Khơi mạch nguồn tranh dân gian Làng Sình

Từng là loại tranh dùng để thờ cúng từ hơn 400 năm trước, tranh dân gian Làng Sình trải qua nhiều thăng trầm, đến nay vẫn có sức sống, chậm rãi hòa vào dòng chảy văn hóa dân gian vùng đất Huế.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước giới thiệu về tranh dân gian Làng Sình tới du khách. Ảnh: Hải Âu – TTXVN

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước giới thiệu về tranh dân gian Làng Sình tới du khách. Ảnh: Hải Âu – TTXVN

Từ khởi nguồn là loại tranh dùng để thờ cúng trong dân gian từ hơn 400 năm trước, tranh dân gian Làng Sình trải qua nhiều thăng trầm và đến nay vẫn có sức sống như mạch nguồn, chậm rãi hòa vào dòng chảy văn hóa dân gian vùng đất Huế.

Truyền đời lưu giữ dòng tranh dân gian

Những ngày thành phố Huế nhộn nhịp tổ chức Năm du lịch quốc gia – Huế 2025 với chủ đề “Kinh đô xưa – Vận hội mới”, chúng tôi về Làng Sình, phường Dương Nỗ, nơi ngã ba sông, chỗ hợp lưu cuối nguồn của dòng sông Hương và sông Bồ, vùng đất hội tụ nhiều giá trị văn hóa và lịch sử.

Vừa tiếp chuyện với 1 đoàn khách du lịch trải nghiệm, Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (79 tuổi) với dáng người tầm thước, nước da ngâm đen lại tiếp chuyện chúng tôi. Đậm chất nhẹ nhàng và sâu lắng của người dân Huế, ông kể về chiều sâu của tranh dân gian Làng Sình mà 9 đời tộc họ ông đã gìn giữ.

“Ngày trước, để làm ra được những bức tranh dân gian, thật sự rất vất vả. Các cụ phải lên những ngọn núi cao nhất của dãy Bạch Mã tìm cây vang, để nấu ra màu đỏ đẹp nhất; lội xuống những khe núi hẹp nhất và sâu nhất, để tìm cây dành, làm ra màu xanh lục. Cây dành chỉ cho hoa vào dịp tháng 4, nghệ nhân phải đào nguyên cả cây có đầy đủ rễ, thân, cành, lá và cả hoa mới có thể tạo ra màu xanh đẹp nhất” – ông Phước kể.

Tranh Làng Sình được tạo tác dựa trên 5 màu sắc chủ đạo: đỏ, từ rễ cây vang; xanh lục, từ tất cả các bộ phận của cây dành; màu vàng, từ lá cây đung; màu tím, từ quả mồng tơi; và màu cam, từ gạch ngói cổ bị hỏng, vỡ.

Những điều đó vẫn chưa đủ chất liệu để tạo nên tranh Làng Sình. Muốn in ra tranh phải có khuôn, tổ tiên cụ Phước cũng phải nhiều lần lặn lội vào tận vùng núi Nam Trà My (Quảng Nam) để tìm gỗ cây lòng mứt (còn gọi là hồng xiêm). Giấy làm tranh Làng Sình, ban đầu là giấy dó, sau dần cũng đã có nhiều thay đổi, sử dụng nhiều loại giấy khác nhau cho tới ngày nay.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước giới thiệu về tranh dân gian Làng Sình. Ảnh: Hải Âu – TTXVN

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước giới thiệu về tranh dân gian Làng Sình. Ảnh: Hải Âu – TTXVN

Lật dở thư tịch cổ cùng với cứ liệu gia phả dòng họ Kỳ, Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước lần tìm về nguồn cội, phát hiện ra tranh Làng Sình có nguồn gốc từ tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh). 2 làng nghề vẫn đang thờ 1 Tổ nghề, ngài “Quý công”. Hơn 400 năm trước, cụ Tổ đời thứ 9 của cụ Phước đã mang nghề gia truyền từ Đông Hồ vào định cư nơi ngã 3 sông nhiều mạch nguồn sức sống này.

Kinh qua những biến cố thời cuộc

Chạnh lòng về những giai đoạn khó khăn, cụ Phước kể, sau ngày thống nhất, đất nước còn khó khăn, học sinh thiếu sách vở đến trường, thì tranh Làng Sình làm bằng giấy, tô màu, dùng để cúng tế xong rồi đem đốt, nên được xem là 1 sự lãng phí lớn. Vậy là nghề bị cấm, dụng cụ làm nghề bị tịch thu.

“Khi đó, tôi phải đi đến những nhà trong làng đề xin hoặc mua các dụng cụ làm tranh bị bỏ đi về để trong nhà. Ai cũng bảo tôi bị điên. Nhưng sự thật, dụng cụ tôi mang về là để cho những người cấm nghề có cái để thu, còn đồ nghề của gia đình được tôi gói ghém, bọc bao nilon kĩ, rồi chôn dưới đất” – Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước thuật lại.

Đến khoảng 1986, gia đình cụ Phước lặng lẽ lấy đồ nghề từ dưới đất lên, lại làm tranh để mưu sinh; cả vợ chồng cụ cùng 5 người con đều làm tranh. Cụ Phước bọc tranh quanh người, mặc áo khoác bên ngoài đi gõ cửa từng nhà. “Ban đầu họ không biết tôi bán tranh nên lại cho tôi điên. Nhưng khi biết tôi bán tranh, họ mở cửa nhanh đến mức tôi không kịp tránh, bị cửa tung u cả đầu. Họ mừng vì quá lâu rồi mới có tranh Làng Sình” – cụ Phước nhớ lại.

Bẵng qua những giai đoạn khó khăn ấy, đến lúc Huế chuẩn bị tổ chức Festival làng nghề truyền thống, mọi người mới nhận ra, nghề vẽ tranh Làng Sình không còn ai ngoài gia đình cụ Phước. Tranh Làng Sình được đề nghị khôi phục, tạo nên làng nghề truyền thống, và cho tới bây giờ là 1 điểm đến trải nghiệm trong các tuyến du lịch của vùng kinh đô xưa.

Mạch nguồn vẫn chảy

Ngã ba Sình, vùng sông nước mang nhiều dấu ấn lịch sử trên hành trình mở cõi của triều Trần và Chúa Nguyễn, dòng tranh dân gian này đã hòa quyện với tập tục, tín ngưỡng của người dân bản địa, tạo nên 1 bản sắc văn hóa. Từ mục đích ban đầu dùng để thờ cúng, ma chay, lâu dần nội dung tranh Làng Sình được mở rộng và tạo nên dòng tranh dân gian mang nhiều bản sắc riêng có.

Cụ Phước kể: “Festival làng nghề truyền thống Huế lần thứ nhất năm 2002, tôi vào làm tranh ở Đại Nội, được xem bát âm của Nhã nhạc cung đình, tôi về làm ra bộ khuôn tranh bát âm. Khi tôi đi xem hội vật Làng Sình, vật làng Thủ Lễ, về nhà cũng khắc ra bộ khuôn 4 thế võ vật Làng Sình”… Theo thời gian, nội dung của tranh Làng Sình ngày càng phong phú, về trẻ con, ngoan đồng, 12 con giáp, về Tết chuồng (ngày lễ, ngày phiên, tổ nghề chăn nuôi các loại vật trâu, lợn, gà…), ông chuồng-bà chuồng, tranh pháo, Tết quê, gia đình, vinh hoa phú quý…

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước giới thiệu về tranh dân gian Làng Sình cho du khách. Ảnh: Hải Âu – TTXVN

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước giới thiệu về tranh dân gian Làng Sình cho du khách. Ảnh: Hải Âu – TTXVN

Anh Dương Văn Kính, Phòng Văn hóa – Khoa học và Thông tin Quận Phú Xuân, thành viên tham mưu Ban tổ chức Festival làng nghề truyền thống Huế, cho biết: “Giai đoạn đầu khôi phục làng nghề thật sự rất vất vả. Nhưng may là làng có 1 hạt nhân như cụ Phước. Đến nay, nghề làm tranh Làng Sình đã được đào tạo cho hàng trăm hộ gia đình. Mỗi độ cuối năm, Làng Sình lại rất nhộn nhịp, đông đảo hộ dân đều làm tranh dân gian, bán khắp các thị trường. Riêng ngày thường, nhà cụ Phước vẫn là điểm đến trải nghiệm cho du khách khắp nơi trên thế giới và cả học sinh, trẻ em trong nước. Sau 9 kỳ tổ chức, Festival làng nghề không còn được tổ chức nữa, nhưng các chương trình du lịch đang giúp cho Làng Sình ngày một phát triển hơn. Năm 2014, cụ Phước được Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực – nhân tài Việt Nam trao Bằng Tôn vinh Nhân tài Đất Việt; tranh dân gian Làng Sình đã được trao chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, cùng với nhiều vinh danh và chứng nhận khác”.

Họa sỹ Đặng Mậu Tựu, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ Thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế, nêu: “Tranh Làng Sình xuất phát từ tranh Đông Hồ nhưng mộc mạc hơn, dung dị và bình dân hơn. Cái độc đáo, nét ngô nghê, chất dân gian trong tranh Làng Sình không phải dễ làm; không bản lĩnh sẽ không tạo ra được cái chất dân gian đó. Qua nhiều thăng trầm, ông Phước nhiều lần muốn bỏ nghề, nhưng anh em họa sỹ đã động viên gia đình ông giữ nghề, truyền nghề cho cộng đồng”.

Người dân Làng Sình nay đã quen gọi Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là “Phước công”, vì xem ông là Tổ nghề, là người có công giữ gìn và đóng góp lớn lao nhất cho sự phát triển của dòng tranh dân gian Làng Sình, 1 mạch nguồn vẫn âm thầm chảy, cùng hòa vào dòng sông văn hóa của xứ kinh đô Huế.

Hải Âu – Kha Phạm/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khoi-mach-nguon-tranh-dan-gian-lang-sinh/368479.html
Zalo