Làng nghề dệt đũi 400 năm tuổi ở quê lúa
Trong lúc công nghiệp dệt may phát triển với nhiều máy móc, công nghệ hiện đại thì ở xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình vẫn có một làng nghề dệt đũi hoàn toàn thủ công. Làng nghề ấy đã trải qua hơn 400 năm tuổi.
17 công đoạn làm nên vải đũi Nam Cao
Về làng dệt đũi Nam Cao, những ồn ào nơi phố thị dường như ngưng lại. Nơi đây không tiếng còi xe, không phố xá ồn ào tấp nập, những nếp nhà có phần xưa cũ với tiếng khung cửi lạch cạch cả ngày không ngơi.
Tạm ngưng đôi tay kéo sợi, cụ Nguyễn Thị Bốn (77 tuổi thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao) chia sẻ, những cây dâu, cây gấc, cây bàng… trồng trong vườn nhà đều để làm ra những tấm vải đũi.
"Vải đũi hoàn toàn làm thủ công, nguyên vật liệu là tơ của tằm nuôi trong làng, nhuộm màu bằng cây cỏ thiên. Nhìn kéo sợi tưởng đơn giản nhưng thực chất rất vất vả, người kéo phải ngâm tay làm việc trong nước bất kể đông hay hè, phải tinh mắt và có tay nghề, cần mẫn cả ngày mới được 70-100 gram đũi", cụ Bốn cho hay.
Bà Nguyễn Thị Mùi (69 tuổi, thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao) cho biết, vải đũi Nam Cao có những đặc tính rất riêng, trông có vẻ mộc, thô, dày nhưng thật ra rất mềm, thân thiện với da, mặc mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, dễ tẩy trắng, giặt sạch và mau khô.
Theo bà Mùi, để có được tấm vải đũi, người thợ phải thực hiện ít nhất 17 công đoạn, hoàn toàn thủ công. Đầu tiên là trồng dâu nuôi tằm. Sau khi lấy kén thì luộc chín, ủ 5-6 giờ ngâm nước trước khi kéo đũi. Công đoạn này phải kéo và se hoàn toàn bằng tay, một tay giữ kén, một tay kéo.
Sợi đũi sau khi kéo được cuốn lại thành từng vun rồi vắt kiệt nước, cho vào guồng quay, sau đó mang đi phơi khô, đánh ống, đánh suốt. Trước lúc dệt, người thợ còn mang đũi đi nấu thật kỹ cho sợi mềm và tơi, tránh bị đứt.
Sợi đũi được cuộn vào ống sợi theo hình hoa chuối từ đầu to tới đầu nhỏ, từ trên xuống dưới, tiếp đến lại được đánh thành từng cuộn nhỏ để cho vào con thoi dệt.
Công đoạn tiếp theo là nối cửi hay còn gọi là khung cửi, đây là giai đoạn trung gian quan trọng nhất đòi hỏi người nối cửi phải có kinh nghiệm, chỉ cần một sai sót nhỏ khi nối cửi, khi dệt sẽ hỏng cả tấm đũi. Những hàng dệt được kiểm tra cẩn thận, đảm bảo độ thoáng mềm nhưng vẫn chắc chắn.
Thăng trầm làng đũi
Gần 70 năm gắn bó với nghề truyền thống của làng, cụ Bốn cho biết, theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề kéo đũi, dệt cửi tại đây có từ năm 1584. Khi đó, hai bà Từ Tiên và Từ An về quê cũ là làng Vân Xa, Bất Bạt (Hà Tây cũ) học nghề trồng dâu nuôi tằm, kéo đũi, dệt cửi rồi dạy cho con cháu; vừa làm nghề nông, vừa làm nghề thủ công để sinh sống.
Lúc đầu vải đũi được dùng để may thành quần áo phục vụ nhu cầu của nhân dân và dùng trong các lễ hội. Sau này vải đũi đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là Đông Âu. Đến những năm 80 của thế kỷ trước, đũi Nam Cao mỗi năm tiêu thụ hàng triệu mét.
Là cơ sở dệt đũi Nam Cao vẫn còn lưu giữ từ đời cha ông để lại, ông Nguyễn Đình Đại (70 tuổi, xã Nam Cao) kể, khoảng những năm 1946, bố ông là nghệ nhân Nguyễn Đình Bân, người có công mang nghề và cải biên nghề từ khung cửi thủ công sang máy bán cơ khí.
Điều này đã giúp làng nghề có sự chuyển biến mạnh mẽ và đem lại năng suất cao, đây cũng là thời điểm đánh dấu mốc làng Nam Cao trở thành làng nghề dệt đũi chính thức.
Giai đoạn từ năm 1995 - 2000, làng nghề phát triển mạnh mẽ thành vùng, lan ra các xã lân cận. Riêng Nam Cao thời điểm đó có hơn 2.000 hộ đều dệt đũi và khăn tơ tằm. Mỗi hộ gia đình gần như là một xưởng sản xuất, có từ 3 - 5 chiếc máy dệt, tổng cả xã có khoảng gần 6.000 chiếc máy vận hành hết công suất. Sản phẩm dệt ra chủ yếu được xuất khẩu sang Lào, Thái Lan.
Tuy nhiên, năm 2004, trận sóng thần ở Phuket, Thái Lan cuốn trôi đi hết nhà cửa, hàng hóa, tài sản của các doanh nghiệp lụa tại đây, khiến đũi Nam Cao bị mất thị trường, làng nghề cũng dần đi xuống.
Rồi đỉnh điểm là những năm 2010, do nền kinh tế suy thoái, làng nghề rơi vào nốt trầm buồn tưởng chừng như không thể cứu vãn được, cả làng chỉ còn 3, 4 nhà làm nghề, các nghệ nhân gần như buông bỏ.
Đũi Nam Cao xuất khẩu sang 20 quốc gia
Để giữ gìn nghề dệt đũi của cha ông, ông Đại quyết định không chạy theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng. Ông phục dựng lại những khung cửi cổ, làm nên những tấm đũi bằng cách làm truyền thống và thô sơ nhất. Bởi đối tượng khách hàng ông hướng tới là những người thực sự đam mê, yêu thích lụa đũi, sẵn sàng chi trả số tiền cao để được sử dụng các sản phẩm hoàn toàn tự nhiên.
Ông Đại cho biết, hiện nay ngoài xưởng dệt nhà ông, trong làng vẫn còn 3 - 4 cơ sở sản xuất với khoảng hơn 100 người làm nghề rút sợi đũi, hơn 50 người làm nghề dệt. Bên cạnh đó, cơ sở của ông còn đào tạo nghề cho thế hệ trẻ để lớp con cháu tiếp nối và gìn giữ nghề truyền thống.
Để tiếp tục phát triển nghề dệt đũi, xã Nam Cao đang duy trì hợp tác xã (HTX) lụa đũi với gần 200 hộ dân tham gia. Bà Nguyễn Thị Hà, Phó chủ nhiệm HTX cho hay, trong các thôn vẫn còn từ 50-60 người cao tuổi biết nghề, cụ cao niên nhất là Phạm Thị Hồng (95 tuổi) vẫn khá tinh tường và kéo được đũi.
Theo bà Hà, nghề kéo đũi hay rút đũi hiện nay ở Nam Cao vẫn làm hoàn toàn thủ công. Những năm gần đây, HTX Dệt đũi Nam Cao đón tiếp nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan, trực tiếp trải nghiệm và tìm hiểu về nghề dệt đũi. Sản phẩm đũi Nam Cao của HTX đã được xuất khẩu sang hơn 20 nước trên thế giới.
Sẽ xây khu sản xuất tập trung
Ông Nguyễn Thành Khoa, Chủ tịch UBND xã Nam Cao cho biết, sau khi HTX Dệt đũi Nam Cao được thành lập, làng nghề lụa đũi Nam Cao đã từng bước khôi phục. HTX đạt doanh số trung bình 40 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Tháng 11/2023, nghề dệt đũi tại xã Nam Cao được Bộ VH, TT&DL cấp chứng nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
"Với thế mạnh là sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công, thân thiện thiên nhiên, làng nghề dệt đũi Nam Cao được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Chúng tôi đã vận động 37 hộ dân chuyển nhượng 4,5ha đất để HTX Dệt đũi Nam Cao triển khai xây dựng khu sản xuất tập trung và tham quan trải nghiệm", ông Khoa cho biết.