Lăng kính văn hóa: Nhân phẩm không phải trò đùa
Một nghệ sĩ nổi tiếng ở miền Nam được đông đảo công chúng mến mộ, mới đây bày tỏ sự không hài lòng khi một kênh YouTube cố tình dựng chuyện anh nói xấu đồng nghiệp.
Một nghệ sĩ tên tuổi ngoại lục tuần cũng bất bình khi một trang mạng gán ghép ảnh ông chụp cùng con gái ruột với thông tin: “Đây là vợ mới cưới của nam diễn viên gạo cội”.
Dư luận nhiều phen xôn xao khi bắt gặp những thông tin đơm đặt về nghệ sĩ này đột tử, ca sĩ kia đột quỵ vào viện cấp cứu, cầu thủ nọ bị tai nạn giao thông...
Thực tế nhiều chủ nhân trang mạng bẩn, kênh thông tin lá cải đã bị xử phạt hành chính, nhưng những thông tin xàm xí vẫn không giảm, mà như một vết dầu loang làm ô nhiễm môi trường thông tin trên mạng xã hội.
Thông tin nhảm nhí, xuyên tạc người nổi tiếng có kẻ đơn giản nghĩ đó chỉ là trò đùa mua vui cho thiên hạ, nhưng sự thật nó đang “gặm nhấm” tâm hồn người đọc, người xem và nguy hại hơn là tạo ra những “đống rác” cản trở tiến trình xây dựng môi trường văn hóa xã hội lành mạnh.
Chế tài xử phạt những trường hợp đưa tin bịa đặt đã có, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, nó chưa đủ ngăn chặn vấn nạn tin giả tràn lan trong thời đại công nghệ số.
Do vậy, đã đến lúc cần phải tăng mức xử phạt hành chính lên gấp nhiều lần, thậm chí kiên quyết xử lý hình sự những trường hợp tái phạm để đủ sức phòng ngừa, răn đe.
Bài học về tăng mức xử phạt hành chính các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông những ngày đầu năm 2025 đã phần nào lập lại kỷ cương thực thi văn hóa giao thông trong xã hội, hy vọng sẽ được tham khảo, áp dụng để xử lý mạnh tay đối với những “yêng hùng bàn phím”.