Làng dệt thổ cẩm Piêng Lau - Niềm tự hào của đồng bào Thái

Có thời điểm, nghề dệt thổ cẩm ở Piêng Lau, xã Na Loi, H.Kỳ Sơn (Nghệ An) bị lắng xuống nhưng sau đó đã nhanh chóng phục hồi và khẳng định thương hiệu. Mới đây, bản Piêng Lau vinh dự đón nhận Bằng công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm. Đây là niềm vui, niềm tự hào của bà con đồng bào người Thái trong bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, đồng thời góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân.

Nghề dệt thổ cẩm Piêng Lau đã có từ lâu đời.

Nghề dệt thổ cẩm Piêng Lau đã có từ lâu đời.

Từ hành trình hồi sinh

Bản Piêng Lau được thành lập năm 1972, với 100% là đồng bào người Thái. Người ta thường phân biệt văn hóa Thái với các dân tộc khác qua trang phục. Nam có trang phục giống người Kinh, còn nữ mặc váy và áo truyền thống của người Thái. Váy áo thường do tự tay những người phụ nữ thêu dệt để phục vụ bản thân và những người trong, ngoài bản.

Những cụ cao niên trong bản Piêng Lau cho hay, người Thái hình thành nghề nuôi tằm kéo tơ và dệt thổ cẩm từ rất lâu đời. Theo phong tục tập quán, người phụ nữ Thái ngoài việc chăm sóc gia đình thì còn phải biết thêu dệt. Kỹ năng thêu, dệt được coi là một chuẩn mực để đánh giá sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ Thái. Bởi vậy, ngoài những giờ đi làm nương rẫy, phụ nữ còn tranh thủ học và dệt một số trang phục để phục vụ bản thân mình. Dần dần, do nhu cầu của thị trường, người Thái dệt thành sản phẩm bán cho phụ nữ người Khơ Mú và xuất bán đi các nơi để tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, do sự xâm nhập và giao thoa về kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc với nhau, từ năm 2006 đến 2015, nghề dệt thổ cẩm ở bản Piêng Lau có dấu hiệu lắng xuống. Nguồn thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm không đáp ứng được nhu cầu thực tế của gia đình, nên nhiều người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống của cha ông.

Đến năm 2016, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương trong khâu kết nối với các đơn vị tiêu thụ, mở rộng thị trường, thương hiệu thổ cẩm Piêng Lau được nhiều người biết đến. Cũng từ đây, nghề dệt thổ cẩm đã phục hồi trở lại. Các sản phẩm dệt thổ cẩm như váy, áo, khăn, túi, ví… của phụ nữ bản Piêng Lau luôn được khách hàng gần xa ưa chuộng, bởi chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú. Đến nay, bản Piêng Lau đã có 74 hộ (chiếm 79,57%) tham gia nghề dệt thổ cẩm và đem về nguồn thu đáng kể, góp phần cải thiện đời sống gia đình.

Bà Vi Thị Hồng (trú bản Piêng Lau, xã Na Loi) có thâm niên làm nghề dệt đã 30 năm chia sẻ: "Tôi vốn là người ở bản Hoa Lý, xã Mỹ Lý. Sau khi lấy chồng về bản Piêng Lau mới học nghề dệt thổ cẩm. Khi đã dệt thành thạo, tôi tự tay dệt váy, áo cho mình và những người trong gia đình. Giờ đây tuổi đã cao, không thể đi làm nương, làm rẫy được nữa, ngoài việc ở nhà trông nom nhà cửa, tôi tranh thủ dệt thổ cẩm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống cho gia đình. Tùy theo từng loại sản phẩm, giá tiền công sẽ khác nhau. Ví như mỗi chiếc khăn làm bằng thổ cẩm, phải làm mất khoảng 2-3 ngày mới dệt xong. Sau khi trừ nguyên vật liệu, sản phẩm bán ra có giá 250.000 đồng".

Theo bà Vi Thị Mai, người dệt thổ cẩm bản Piêng Lau, để làm nên những tấm thổ cẩm truyền thống của đồng bào người Thái phải trải qua nhiều công đoạn. Từ nuôi tằm, lấy tơ, kéo sợi... Đặc biệt, kỹ thuật lúc kéo sợi phải đều tay để đảm bảo sợi chỉ đều, đẹp, mịn và nhuộm màu theo từng nhu cầu dệt (phối màu khi dệt -P.V). Sau khi hoàn thành các khâu chuẩn bị mới đến công đoạn dệt. Nếu dệt vải trắng đơn giản thì mỗi ngày sẽ làm được nhiều, còn dệt vải hoa văn, dệt theo thiết kế thì mỗi ngày chỉ dệt từ 10-15cm.

Sản phẩm làng nghề Piêng Lau đã có mặt tại Lào, Thái Lan.

Sản phẩm làng nghề Piêng Lau đã có mặt tại Lào, Thái Lan.

Đến khát vọng vươn tầm

Ngày nay, dù hàng hóa dệt may công nghiệp với nhiều mẫu mã bắt mắt, tiện dụng nhưng những sản phẩm của người dân bản Piêng Lau vẫn bán đi được nhiều nơi, sang cả Lào, Thái Lan. Người ta ưa chuộng sản phẩm nơi đây bởi vẻ đẹp độc đáo, hoa văn được làm cầu kỳ, tinh xảo, với nét đặc trưng riêng.

Chị Lương Thị Ỏn, một trong những gia đình có cơ sở sản xuất thổ cẩm lớn ở bản Piêng Lau và là người thu mua sản phẩm của bà con để mang đi tiêu thụ ở các địa bàn chia sẻ: "Để có nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, qua tìm hiểu các thị trường, tôi đã thiết kế ra các mẫu mã mới và hướng dẫn người dân sản xuất để dễ dàng tiêu thụ. Ngoài tiền nguyên vật liệu, tùy theo giá trị và độ khó của từng sản phẩm để trả tiền công cho chị em. Các sản phẩm do tôi thu mua để bán sang Lào, Thái Lan có giá từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/sản phẩm".

Dù đã được công nhận là làng nghề, nhưng bản Piêng Lau hiện vẫn chưa có xưởng sản xuất tập trung và trưng bày sản phẩm, đường sá đi lại vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về mùa mưa nên việc buôn bán, trao đổi hàng hóa, nguyên vật liệu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sắp tới, chính quyền xã Na Loi hướng đến việc nhân rộng làng nghề dệt thổ cẩm ra các bản khác trong địa bàn, đưa nghề dệt thổ cẩm phát triển mạnh mẽ hơn và trở thành nghề thu nhập chính, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Dương Hóa

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/lang-det-tho-cam-pieng-lau-niem-tu-hao-cua-dong-bao-thai-post275805.html
Zalo