Làng dệt khăn rằn - nơi gìn giữ vẻ đẹp truyền thống của người dân Nam Bộ

Đối với người dân miền sông nước Cửu Long, chiếc khăn rằn (mà theo lời kể của các bậc cao niên thì bắt nguồn từ khăn Krama của đồng bào dân tộc Khmer) là một vật không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Từ bao đời nay, nó trở thành người bạn đồng hành với người dân miệt vườn Nam Bộ, với rất nhiều công dụng như: dùng để choàng cổ, quấn đầu, lau mồ hôi, làm thắt lưng, đựng lương thực khi đi đường hay làm võng cho trẻ em...

Qua thời gian, chiếc khăn rằn đã trở thành biểu tượng văn hóa, tượng trưng cho sự giản dị, chân chất, thật thà của người dân Nam Bộ nói chung và người dân miền Tây nói riêng. Chiếc khăn rằn tuy mộc mạc, đơn sơ, nhưng lại được dệt hết sức công phu, tỉ mỉ, thấm đẫm tấm lòng của người dân đất cù lao Long Khánh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Nhờ có điện lưới quốc gia nên người dân sử dụng máy dệt khăn rằn để tăng năng suất lao động. Ảnh: Thủy Lê

Nhờ có điện lưới quốc gia nên người dân sử dụng máy dệt khăn rằn để tăng năng suất lao động. Ảnh: Thủy Lê

Làng nghề nổi tiếng

Cù lao Long Khánh nằm giữa dòng sông Tiền thơ mộng, nổi tiếng với các vườn cây ăn trái như xoài, nhãn, dừa và đặc biệt là các loại cá nước ngọt phong phú. Du khách đến đây không chỉ được tham quan, thưởng ngoạn, mà còn có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên phong phú và nhiều nét văn hóa, lịch sử đặc sắc gắn liền với cuộc sống người dân địa phương. Đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm tại làng nghề dệt khăn rằn có tuổi đời trên 100 tuổi ở ấp Long Tả, xã Long Khánh.

Theo các cụ già lớn tuổi ở xã Long Khánh kể lại, họ cũng không nhớ người đầu tiên của làng nghề là ai, chỉ nghe ông bà kể lại, từ hơn 100 năm qua, một bộ phận người dân tộc Khmer, người Chăm đến vùng đất Tân Châu, tỉnh An Giang để trồng dâu, nuôi tằm lấy kén, nhuộm vải, dệt lụa Cẩm Tự (bà con Nam Bộ quen gọi là vải Lãnh Mỹ A). Một số người dân Long Khánh đã đến Tân Châu để làm thuê rồi mang nghề dệt lụa về quê hương truyền lại cho con cháu. Không lâu sau đó, sản phẩm vải công nghiệp phát triển mạnh với ưu điểm giá rẻ, chất lượng tốt và màu sắc đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng nên thắng thế so với vải lụa truyền thống. Từ đó, những người làm nghề dệt lụa không mặn mà theo đuổi và dần dần chuyển sang các nghề khác phù hợp với nhu cầu của xã hội, trong đó có nghề dệt khăn rằn. Và cũng kể từ đó, nghề dệt khăn rằn đã gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân cù lao Long Khánh, trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa địa phương.

Làng nghề phát triển cực thịnh những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cung cấp khăn rằn truyền thống cho nhân công cắt lúa, cấy lúa ngoài đồng. Khăn rằn vốn dĩ luôn đồng hành với người nông dân bởi mang tính tiện dụng cao, giúp họ lau mồ hôi, che mưa, che nắng, chống bụi..., cũng có thể để cho người con gái e ấp, làm duyên. Sau này, khi nông nghiệp được cơ giới hóa, nhất là máy gặt đập liên hợp phát triển, nhiều nhân công rơi vào cảnh thất nghiệp, từ đó, làng nghề dệt khăn rằn cũng đứng trước nguy cơ lụi tàn. Dù được dệt bằng máy, tăng năng suất, song khăn làm ra hàng loạt mà ế ẩm, không bán được. Nhiều gia đình sống bằng dệt khăn rằn ở Long Khánh phải bỏ khung dệt, còn người thợ buộc phải bỏ đi làm ăn xa, tìm công việc khác để mưu sinh. Làng nghề chỉ còn vài người bám trụ.

Để làm nên chiếc khăn với 2 màu chủ đạo là đen, trắng hoặc nâu, trắng, người thợ phải mất nhiều công đoạn là xả, nhuộm, hồ chỉ, mắc khung cửi và dệt. Có một điều đặc biệt mà chỉ những ai am hiểu về chiếc khăn rằn mới biết, đó là khăn dùng càng lâu thì vải càng mềm, khả năng thấm nước càng tốt. Không đơn thuần là một phụ kiện, khăn rằn Nam Bộ đại diện cho phong cách sống mộc mạc, gần gũi và hòa hợp với thiên nhiên của người dân nơi đây. Trong các sự kiện, lễ hội truyền thống của đồng bào Nam Bộ, chiếc khăn rằn thường được sử dụng để làm điểm nhấn cho trang phục, gắn kết người dân với lịch sử, văn hóa vùng đất này.

Hồi sinh làng nghề truyền thống

Là một trong những nghệ nhân của làng nghề dệt khăn rằn ở xã Long Khánh, bà Nguyễn Thị Mèn, người đã có hơn 40 năm theo nghề dệt cho biết, từ lâu, chiếc khăn rằn cùng với tấm áo bà ba đã trở thành hình ảnh gần gũi như là biểu tượng cho người phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long cần cù, chịu thương, chịu khó từ bao đời nay. Riêng với người dân vùng Đồng Tháp Mười, chiếc khăn này đã gắn bó mật thiết với cuộc sống hằng ngày của họ, đại diện cho tinh thần lao động bền bỉ và tình yêu quê hương sâu sắc. Trải qua những biến động lịch sử, chiếc khăn rằn vẫn giữ nguyên được giá trị biểu tượng của mình. Nó là hình ảnh của những cánh đồng lúa bạt ngàn, của những con người chân chất, hiền lành và đầy lòng yêu nước.

Một số mẫu khăn rằn phục vụ cho phong cách thời trang hiện đại. Ảnh: Thủy Lê

Một số mẫu khăn rằn phục vụ cho phong cách thời trang hiện đại. Ảnh: Thủy Lê

Trước đây, bà con mua chỉ về nấu, nhuộm bằng nồi củi tốn nhiều công, nhiều nhiên liệu và kéo dài thời gian. Năm 1998, điện lưới quốc gia đến với người dân ở vùng cù lao Long Khánh, đây được xem là bước ngoặt lớn đối với làng nghề. Bây giờ, các hộ làm nghề đều có máy dệt chạy bằng điện, máy hấp cải tiến bằng hơi nước, lò sấy bằng điện nên mỗi nồi 50kg chỉ hấp trong 1 giờ. Bình quân mỗi ngày hấp trên 600kg chỉ, đủ cung cấp cho làng dệt sử dụng trong 1 ngày, không phải thuê mướn nơi khác làm chỉ dệt. Hiện, làng dệt có trên 200 khung dệt thủ công và máy dệt cải tiến, máy may, cho ra nhiều sản phẩm mới có mặt khắp thị trường trong nước, được du khách ưa chuộng. Đặc biệt, từ khi được Nhà nước hỗ trợ vốn để nâng cấp, cải tiến máy hấp hơi, máy dệt điện... và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Tả mở lớp dạy nghề may cho chị em phụ nữ trong xã thì thu nhập của các chị tăng thêm, cuộc sống gia đình được cải thiện đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Kim Chiều, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt khăn rằn ấp Long Tả, là một trong những người đi tiên phong trong việc cải tiến mẫu mã khăn rằn truyền thống cho biết: “Để phù hợp với xu thế hiện nay và đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp, lứa tuổi khác nhau, chúng tôi đã làm khăn rằn với nhiều màu sắc phong phú như xanh lá cây, xanh dương, đỏ chứ không chỉ với 2 màu chủ đạo là trắng, đen như trước. Những gam màu này vừa giữ được vẻ truyền thống, vừa phù hợp với sở thích và phong cách của nhiều đối tượng du khách. Chiếc khăn rằn cho khách du lịch đòi hỏi độ dày dạn, đa dạng mẫu mã, màu sắc bắt mắt. Từ ba màu ca rô truyền thống, làng nghề làm ra gần trăm mẫu mã khác nhau kết hợp thêu logo, biểu tượng sếu, hoa hồng”.

Để không ngừng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đa dạng thị trường, mẫu mã sản phẩm, thời gian qua, làng nghề dệt khăn rằn Long Khánh đã không ngừng cải tiến, sáng tạo, kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại để tạo ra nhiều sản phẩm mới như: quà tặng khăn rằn, áo sơ mi, áo dài, túi xách, nón, cà vạt... Hiện, các sản phẩm của làng nghề đã trở thành quà tặng du lịch giá trị cao, đặc trưng của huyện Hồng Ngự nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. Làng nghề dệt khăn rằn Long Khánh không chỉ phát triển nghề dệt, mà còn phát triển du lịch. Hàng tuần, tàu du lịch chở khách nước ngoài chọn làng nghề là điểm tham quan trên hành trình xuôi dòng Mekong. Nhờ đó, thợ dệt có thêm thu nhập từ việc bán đặc sản, lại có niềm vui quảng bá làng nghề đến bạn bè quốc tế.

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lang-det-khan-ran-noi-gin-giu-ve-dep-truyen-thong-cua-nguoi-dan-nam-bo-post488556.html
Zalo