Làng đá dưới chân Ngũ Hành Sơn

Mấy trăm năm tạc dựng từ đá núi, từng người thợ truyền nối những tinh hoa của ông cha để lại cho cơ nghiệp bám đá dựng tượng của mình, để nguyên vẹn một sức sống mãnh liệt với thời gian và không ngừng phát triển cho đến ngày nay.

Đá núi - phận người

Những tiếng leng keng chan chát, những tiếng máy chói tai xoắn xuýt vào vân đá, những đôi tay sần chai vì búa đục, vì đá núi, những khoảng hở da thịt vương trắng bụi đá, người thợ đá Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) miệt mài tạc dựng những sản phẩm mỹ nghệ đặc biệt riêng có của xứ xở nổi danh này. Non Nước ngũ hành sơn là danh thắng cấp quốc gia, ở đó có những di sản của tiền nhân để lại như lễ hội Quán Thế Âm thu hút hàng vạn du khách, là Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn, là phong cảnh đẹp cùng nhiều hang động huyền bí như động Động Âm Phủ, Huyền Không, Huyền Vi, Vân Thông, Vọng Giang Đài… cả Ma Nhai Ngũ Hành Sơn, một Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới. Và ở đó, có cả một làng nghề thủ công gần 400 năm tuổi được định danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ khối đá đơn sơ, qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, đá được chạm khắc khéo léo và cực kỳ tinh xảo.

Từ khối đá đơn sơ, qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, đá được chạm khắc khéo léo và cực kỳ tinh xảo.

Phận đá gắn với đời người, những nỗi cực nhọc của nghề đá chẳng mấy người hiểu được. Dưới bàn tay lành nghề của các nghệ nhân tại Làng đá Non Nước Đà Nẵng, những khối đá khổng lồ được gọt giũa, chăm chút và điêu khắc thành những tác phẩm nghệ thuật. Tất cả mọi tác phẩm đều được những người thợ làng đá chạm khắc khéo léo và cực kỳ tinh xảo. Sự khéo léo của những người thợ đá không chỉ là khoan mài đục đẽo, mà các nghệ nhân ngày đêm cần cù “thổi hồn” vào những phiến đá vô tri để tạo ra những tác phẩm mang giá trị văn hóa - nghệ thuật. Thế nhưng, đổi lấy sự huy hoàng đó là những nhọc nhằn hiểm nguy mà ít người biết được.

Nghệ nhân Mai Thanh Thiện, người có nhiều năm gắn mình với đá núi ở Ngũ Hành Sơn này bộc bạch, để tạo ra một sản phẩm đá mỹ nghệ hoàn chỉnh, cần rất nhiều thời gian và có cả quá trình. Nhiều công đoạn phức tạp như tìm mặt phẳng tạo chân đế, xác định điểm chuẩn để tạo hình, vẽ phác thảo lên giấy rồi mới vẽ lên mặt đá hoặc in trực tiếp trên đá. Đối với những sản phẩm kỳ công mang tính nghệ thuật cao, đòi hỏi người thợ phải thực hiện chúng trên đất sét, sau đó mới bắt đầu chính thức khắc. Sau khi phôi hoàn thiện, thợ sẽ chạm hình nét trang trí hoa văn, đánh bóng sản phẩm. Ở bước này, quan trọng nhất là tạo nét sản phẩm và trang trí, yêu cầu thợ khắc thực hiện thật chính xác và tỉ mỉ và phải có kỹ thuật điêu luyện.

Trong không gian ngập tràn tiếng đục đẽo và mùi đá mài khét lẹt để tạo nên tác phẩm, mỗi tác phẩm điêu khắc là thành quả lao động kỳ công của những bàn tay tài hoa. Là một trong những hộ gia đình có tuổi nghề lâu năm trên địa bàn, ông Đặng Hữu Thông (Huyền Trân Công Chúa, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ, công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấm hết sự phức tạp. Chẳng hạn, với những bức tượng đá cao to, nặng hàng trăm tấn, phải leo lên giàn giáo cao hàng giờ liền, vừa tốn công sức vừa lo sợ trượt chân. Còn với tượng nhỏ, lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung vào từng chi tiết. Khi tạo ra được thành quả để “phiến đá biết nói”, từng đường nét chạm khắc truyền tải hết hồn cốt và cảm xúc mới chính là thành công lớn nhất của những người thợ làm đá mỹ nghệ.

Mỗi một tác phẩm mang một dáng hình khác nhau và được tạo nên bởi bàn tay tài hoa, tỉ mỉ của người thợ đá.

Mỗi một tác phẩm mang một dáng hình khác nhau và được tạo nên bởi bàn tay tài hoa, tỉ mỉ của người thợ đá.

Ẩn sau vẻ đẹp tinh xảo của những bức tượng đá trắng là bao giọt mồ hôi nhọc nhằn của những người thợ điêu khắc tài hoa. Một ngày bắt đầu khi những tia nắng đầu tiên len lỏi qua những mái xưởng phủ đầy bụi đá trắng xóa. Thời gian kết thúc không cố định, tùy vào khối lượng công việc trong ngày. Càng về trưa, tiếng búa, tiếng mài vang vọng khắp không gian. Những người thợ đá, những nghệ nhân bụi phủ trắng từ đầu đến chân, tay cầm búa, tay cầm mài, cần mẫn làm việc giữa làn bụi đá mịt mù đã trở nên quen thuộc và đầy ấn tượng.

“Lúc mới bắt đầu, tôi thường bị búa xoẹt vào tay, đá dăm văng vào mặt hay những tai nạn nghề nghiệp khác diễn ra như cơm bữa. Có những trường hợp tai nạn như bị đá nghiêng đổ đè vào người, vào chân tay đã xảy ra. Và nguy hiểm nhất vẫn chính là bụi đá phải hít thở vào dù có trang bị bảo hộ khiến sức khỏe bị suy giảm nếu làm lâu ngày!”, nghệ nhân chạm khắc đá Phan Thiên chia sẻ. Dù nắng chói chang hay những ngày mưa tầm tã, công việc điêu khắc đá của những đôi tay tài hoa vẫn diễn ra không ngừng nghỉ. Họ làm việc miệt mài hiếm khi có thời gian để nghỉ ngơi. Đặc thù công việc nặng nhọc, bụi bặm và tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn lao động nên những người thợ phải có sức khỏe thật dẻo dai.

Sống lại những huy hoàng

Mấy trăm năm thịnh suy của làng nghề, giữ được cho mai sau đâu phải ngày một ngày hai mà được đắp đổi bằng nhiều đời, bằng nỗ lực của từng người, bằng xương máu mồ hôi công sức, bằng cả những ý tưởng và những đôi tay tài hoa. Nghề đá khởi nguyên từ cụ Huỳnh Bá Quát di cư từ xứ Thanh Hóa vào, lập làng Quán Khái Đông Giáp và Quán Khái Tây Giáp từ thế kỷ 18. Rồi nối tiếp đó là những dòng họ như tiền hiền tộc Huỳnh, tiền hiền tộc Lê, tiền hiền tộc Nguyễn Quang…cùng với đó là những thợ đá nổi danh khắp trong Nam ngoài Bắc như cụ Huỳnh Bá Triêm (còn gọi là ông Cửu Đàn), cụ Hương Sum (tức cụ Huỳnh Đàn) cùng hàng ngàn người thợ đá khác tiếp nối biết bao thế hệ với những nghệ nhân tiêu biểu của làng nghề hôm nay như Nguyễn Long Bửu, Nguyễn Việt Minh, Nguyễn Sang, Lê Bền….

Từ những sản phẩm thông dụng ban đầu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của đời sống như cối đá, ấm chén, các tượng nhỏ để trang trí... đến pho tượng đá cực kỳ ấn tượng như tượng Phật bà Quan Âm, tượng Nữ thần Chămpa, sư tử đá, tỳ hưu hay những bức tượng đá cao 5-7m được đục đẽo, chạm khắc sống động đến từng chi tiết nhỏ, cùng với đó là những sản phẩm đá trang trí xây dựng độc đáo, đẹp mắt.

Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn lưu giữ hàng trăm di vật, dụng cụ cho những phương thức chế tác thủ công.

Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn lưu giữ hàng trăm di vật, dụng cụ cho những phương thức chế tác thủ công.

Nhọc nhằn mà khéo léo, miệt mài mà dụng tâm, tài hoa mà bụi bặm, những người thợ đá Non Nước đã định hình cho xứ xở mình một làng nghề, một di sản trao truyền từ đời trước, cho đời này và cả nhiều đời sau nữa. Từ vài người thợ đá ban đầu mấy trăm năm trước, đến bây giờ Non Nước đã có hơn 20 doanh nghiệp và 475 cơ sở sản xuất kinh doanh lớn nhỏ, cùng với đó là hơn 3.000 người làm công việc chế tác đá mỹ nghệ. Các nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước có thể làm tất cả các sản phẩm gia dụng bằng đá đến các tác phẩm nghệ thuật, tượng đá trang trí, linh vật phong thủy.

Các sản phẩm của làng đá Non Nước không chỉ được nhiều người dân trong nước biết đến và đặt mua, mà còn được xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Hiện nay, nghề đá mỹ nghệ Non Nước là một trong những ngành sản xuất mang lại lợi ích kinh tế khá cao cho quận Ngũ Hành Sơn. Hàng năm, làng nghề xuất ra thị trường khoảng 100.000 sản phẩm, doanh thu khoảng từ 700 tỉ đến 1000 tỉ đồng, đóng góp hiệu quả vào kinh tế địa phương.

Ông Lưu Vạn Tâm Anh, Trưởng ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, hiện tại để bảo vệ môi trường và giúp Làng nghề đá phát triển mạnh mẽ hơn, chính quyền địa phương đã quy hoạch các hộ sản xuất nhỏ lẻ vào một khu sản xuất cách nơi cũ khoảng 2km. Làng mới được xây dựng trên diện tích 35ha, với kinh phí đầu tư khoảng 154 tỉ đồng để mọi người tập trung sản xuất, phát triển mạnh trong và ngoài nước.

Hiện làng nghề điêu khắc đá Non Nước đã có hơn 500 cơ sở sản xuất và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hiện làng nghề điêu khắc đá Non Nước đã có hơn 500 cơ sở sản xuất và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trước đây nguyên liệu phục vụ sản xuất của làng nghề được khai thác từ núi Ngũ Hành Sơn, nhưng trước nguy cơ mất đi một danh thắng lịch sử văn hóa, thành phố Đà Nẵng đã nghiêm cấm việc khai thác đá. Những nghệ nhân có tâm huyết với nghề đã bỏ công đi khắp trong nước để tìm nguồn nguyên liệu phù hợp. Nguồn đá nguyên liệu được đưa về từ nhiều nơi ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Nam, Ninh Bình và nhập khẩu từ nước ngoài về. Bây giờ cái tên “Đá Non Nước” hiểu một cách đơn giản là tượng đá được sản xuất tại Làng Đá Non Nước Đà Nẵng, chứ không phải tượng đá được làm bằng chất liệu từ đá núi Non Nước.

Nhưng cũng có một thực trạng khiến nhiều người băn khoăn, đó là trên thị trường có nhiều cửa hàng lấy tên thương hiệu “Đá Non Nước” để buôn bán. Trên sản phẩm đá mỹ nghệ hầu như không có ai để logo thương hiệu là Đá Non Nước hoặc tên cơ sở sản xuất ra sản phẩm. Đây cũng là vấn đề đau đầu của chính quyền địa phương và các cơ sở tại Làng nghề. Khiến cho hàng giả đội lốt “Đá Non Nước” tràn làn trên thị trường, làm mất lòng tin của khách hàng.

Mỗi sản phẩm được tạo ra đều chính là thành quả lao động đáng trân trọng của những nghệ nhân sống cùng với làng nghề. Đó không chỉ là nghề kiếm ra tiền, mà còn là cái tâm với nghề, là tình yêu của họ dành cho những tảng đá tưởng chừng như vô tri, vô giác. Từng đường nét chạm khắc trên phiến đá cứng đều là minh chứng cho sự tỉ mẩn và khéo léo của những người thợ nơi làng đá Non Nước, là cách họ gửi gắm tâm huyết và gìn giữ linh hồn của nghề truyền thống quê hương. Làng đá Non Nước đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân thành danh và cả các thế hệ gia đình của họ cũng được truyền thụ nghề đá theo kiểu cha truyền con nối.

Tự hào với nghề của cha ông để lại, nghệ nhân làng nghề càng phát huy sức sáng tạo, làm nên sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng. Hiện nay, để phát huy hơn nữa sản phẩm làng nghề, nhiều gia đình tại đây đã cho con được học hỏi rất bài bản từ các trường lớp mỹ thuật để đến với nghề. Những năm gần đây, làng đá mỹ nghệ Non Nước đã chú trọng đầu tư máy móc thiết bị để giảm bớt sức lao động thủ công, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Nằm nép mình bình yên dưới chân Ngũ Hành Sơn, làng đá Non Nước như một nét vẽ mộc nhưng đầy sức sống để tạo nên bức tranh hoàn hảo của sông núi hữu tình. Không những thế, từ bàn tay tài hoa của những con người nơi đây, đã biến những khối đá từ núi Ngũ Hành xù xì thành những tác phẩm chạm khắc tinh tế đầy sức sống.

Tiêu Dao

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/lang-da-duoi-chan-ngu-hanh-son-i763669/
Zalo