Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, điểm tham quan thú vị
Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, làng nghề Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một địa chỉ du lịch khá hấp dẫn. Đến đây, khách du lịch như lạc vào không gian của các loại tượng gỗ, nhất là các loại tượng thờ, đồ thờ cúng. Tại đây khách cũng có thể mua nhiều đồ lưu niệm bằng gỗ xinh xắn.
Từ trung tâm Hà Nội, đi theo Quốc lộ 32 đến thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức) rồi rẽ trái khoảng hơn 1km là du khách đã đặt chân tới làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng.
Nơi đây được ví như là “thiên đường” về đồ thờ cúng hay đồ chạm khắc thủ công mỹ nghệ.
Làng nghề Sơn Đồng hiện có hơn 1.000 thợ lành nghề và nhiều nghệ nhân giỏi, chưa kể nhiều thợ điêu khắc từ các nơi đến.
Tương truyền, làng nghề Sơn Đồng có khoảng 1000 năm tuổi với truyền thống tạc tượng thờ, các loại đồ thờ như: Hoành phi, câu đối, sập thờ… và điêu khắc, trang trí mỹ nghệ nội thất theo phong cách truyền thống.
Ngay từ đầu làng, khách du lịch đã nghe tiếng đục lách cách vui tai và mùi thơm của các loại gỗ quý.
Ở bất cứ đâu trong làng, người ta cũng bắt gặp những bức tượng như: Phật Thích Ca, Phật A di đà, Phật bà Quán Thế Âm, Đức Thánh Trần, tượng ông Thiện, ông Ác, tượng La Hán... cùng vô số loại đồ thờ thủ công mỹ nghệ khác. Có những bức tượng gỗ các vị Phật, Thánh cao đến vài mét được chế tác tinh tế.
Việc quan sát những người thợ chế tác cũng đem lại những trải nghiệm thú vị. Những đường đục đi đến đâu là các nét tạo hình khuôn mặt như mắt, mũi, tai… hiện ra đến đó. Nhiều người nói rằng, hoa, lá, rồng, phượng... “đi ra” từ những mũi đục.
Một khâu quan trọng trong chế tác bức tượng thu hút khách du lịch là sơn tượng.
Ngày nay nhiều người dùng sơn công nghiệp, nhưng cũng nhiều hộ gia đình giữ phương pháp sơn truyền thống. Người thợ sơn sẽ trộn đất phù sa rồi “bó sơn” để “hom tượng”.
Sau mỗi công đoạn, tượng lại được mài bằng đá và nước.
Quy trình cứ lặp đi lặp lại nhiều lần giúp cho màu sơn trên các bức tượng có độ bền lên tới vài trăm năm.
Nhiều bộ phận của bức tượng, hay các bức điêu khắc được thếp vàng, thếp bạc. Đây cũng là một quy trình hết sức hấp dẫn.
Vàng quỳ được nhập từ làng nghề Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm). Người thợ phủ lớp sơn ngoài cùng sau nhiều lớp sơn, khi sơn vẫn còn dính tay thì dán vàng quỳ, bạc quỳ. Những bức tượng vốn mộc mạc chỉ trong phút chốc trở nên lộng lẫy ánh vàng, ánh bạc.
Đã từng có thời gian hoạt động tín ngưỡng, tâm linh không được quan tâm đúng mức, cho nên làng nghề gặp khó khăn. Làng nghề được khôi phục trở lại từ những năm 1980 đến nay.
Do nhu cầu lớn của xã hội, làng nghề ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm khoảng trên 50% thị phần trên toàn quốc.
Một điều thu hút khách du lịch khác là khách có thể đặt hàng bất cứ loại tượng nào, từ tượng Phật, tượng Thánh cho đến tượng thờ của gia đình, hay tượng chân dung cá nhân, tượng những con vật mình yêu thích.
Khách chỉ cần đưa ra yêu cầu và địa chỉ. Chỉ ít ngày sau các tác phẩm điêu khắc đặt hàng sẽ được chuyển đến.
Tùy kích cỡ, chất liệu, độ phức tạp mà giá cả các pho tượng đặt hàng sẽ khác nhau. Tuy hạ tầng du lịch chưa phát triển, nhưng do gần trung tâm thành phố, cho nên làng mỹ nghệ Sơn Đồng là địa chỉ ưa thích với nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.