Làng cổ nghìn năm thờ danh tướng giúp vua Lý đánh giặc

Ngôi làng cổ Dịch Diệp nghìn năm tuổi ở tỉnh Nam Định vốn là vùng đất học nổi tiếng nhất nhì trấn Tây Chân xưa, có nhiều người được phong quan lớn.

Đền làng Dịch Diệp, nơi thờ ba vị Thành hoàng.

Đền làng Dịch Diệp, nơi thờ ba vị Thành hoàng.

Làng thờ tam vị Thành hoàng cùng tướng quân đánh giặc thời vua Lý.

Làng cổ nghìn năm tuổi

Làng cổ Dịch Diệp thuộc xã Trực Chính, huyện Trực Ninh (Nam Định) được hình thành từ thế kỷ XI, dưới thời vua Lý Thái Tổ, với tên gọi ban đầu là Dịch Diệp Trang.

Làng Dịch Diệp vốn là vùng đất học, nổi tiếng nhất nhì trấn Tây Chân xưa, có nhiều người được phong làm quan to. Truyền thống hiếu học đó được tiếp nối từ các thế hệ tiền bối trong làng. Thần phả làng Dịch Diệp có ghi: “Năm Giáp Thân (1848) niên hiệu Tự Đức nguyên niên, có một người đỗ cử nhân, bốn người đỗ tú tài, văn phong vì thế bắt đầu được chấn hưng. Từ xưa đến nay, nghề dệt được cha truyền con nối, nhờ bám vào nghề, nhiều gia đình có của ăn, của để, nuôi con cái học hành nên người, thành tài”.

Trải qua nhiều thế kỷ, các triều đại, các giai đoạn thăng trầm của lịch sử khác nhau, làng Dịch Diệp vẫn giữ được hồn Việt xưa.

Trước đây, những con đường dẫn vào làng Dịch Diệp có mặt đường được xếp bằng gạch đỏ, đan xen, gài chặt vào nhau. Theo thời gian, đường gạch được thay thế bằng đường bê tông trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Dẫu vậy, làng cổ Dịch Diệp ngày nay vẫn mang cốt cách, hồn Việt và đậm chất làng quê Bắc Bộ. Hiện, làng Dịch Diệp còn gìn giữ và bảo tồn một cổng làng hướng Nam, cao hơn 3m, xây theo kiểu mái vòm parabol sâu từ 1 - 2m. Cổng làng do cụ bá hộ Vũ Hữu Quỳnh cùng nhân dân địa phương xây dựng năm 1864.

Mặt cổng được trang trí các họa tiết rất đẹp mắt, tông màu chủ đạo là vàng sẫm và nâu đất. Trước cổng có 5 bậc lên xuống, làm bằng đá xanh nguyên khối. Đặc biệt, trên đỉnh nóc cổng có cuốn thư, khắc chữ Nho, tô màu đen đậm nét.

Cổng làng nối liền với cây cầu bắc qua một con sông nhỏ, nguyên liệu xây cầu chủ yếu bằng đá nguyên khối, cực kỳ chắc chắn. Cầu dài 30m, rộng 3,5m.

Trong ký ức của người dân, cây cầu là nơi tụ tập, gắn liền với tuổi thơ của họ vào những ngày hè. Thuở nhỏ, mọi người thường nhảy từ thành cầu xuống sông để tắm, ngâm mình và nô đùa.

Đứng trên cầu, hướng mắt nhìn về phía Đông, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của con sông quê chảy qua làng cổ Dịch Diệp. Từng tia nắng nhẹ đầu đông, chiếu xuống mặt sông, dập dềnh theo con nước càng tô thêm vẻ đẹp êm ả, yên bình của sông quê.

Đặc biệt, hàng cây bàng cổ thụ đứng nép mình bên con sông quê đang vào độ thay lá, sắc cam, đỏ rực cả một góc trời. Những cây bàng có tuổi đời trên 50 năm, trên thân cây những lớp vỏ xù xì, nổi nhiều cục u - dấu vết của thời gian.

Nhiều du khách ở nơi xa về tham quan làng cổ Dịch Diệp đều ấn tượng trước vẻ đẹp cổ kính mang dấu ấn đặc trưng, độc đáo với kiến trúc văn hóa, cảnh quan đặc sắc.

Ông Trần Duy Hội, Trưởng thôn Dịch Diệp chia sẻ, những năm trở lại đây, làng cổ Dịch Diệp đón nhiều đoàn du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm và chụp ảnh lưu giữ khoảnh khắc đẹp.

 Làng cổ Dịch Diệp hiện còn gìn giữ một cổng làng hướng Nam, cao hơn 3m.

Làng cổ Dịch Diệp hiện còn gìn giữ một cổng làng hướng Nam, cao hơn 3m.

Thờ tam vị Thành hoàng

Hiện, làng Dịch Diệp đang thờ tam vị Thành hoàng. Phía trên hậu cung có treo bức hoành phi khắc bốn chữ: “Tam Linh Hiệp Quyến”, nghĩa là ba tôn thờ cùng trợ giúp; trở ra phía ngoài, có bức hoành phi với 4 chữ: “Dịch Diệp Hy Long”, dịch nghĩa là làng Dịch Diệp hưng thịnh.

Sử sách ghi chép lại, xưa kia ở xã Mật Lăng, huyện Tây Chân (sau đổi thành Nam Chân, phủ Trực Ninh) có gia đình ông Vũ Trân mấy đời nguyên là hào trưởng. Năm 16 tuổi, Châu Nương, con gái Vũ Trân nên duyên với Nguyễn Công (người Hàn Lâm, huyện Thượng Hiền) và sớm có thai.

Tương truyền, bấy giờ ở làng Sài Sơn, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây có một người con gái nhà họ Phạm Thị là Quang Lang. Năm 14 tuổi, cha mẹ mất sớm, Quang Lang không muốn xuất giá, xin đến ngôi chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc để tu.

Vào một đêm, Quang Lang nằm nghỉ dưới cửa thiền, thiền sư “nhảy bước qua” mình nàng. Từ đó, Quang Lang trong mình chuyển động và có thai. Nàng sợ hãi, nhảy xuống sông tự vẫn thì trôi đến Dịch Diệp Trang.

Châu Nương - vợ Nguyễn Công vớt được Quang Lang đưa về cứu sống. May mắn là thai nhi trong bụng Quang Lang không bị ảnh hưởng. Từ đó, Châu Nương và Quang Lang coi nhau như chị em ruột thịt.

Đến ngày 6/3/1056 (năm Bính Thân), Châu Nương và Quang Lang cùng chuyển dạ. Châu Nương sinh trước, sinh được hai con trai, còn Quang Lang cũng sinh được một con trai. Cả ba bé trai đều mày ngài, hàm én, mắt phượng, mặt rồng, dung nghi chính chiên, khí vũ hiên ngang.

Ba tháng sau, Quang Lang bỗng dưng đổ bệnh nặng và mất. Vợ chồng Nguyễn Công đưa linh cữu Quang Lang về an táng tại làng Sài Sơn (quê Quang Lang). Từ đó, vợ chồng Nguyễn Công nuôi nấng ba con trẻ và đặt tên cho các con, lần lượt là Nguyễn Công Tham (con đầu), Nguyễn Công Văn (con thứ) và Nguyễn Công Phạm (con trai út, của Quang Lang).

Đến 14 tuổi, cả ba chàng trai đều thông minh, học một biết mười, văn chương thông suốt, võ nghệ tinh thông hơn hẳn người thường. Năm 17 tuổi, nhằm vào giữa năm vua Lý Nhân Tông mới lên ngôi, hạ chiếu cầu hiền, ba chàng lai kinh ứng thí.

Khi bệ kiến trước thềm rồng, cả ba chàng trai đều “văn võ song toàn”, vua Lý Nhân Tông lấy làm mừng rỡ và giữ ba chàng trai ở lại. Một thời gian sau, ba vị xin vua Lý Nhân Tông về thăm quê hương, được vua bằng lòng và ban cho rất nhiều gấm vóc, vàng bạc.

Năm 1092, vua Lý Nhân Tông lệnh mời ba vị hồi triều. Vua phong Nguyễn Công Tham làm Thượng tướng, Nguyễn Công Văn làm Tiền phong và Nguyễn Công Phạm làm Điều bạt binh lương.

Cả ba vị đều đi đánh quân Chiêm Thành. Quân Chiêm Thành thua to. Tuy nhiên trong lúc giao tranh, Thượng tướng Nguyễn Công Tham tử trận.

Nhà vua nhớ công, phong tặng Nguyễn Công Tham là Lậu Khê Đại Vương và cho Nguyễn Công Văn, Nguyễn Công Phạm rước Nguyễn Công Tham về Dịch Diệp Trang dựng miếu Vũ và đặt ra thần hiệu để phụng thờ.

Sau này, Nguyễn Công Văn quay trở về triều nhậm chức, còn Nguyễn Công Phạm dâng biểu xin từ chức, xuất gia, cắt tóc đi tu. Được vua y chuẩn, vì có công to đối với giang sơn xã tắc nên Nguyễn Công Phạm được phong Đại Vương, sắc phong là Sinh thần (thần sống).

Từ đó, Nguyễn Công Phạm sửa sang chùa chiền, đúc chuông, tô vẽ tượng Phật và đổi tên là Phạm Vũ Đại Pháp thiền sư. Ông cùng các chú tiểu mang theo lễ vật lên chùa Thầy (làng Sài Sơn) thắp hương tiến cúng. Sau này ông chọn làm nơi Từ Đạo Hạnh giải thi (trút xác mở hóa). Ngày 7/3 âm lịch, ông mất ở Sài Sơn.

Biết tin, vua Lý Nhân Tông truyền lệnh cho nhân dân viết Thần hiệu Phạm Công Đại Vương để phụng thờ cùng với Lậu Khê Đại Vương ở Dịch Diệp Trang.

Còn Nguyễn Công Văn vào buổi đẹp trời đi lên núi Đọi Sơn, bỗng dưng trời đất tối sầm mưa gió nổi lên đương ban ngày giữa trưa mà coi mù mịt như ban đêm. Trong chốc lát trời tạnh, mặt trời sáng thì không thấy ông đâu nữa, chỉ thấy chỗ ông ngồi, mối đã đùn lên thành một cái gò.

Vua nghe tin đó, phong Nguyễn Công Văn là Chương Tấu Đại Vương và cho người dân làng Dịch Diệp Trang rước sắc, đưa về thờ phụng cùng hai vị. Vậy là đền Dịch Diệp chính thức trở thành chốn linh thiêng ngàn đời tôn thờ ba vị công thần.

 Bên trong đền làng Dịch Diệp.

Bên trong đền làng Dịch Diệp.

 Giếng khơi vẫn được người dân làng Dịch Diệp sử dụng.

Giếng khơi vẫn được người dân làng Dịch Diệp sử dụng.

Dệt cửi nuôi con ăn học thành tài

Ông Trần Duy Hội, Trưởng thôn Dịch Diệp dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh làng. Hòa lẫn với tiếng chim hót ríu rít trên cành cây bàng là tiếng thoi đưa lách cách. Âm thanh này phát ra từ những cỗ máy dệt khăn, màn, hay còn gọi là máy dệt cửi, theo cách gọi của người dân địa phương.

Ông Hội cho biết, nghề dệt khăn, màn ở làng Dịch Diệp có từ xa xưa. Hàng chục năm về trước, nghề dệt khăn, màn được coi là nghề đem lại thu nhập chính cho các hộ gia đình nơi đây, hầu như gia đình nào cũng sở hữu 1 - 2 khung cửi.

Thời nay, nghề dệt khăn, màn tuy không còn nhộn nhịp như trước, phần vì thế hệ trẻ trong làng không còn mặn mà với nghề, phần vì thu nhập từ nghề này không cao, nhiều người tìm kiếm công việc khác cho thu nhập tốt hơn.

 Người dân làng Dịch Diệp vẫn còn lưu giữ nghề dệt.

Người dân làng Dịch Diệp vẫn còn lưu giữ nghề dệt.

 Du khách tham quan, chụp ảnh kỷ niệm ở làng cổ Dịch Diệp.

Du khách tham quan, chụp ảnh kỷ niệm ở làng cổ Dịch Diệp.

Thế nhưng, đối với những người cao tuổi, từ 60 tuổi trở lên, họ vẫn bám trụ với nghề, gìn giữ nghề của ông cha để lại như muốn nhắc nhở con cháu về một thuở vàng son của làng nghề.

Dừng chân bên giếng nước ở giữa làng, ông Hội tâm sự, làng Dịch Diệp vẫn còn gìn giữ những giếng khơi từ thời các cụ để lại. Nhiều gia đình trong làng thường xuyên sử dụng nguồn nước giếng để tắm rửa, giặt giũ...

Ông Hội chia sẻ, hơn 20 năm trước, đường vào trong các ngõ, ngách được xếp bằng gạch đỏ không lỗ hoặc đá xanh nguyên khối ở giữa, trải dài từ đầu ngõ đến cuối ngõ, chứ không phải mặt đường bê tông như ngày nay.

Dù đường sá có thay đổi, nhưng cảnh quan, nhà cửa ở Dịch Diệp vẫn mang đậm chất hồn quê Bắc Bộ, toát lên vẻ đẹp thuần Việt.

Khác với nhiều làng quê khác đang dần đô thị hóa, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát nhau thì ở làng cổ Dịch Diệp, người dân vẫn giữ được nếp nhà cấp bốn, lợp mái ngói đỏ phủ kín rêu.

Theo ông Hội, làng Dịch Diệp vẫn còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ, có tuổi đời hơn 100 năm và nhiều cổng nhà cổ. Điểm chung ở các cổng cổ này là xây cuốn mái vòm parabol như cổng làng hướng Nam; cánh cổng được làm bằng gỗ với kích thước to, rộng thành khối kín và chắc chắn…

“Với công lao to lớn của ba vị Thành hoàng, nhà vua qua các triều đại đã phong cho ba vị 17 sắc phong. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang lưu giữ và bảo quản 17 sắc phong, để sắc phong trường tồn mãi mãi”, ông Trần Duy Hội - Trưởng thôn Dịch Diệp cho biết.

Hà Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lang-co-nghin-nam-tho-danh-tuong-giup-vua-ly-danh-giac-post719469.html
Zalo