Làng nghề mộc những ngày cuối năm

Đi qua cánh cổng làng đồ sộ, ghé vào các làng Đạt Tài, Hà Thái, từ xa xa đã nghe tiếng đục đẽo, tiếng ù ù của máy khắc gỗ hòa lẫn với tiếng của máy cưa, máy cắt, máy bào. Những âm thanh quen thuộc của làng nghề mộc như hối hả hơn trong những ngày cuối năm.

Cơ sở sản xuất Hòa Niên của gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, thôn Hạ Vũ 1, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa).

Cơ sở sản xuất Hòa Niên của gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, thôn Hạ Vũ 1, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa).

Có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm, nghề mộc ở các làng Đạt Tài, Hà Thái, xã Hoằng Hà và Hạ Vũ, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) vốn đã có tiếng vang khắp gần xa. Sách Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa có viết: “Ba làng này thuộc xã Hà Dương, tổng Bút Sơn cũ. Cứ theo lời của nhiều cụ ở Hoằng Đạt, Hoằng Hà thì nghề mộc ở Đạt Tài, Hạ Vũ, Hà Thái nổi tiếng cách đây đã 400 - 500 năm. Người truyền nghề cho dân vùng này quê gốc ở Nam Định. Ông vốn là thợ cả của một toán thợ mộc, vào đây làm nhà, lấy người vợ ở làng Đạt Tài, truyền nghề cho dân Đạt Tài trước tiên, rồi từ Đạt Tài lan sang Hạ Vũ, Hà Thái... Thợ mộc ở ba làng này không chỉ làm nhà, làm đình, làm chùa, làm nghè, làm nhà thánh, làm các cung điện tại kinh đô, tại các tỉnh thành mà còn kiêm cả nghề thợ chạm, chạm cửa võng hoành phi, chạm long ly quy phượng...”. Với tay nghề khéo léo hơn người, những người thợ mộc nơi đây đã đi khắp nơi làm nghề, rồi để lại “tiếng thơm” cho đời. Qua biết bao thăng trầm, người dân nơi đây vẫn gắn bó với nghề. Lớp cha trước truyền lớp con sau để gìn giữ nét tài hoa mà không phải nơi nào cũng có được.

Đi qua cánh cổng làng đồ sộ, ghé vào các làng Đạt Tài, Hà Thái, từ xa xa đã nghe tiếng đục đẽo, tiếng ù ù của máy khắc gỗ hòa lẫn với tiếng của máy cưa, máy cắt, máy bào. Những âm thanh quen thuộc của làng nghề mộc như hối hả hơn trong những ngày cuối năm.

Bên trong cơ sở sản xuất nghề mộc Xuân Vinh của gia đình ông Vũ Văn Xứng, ở thôn Hà Thái, những người thợ vẫn tất bật với các công việc của mình. Bên cạnh việc sản xuất, cung cấp cho thị trường những sản phẩm gỗ dân dụng, mỹ nghệ, gia đình ông Xứng còn làm nhà gỗ truyền thống. Các căn nhà gỗ truyền thống có thiết kế đơn giản nhưng lại bao gồm những đường nét, chạm khắc vô cùng tinh tế và mang ý nghĩa sâu sắc về văn hóa truyền thống. Để dựng ngôi nhà gỗ, các công việc chuẩn bị tương đối phức tạp, nhiều khâu, đòi hỏi yếu tố kỹ thuật cao, cách bố cục một khung sao cho hài hòa, cân đối, thanh thoát, có phong cách riêng. Ông Xứng cho biết: Khách hàng của gia đình ông chủ yếu ở trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc. Hiện, cơ sở sản xuất của gia đình ông đang tạo việc làm cho khoảng 5 - 6 lao động chính và nhiều lao động thời vụ, đồng thời khoán sản phẩm cho một số cơ sở sản xuất khác trong xã Hoằng Hà.

Cơ sở sản xuất nghề mộc của gia đình ông Vũ Văn Xứng, thôn Hà Thái, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa).

Cơ sở sản xuất nghề mộc của gia đình ông Vũ Văn Xứng, thôn Hà Thái, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa).

Ông Nguyễn Viết Thêm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Hà cho hay: Trong xã hiện có 78 hộ gia đình làm nghề mộc, tập trung ở 3 thôn: Đạt Tài 1, Đạt Tài 2, Hà Thái. Doanh thu từ nghề mộc đóng góp lớn vào tổng giá trị sản xuất của địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Trong bối cảnh khó khăn của thị trường tiêu thụ, hoạt động của làng nghề có phần trầm lắng, song các hộ sản xuất vẫn nỗ lực tìm kiếm thị trường, kết nối khách hàng thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

Giống như các làng Đạt Tài, Hà Thái, ở làng Hạ Vũ có hơn 195 hộ tham gia nghề mộc, trong đó có gần 100 hộ mở xưởng sản xuất. Theo ông Hoàng Hữu Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạt, nghề mộc đang tạo việc làm cho hơn 450 lao động địa phương, với sản phẩm chính là đồ gỗ trang trí nội thất như bàn ghế, giường tủ, sản phẩm điêu khắc. Để phát triển nghề, nhiều hộ dân đã đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất. Trong làng nghề hiện có gần 30 máy đục điêu khắc công nghệ cao. Máy móc và công nghệ đã hỗ trợ, giảm tải khối lượng công việc của người thợ mộc, tiết kiệm thời gian và cho ra nhiều mẫu mã sản phẩm đa dạng, giá thành cạnh tranh hơn. Hoạt động sản xuất nghề mộc đóng góp lớn phát triển kinh tế địa phương. Giá trị sản xuất từ hoạt động tiểu thủ công nghiệp chiếm khoảng 15% tổng giá trị sản xuất toàn xã. Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm ngày càng thu hẹp, lượng khách hàng giảm sút, hoạt động sản xuất tại các cơ sở có phần bị ảnh hưởng.

Sản phẩm mộc ở các làng nghề truyền thống được sản xuất và tiêu thụ quanh năm, nhưng bận rộn nhất là vào 3 tháng cuối năm. Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Hòa Niên, thôn Hạ Vũ 1, chia sẻ: Sự thay đổi của nhu cầu thị trường, kinh tế suy thoái, việc cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp khiến công việc sản xuất, buôn bán gặp nhiều khó khăn. Nếu như trước những năm 2020, cứ vào dịp cuối năm, khách hàng nườm nượp đến tham quan, mua sắm đồ gỗ, thì vài năm gần đây, lượng khách giảm đáng kể, thậm chí có phần ảm đạm. Những cơ sở làm nghề lâu năm cũng chỉ duy trì nghề từ những đơn hàng của bạn bè, khách hàng thân quen giới thiệu”.

Trước những thay đổi của thị trường, nghề mộc ở các làng quê Hoằng Hóa đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Năm 2020, UBND huyện Hoằng Hóa đã ban hành Đề án “Phát triển nghề mộc Hà - Đạt giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030”. Trong đề án này, mục tiêu mà địa phương hướng đến là hình thành một khu sản xuất nghề mộc quy mô hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh cao. Đồng thời, trở thành điểm du lịch làng nghề của huyện. Người dân ở đây luôn mong ngóng, kỳ vọng về những kế hoạch dài lâu, tạo “đòn bẩy” phát triển bền vững hoạt động của làng nghề, góp phần phát huy nghề truyền thống, tinh hoa làng nghề, giúp nghề mộc thêm sức sống.

Bài và ảnh: Minh Hiền

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/lang-nghe-moc-nhung-ngay-cuoi-nam-34256.htm
Zalo