Làng du lịch bên đồi Khau Tý

'Phủ Chủ tịch' đầu tiên ở 'Thủ đô gió ngàn' Định Hóa ngự ở đồi Khau Tý, xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc. Từ năm 2017, xóm được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Với nét văn hóa bản địa độc đáo như kiến trúc nhà ở, tập quán, hát then đàn tính, ẩm thực và rủ rỉ những câu chuyện về cụ ké Hồ Chí Minh đã hút hồn du khách trong nước, quốc tế.

Du khách nước ngoài tham gia trải nghiệm lao động sản xuất cùng nông dân.

Du khách nước ngoài tham gia trải nghiệm lao động sản xuất cùng nông dân.

Đường từ trung tâm xã Điềm Mặc vào xóm du lịch Bản Quyên không rộng, nhưng đủ để đón bạn bè bốn phương. Bà con xóm Bản Quyên thường chào đón khách bằng câu nói mộc mạc như vậy, song tạo được sự gần gũi, thân thiện. Nhiều du khách nước ngoài khi đến đây đã nhanh chóng cảm mến, xin ở lại để trải nghiệm cuộc sống dân dã với bà con.

Ông Charlotte William, du khách người Úc: Khung cảnh từ đầu xóm đã gây cho chúng tôi ấn tượng đẹp. Dọc hai bên đường vào rợp mát bóng cây. Rồi cái cổng xây đơn sơ mỗi bên có 1 cây đàn tính khổng lồ. Đi tiếp vào trong xóm thấy những ngôi nhà sàn cổ kính. Rồi cánh đồng, rừng cây, ruộng, bãi, di tích lịch sử và cả ca hát, ẩm thực… cái gì cũng thấy lạ.

Với tổng số 24 di tích lịch sử kháng chiến đã được Nhà nước cấp bằng, dựng bia và lập hồ sơ khoa học công nhận, xã Điềm Mặc trở thành một trong những địa phương có nhiều di tích lịch sử nhất của huyện Định Hóa. Đặc biệt là di tích đồi Khau Tý - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trong thời gian từ ngày 20-5 đến ngày 11/10/1947. Tất cả đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, đồng thời là điểm đến cho du khách trong nước, quốc tế.

Cổng vào xóm du lịch Bản Quyên được dựng 2 cây đàn tính.

Cổng vào xóm du lịch Bản Quyên được dựng 2 cây đàn tính.

Ông Ma Đình Soạn, hộ làm dịch vụ homestay ở đầu xóm, cho biết: Xóm có 15 gia đình được Nhà nước hỗ trợ gìn giữ, bảo tồn nhà ở của mình. Đó là các ngôi nhà sàn truyền thống và có nhiều thế hệ cùng chung sống. Và đó cũng là các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng.

Ông Ma Đình Được: Cùng hỗ trợ của Nhà nước, các gia đình tự đầu tư tu sửa, xây dựng thêm các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, nhà tắm bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, đáp ứng yêu cầu cho du khách.

Để xứng tầm là một điểm du lịch bên đồi “Phủ Chủ tịch” đầu tiên ở "Thủ đô gió ngàn" Định Hóa, những năm gần đây, tỉnh đã đầu tư hàng tỷ đồng cho việc thực hiện Dự án xây dựng, vận hành mô hình du lịch cộng đồng xóm Bản Quyên. Dự án gồm nhiều hạng mục công trình hạ tầng cơ sở liên quan đến đời sống của cư dân địa phương. Ngoài hỗ trợ về sửa chữa, nâng cấp nhà ở chắc chắn, bảo đảm cho du khách đến tham quan, lưu trú là các dự án có giá trị hàng tỷ đồng để tạo cảnh quan, môi trường phục vụ du lịch.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Ma Đình Vận cho biết: Nhà nước hỗ trợ, bà con trong xóm cũng tự đối ứng làm đường bê tông, trồng cây xanh làm bờ rào trước nhà; thiết kế, chỉnh trang lại một số khu ruộng, nương chè, trang trí nhà cửa để đón khách. Để làm du lịch, hầu hết các hộ đăng ký tham gia phục vụ du khách đều được tỉnh cho đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số làng du lịch cộng đồng ở Bản Lác, bản Poom Coọm (Mai Châu - Hòa Bình); Tân Cương (T.P Thái Nguyên); Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội)... Nhờ đó bà con ở xóm biết làm du lịch, giản đơn là việc cùng nhau liên kết phục vụ du khách như: Tổ chức chương trình hát then, đàn tính; phục vụ ăn uống; dẫn khách đi tham quan di tích đồi Khau Tý và trải nghiệm công việc của nhà nông.

Di tích lịch sử đồi Khau Tý.

Di tích lịch sử đồi Khau Tý.

Bên bếp lửa nhà sàn của gia đình bà Ma Thị Lan, cây đàn tính, bộ xóc nhạc trong tay các “nghệ nhân vườn” cất lên rộn ràng như đẩy lời bài hát then “Bác mừa Khau Tý”; “Trăng soi đường Bác”; “Tiếng chim khảm khắc” lên cao trào, rồi quyện lại trong gió rừng, lại chợt bừng nở như đại ngàn vào xuân làm bao du khách phấn chấn vỗ tay bắt nhịp. Vừa lúc ấy, mâm cơm được bày ra giữa sàn nhà với gà nướng, cơm lam, nộm bi chuối rừng, rau dớn… Rượu men lá thơm lựng, càng uống càng tỉnh, dìu du khách về với mường then, với rừng cọ, đồi chè gợi lời thơ Tố Hữu: “Vui sao một sáng tháng Nǎm/ Đường về Việt Bắc lên thǎm Bác Hồ”.

Vẫn còn đây trên đồi Khau Tý một mái lán được dựng theo lối kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày Việt Bắc. Sau nhà có cây trám cổ thụ, vầng bông bụt Bác trồng vẫn thắp đỏ màu hoa gợi nhớ hè xưa. Vâng! Gần 80 năm trước là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”; viết thư gửi Ban vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, nhất trí lấy ngày 27-7 hằng năm để toàn dân tỏ lòng hiếu nghĩa với thương binh, gia đình liệt sĩ và viết bài thơ “Cảnh khuya”.

Đặc biệt là cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”, tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, tài liệu học tập, tu dưỡng tư tưởng đạo đức và tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên. Nhiều cuộc họp quan trọng với Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Việt Minh Hoàng Quốc Việt bàn về công cuộc kháng chiến kiến quốc được tổ chức ở mái lán trên ngọn đồi Khau Tý.

Như mạch nước đầu nguồn, câu chuyện làm du lịch của người Bản Quyên chảy mãi như không có đoạn cuối. Vừa trong trẻo như tiếng hát then, lại rộn ràng như lời cây đàn tính và ấm áp như ngọn lửa hồng làm bao du khách một lần về Bản Quyên thì nhớ mãi câu chuyện về một vùng đất được lịch sử lựa chọn làm thủ phủ đầu tiên khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về ATK gió ngàn Định Hóa để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Cao Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/du-lich-thai-nguyen/202505/lang-du-lich-ben-doi-khau-ty-b421b8c/
Zalo