Cầu truyền hình trực tiếp Chương trình nghệ thuật 'Đôi bờ Ví, Giặm' tại Nghệ An và Hà Tĩnh
Tối 27/11, tại Trung tâm văn hóa điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật 'Đôi bờ Ví, Giặm', do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhân kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chương trình do Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Tĩnh và Đài Phát thanh-Truyền hình Nghệ An; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An tổ chức thực hiện; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh và Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An dàn dựng, biểu diễn. Phần biểu diễn nghệ thuật được diễn ra tại sân khấu 2 điểm cầu: Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh và Trường quay S1 của Đài Phát thanh-Truyền hình Nghệ An.
Phát biểu tại Chương trình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh: Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là loại hình nghệ thuật độc đáo, gắn bó với cộng đồng người dân Nghệ An-Hà Tĩnh từ bao đời nay. Với những ca từ giản dị, mộc mạc nhưng không kém phần sâu lắng, thiết tha, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã phản ánh toàn diện cuộc sống, phong tục tập quán, những cung bậc cảm xúc của người dân xứ Nghệ.
Chương trình nghệ thuật “Đôi bờ Ví, Giặm” mở đầu chuỗi hoạt động Festival kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh, với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, làm nổi bật thêm những nét tinh hoa của Dân ca Ví, Giặm, góp phần lan tỏa mạnh mẽ những giá trị của di sản trong đời sống đương đại.
Chương trình nghệ thuật “Đôi bờ Ví, Giặm” gồm 3 phần: “Trầm tích xứ Nghệ”, “Hành trình di sản” và “Để mạch nguồn chảy mãi”.
Phần 1: “Trầm tích xứ Nghệ” nói về truyền thống, bề dày lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Nghệ-Tĩnh đã làm nên những giá trị di sản đi cùng thời gian. Trong đó, di sản dân ca Ví, Giặm chính là hồn cốt quê hương, tạo nên sức sống mãnh liệt, là dấu ấn riêng biệt của con người và vùng đất Nghệ - Tĩnh... Điểm nhấn ở phần này là các tiết mục không gian diễn xướng như: “Đêm trăng hò hẹn”, “Gửi tình ta vào đất”...
Phần 2: “Hành trình di sản” tập trung vào phản ánh quá trình dân ca Ví, Giặm được UNESCO ghi đại diện của nhân loại vào năm 2014. Những dấu ấn về công tác bảo tồn, phát huy di sản dân ca ví, giặm của hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An trong 10 năm qua; các thế hệ nghệ nhân, những người nắm giữ và trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ, làm lan tỏa di sản ông cha trong đời sống.
Điểm nhấn của phần 2 là sự kết hợp biểu diễn, giao lưu của các nghệ nhân, nghệ sĩ nhân dân và ca sĩ trẻ: Nghệ nhân nhân dân Trần Khánh Cẩm, Nghệ nhân nhân dân Vũ Thị Thanh Minh (Hà Tĩnh) và Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu, ca sĩ Hà Quỳnh Như (Nghệ An).
Phần 3 có chủ đề “Để mạch nguồn chảy mãi”, phản ánh những nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An trong việc đề ra những chủ trương, hướng đi, giải pháp, cách làm để dân ca Ví, Giặm tiếp tục tỏa sáng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Nghệ đương đại, tạo động lực phát triển, xây dựng quê hương trong bối cảnh mới.
Các tiết mục ở phần 3 là những bài dân ca ví, giặm, các bài hát mang âm hưởng Ví, Giặm nêu cao tinh thần đoàn kết cùng chung một mạch nguồn câu hát ông cha của người dân Nghệ An và Hà Tĩnh, từ trong quá khứ đến hiện tại và tương lai. Sự chung sức đồng lòng cùng nhau bảo tồn di sản của cư dân hai bờ sông Lam sẽ làm cho mạch nguồn Ví, Giặm chảy mãi...