đây. Bởi vậy, hiện nay dù thị trường đã có nhiều sợi vải, chỉ len công nghiệp thay thế nguyên liệu thủ công, song những người thợ dệt như chúng tôi vẫn hàng ngày nỗ lực gìn giữ nghề và truyền cho thế hệ con cháu. Bên cạnh sử dụng nhu cầu trong gia đình, giờ thổ cẩm đã trở thành hàng hóa và tạo thêm thu nhập cho nhiều chị em những lúc nông nhàn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay không nằm ở đầu ra mà là thiếu lao động trẻ đáp ứng đơn hàng và mở rộng quy mô Hợp tác xã hiện nay.

Đầu ra sản phẩm không ổn định, nguồn nguyên liệu khó nhập về, giá cả tăng, thiếu lao động nên việc duy trì nghề rất khó… Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay có nhiều làng nghề đã dần mai một. Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 182 làng nghề, thì có 37 làng nghề hoạt động cầm chừng, 22 làng nghề đã ngừng hoạt động, trong đó, tập trung vào làng nghề mây, tre đan với 12 làng nghề dừng hoạt động, chiếm hơn 50%.

Nỗ lực giữ nghề truyền thống

Xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm là cách làm thiết thực nhằm vực dậy nghề dệt vải truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An (ảnh tư liệu).

Xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm là cách làm thiết thực nhằm vực dậy nghề dệt vải truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An (ảnh tư liệu).

Giữ nghề truyền thống không những bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội. Nhận thức được điều này, huyện Con Cuông đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm. Để làm được điều này huyện đã giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp các ban ngành mở các lớp đào tạo nghề, trong đó chú trọng về nghề dệt thổ cẩm, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm có tính cạnh tranh, tăng thu nhập và tạo sinh kế ổn định cho bà con. Cùng với đó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các hoạt động lễ hội, lễ tết.

Ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Trước mắt, huyện tập trung xây dựng phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch cộng đồng, xây dựng các tour trải nghiệm tại làng nghề nhằm thu hút khách du lịch đến thăm, trải nghiệm và mua sản phẩm thổ cẩm. Khuyến khích các nghệ nhân am hiểu nghề dệt tích cực truyền dạy lại nghề cho con cháu mình. Quan tâm đầu tư xây dựng nhà sàn trưng bày sản phẩm tại vị trí sân vận động thôn, nâng cấp đường nội thôn, hệ thống chiếu sáng khu vực thôn...

Đối với nhiều làng nghề dệt thổ cẩm, bên cạnh phục vụ du khách đến du lịch cộng đồng tại địa phương thì những con em của làng nghề đã năng động, thường xuyên đưa sản phẩm quảng bá tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, do đó, đã đạt được “hiệu quả kép” khi vừa đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm, vừa giới thiệu du khách thập phương về quê hương để trải nghiệm dệt thổ cẩm.

Với các làng nghề mây tre đan truyền thống, huyện Nghi Lộc đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống và “giữ chân” lao động, nhất là lao động trẻ có tay nghề cao như: đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các địa phương có nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; rà soát đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung ổn định để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất ngành nghề.

“Quan tâm tạo điều kiện cho các nghệ nhân tham gia các khóa học về kỹ năng dạy nghề để truyền dạy lại nghề cho lao động trẻ, tránh nguy cơ mai một làng nghề truyền thống. Cùng với đó, các trường nghề, trung tâm dạy nghề của huyện cũng đẩy mạnh liên kết với các nghệ nhân, thợ lành nghề tổ chức truyền nghề thủ công truyền thống cho lao động trẻ; có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các nghệ nhân dạy nghề”, ông Đặng Văn Lương - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nghi Lộc cho hay.

Để giải bài toán thiếu lao động kế cận như hiện nay, các địa phương có làng nghề truyền thống đang chú trọng đến dạy nghề và tăng thu nhập cho lao động. Việc nâng cao tay nghề và đào tạo các lớp thợ giỏi sẽ góp phần tăng năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Song song với việc dạy nghề, cần chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó làm cơ sở vững chắc để thu hút, giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động trẻ sau đào tạo. Việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ còn tạo động lực để lao động trẻ tìm tòi, phát hiện sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động.

Ông Lê Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Thời gian tới, tỉnh Nghệ An cũng có những giải pháp để đồng hành, hỗ trợ các làng nghề hoạt động, đặc biệt, chú trọng các sản phẩm có khả năng xuất khẩu, có nhu cầu thị trường lớn và các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện bao gồm chú trọng công tác đào tạo nghề; cải tiến trang thiết bị, máy móc; hỗ trợ vay vốn phát triển làng nghề, gắn kết chương trình phát triển làng nghề với phát triển du lịch. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu thông tin thị trường cho các sản phẩm làng nghề.

Bản thân các làng nghề truyền thống chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và nắm bắt được xu thế, thay đổi các phương thức kinh doanh truyền thống, quảng bá sản phẩm đến nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Bài và ảnh: Bích Huệ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/lang-nghe-truyen-thong-voi-bai-toan-thieu-hut-lao-dong-tay-nghe-cao-20240915142646113.htm
Zalo