Làng nghề mộc Phúc Lộc hối hả vào vụ Tết
Càng gần cuối năm, không khí làm việc tại làng nghề mộc Phúc Lộc (phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình) càng sôi động, đây là giai đoạn cao điểm sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và phục vụ thị trường Tết.
Làng nghề mộc Phúc Lộc, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) nổi tiếng với bề dày lịch sử lâu đời cùng tay nghề chạm trổ hoa văn khéo léo của các nghệ nhân. Làng nghề hiện có khoảng 200 hộ làm nghề mộc, trong đó nhiều hộ mở xưởng quy mô lớn, trang bị đầy đủ thiết bị máy móc hiện đại, sản xuất sản phẩm cao cấp. Nhờ sự sáng tạo, hài hòa và tinh tế giữa các đường nét hoa văn, sản phẩm của làng nghề đã vươn xa ra các thị trường như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Những tháng gần Tết, tiếng máy xẻ, máy cưa, tiếng đục, đẽo náo nhiệt cả làng nghề, từng dòng xe tải tấp nập chở nguyên liệu. Ông Lê Thanh Tỵ, Giám đốc Công ty đồ gỗ Nhung Tỵ - chuyên sản xuất các mặt hàng mộc dân dụng chia sẻ: “Nhu cầu mua sắm đồ gia dụng của khách hàng tăng dần từ cuối tháng 9 âm lịch và đông nhất vào tháng 11, 12 âm lịch. Phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2025, xưởng nhà tôi bắt đầu nhận đơn và làm các mặt hàng Tết từ đầu tháng 10 âm lịch. Với gần 30 lao động làm việc, các xưởng đang tích cực hoàn thiện đơn hàng, tập trung vào các sản phẩm đồ thờ, tủ, bàn ghế…”.
Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh cần trải qua nhiều công đoạn như xẻ gỗ, pha gỗ, vẽ phác thảo, đục, phơi sơn… Những năm gần đây, xu hướng sử dụng nội thất gỗ trong nhà là kiểu dáng đơn giản, ít chi tiết, màu sắc hiện đại, tập trung vào hình khối, đề cao tính công năng của sản phẩm.
Do đó, các cơ sở sản xuất đồ gỗ dân dụng như gia đình ông Tỵ không ngừng đổi mới, tìm tòi, học hỏi kiểu mẫu, đưa thiết kế hiện đại vào các sản phẩm truyền thống, đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao tay nghề nhân công nhằm thu hút thị trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Bên cạnh những mặt hàng thông dụng, làng nghề mộc Phúc Lộc cũng có không ít những nghệ nhân với đôi bàn tay và khối óc tài nghệ, khéo léo đã tác tạo ra những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, cầu kỳ mang phong cách truyền thống như các loại đồ gỗ phục vụ tế tự, lễ hội, tu sửa đền chùa, miếu mạo...
Sinh ra và lớn lên từ làng mộc, nghệ nhân Vũ Văn Hạnh (61 tuổi, phố Đức Thế, phường Ninh Phong) tiếp xúc với nghề từ nhỏ và có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề dựng nhà gỗ cổ. Ông được công nhận là nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tỉnh năm 2017, nhờ kiến thức và tay nghề cao, ông trở thành người xây dựng nhà cổ nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.
Ông Hạnh chia sẻ: “Để có thể xây dựng một ngôi nhà cổ, người thợ ngoài tài hoa vượt trội, sự cần mẫn, khéo léo, còn cần kiến thức, sự am hiểu về phong thủy, mỹ thuật. Bởi một ngôi nhà gỗ theo kiến trúc cổ không chỉ cần kiến trúc, sự hài hòa, thẩm mỹ mà còn chứa đựng hồn cốt, nét văn hóa truyền thống. Cấu kiện ngôi nhà gồm nhiều chi tiết phải tinh tế, tỉ mỉ như cột cái, cột con, quá giang, câu đầu... Các công đoạn làm nhà gỗ truyền thống đã rút ngắn khá nhiều nhờ sự hỗ trợ của máy móc, tuy nhiên chủ yếu vẫn là sản xuất thủ công, cần nhiều nhân lực tay nghề giỏi”.
Công việc bận rộn quanh năm nhưng cao điểm là giai đoạn trước Tết, những người thợ lành nghề phải gấp rút thi công để kịp khánh thành nhà cho gia chủ. Trung bình mỗi năm, xưởng mộc của ông Hạnh xây dựng được 8-14 nhà gỗ cổ. Ông Hạnh vui mừng cho biết đã nhận được một số đơn hàng cho năm sau.
Để giữ gìn tinh hoa do cha ông truyền lại, ba người con của ông Hạnh đều kế thừa bản sắc làng nghề, phát huy sự nghiệp gia đình, tạo nên nhiều công trình nhà cổ mang đậm bản sắc văn hóa.
Anh Nguyễn Văn Linh, công nhân chạm trổ của xưởng mộc ông Vũ Văn Hạnh tâm sự: “Những năm gần đây, xu thế làm nhà gỗ càng trở nên thịnh hành, đây là động lực để tôi cùng các nghệ nhân đam mê, gắn bó với nghề. So với trước đây, thị hiếu về nhà gỗ ngày càng tăng, yêu cầu về giá trị thẩm mỹ, độ tinh xảo cũng khắt khe hơn, đòi hỏi những người làm nghề như chúng tôi càng phải cố gắng nâng cao tay nghề hơn nữa”.
Đồng chí Phạm Văn Chuyền, Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Phong cho biết: “Với khoảng 200 hộ làm nghề mộc, làng nghề Phúc Lộc đã góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài phường. Giai đoạn cuối năm, các xưởng mộc đều phải tăng ca, thêm nhân lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, không khí sản xuất dịp này luôn hối hả, tấp nập. Những năm gần đây, để tăng giá trị, giảm sức lao động, các cơ sở đã đầu tư máy móc, áp dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật mới, nhờ đó, sản phẩm làm ra cơ bản bảo đảm chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng”.
Để làng nghề hoạt động hiệu quả, chính quyền địa phương đã thực hiện các chính sách hỗ trợ làng nghề của cấp trên, khuyến khích các cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng hạ tầng, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển làng nghề, đào tạo lao động, hướng dẫn các cơ sở gắn nhãn, mác nâng cao hiệu quả nhận diện…