'Làng cái bang' đổi đời

Xã Ích Hậu ngày trước mang tiếng là 'làng cái bang', 'làng ăn xin', cả nước đều biết. Nhưng nay, điều đó đã là quá khứ, khi trong làng nhiều người làm ăn rất khấm khá.

Ngậm ngùi ký ức

Những ngày đầu tháng 7, có mặt tại xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ngôi làng một thời nổi tiếng vào loại bậc nhất cả nước với nghề ăn xin, PV chứng kiến đường làng đã được bê tông hóa cùng nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát.

Bà Nguyễn Thị Quỳ kể về ký ức người làng phải tha hương cầu thực.

Bà Nguyễn Thị Quỳ kể về ký ức người làng phải tha hương cầu thực.

Bà Nguyễn Thị Tâm (83 tuổi) nhớ lại, tên "làng ăn xin" xuất phát từ hàng chục năm trước, cuộc sống người dân nghèo đói cùng cực, đất chẳng thương người, chưa kể thiên tai mất mùa.

Trên địa bàn xã hiện có hơn 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, mô hình chăn nuôi được đầu tư xây dựng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Cái tiếng "làng cái bang" chỉ còn là ký ức với người dân.

Ông Bùi Trọng Đỉnh, Phó chủ tịch UBND xã Ích Hậu

"Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, việc sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, mỗi năm chỉ cấy được một vụ mùa. Lý do là vì hệ thống thủy lợi chưa phát triển, nước ở các con sông lên xuống thất thường. Người dân quanh năm suốt tháng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng vẫn không đủ ăn", bà Tâm kể.

Năm 1978, xã Ích Hậu liên tiếp hứng chịu nhiều đợt hạn hán, lụt bão khiến ruộng đồng khô cằn, đất đai nhiễm mặn, nhà cửa bị tàn phá tiêu điều. Cái đói bủa vây, cực chẳng đã, nhiều người phải lang bạt khắp nơi để xin gạo, xin áo quần để mong duy trì cuộc sống.

"Từ đó, người làng Ích Hậu đành phải hành khất tứ xứ ăn xin. Nhưng cũng có nhiều người ở xã khác đi ăn xin, khi ai đó hỏi quê ở đâu thì họ tiện miệng bảo quê ở Ích Hậu", bà Tâm chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Quý (92 tuổi, trú tại thôn Lương Trung, xã Ích Hậu) kể, sau đợt lũ lụt năm 1978, khi người dân còn quay cuồng trong cảnh đói khát thì đến năm 1984, cả làng lại hứng chịu trận đại hạn chưa từng có. Cuộc sống cùng cực hơn, thêm nhiều người buộc phải rời làng đi ăn xin.

"Lần đầu chỉ vài chục người đi, sau đó dân làng thấy họ đi về thoát đói nên lũ lượt kéo nhau theo, giàu nghèo gì cũng đi hết. Khoảng 4 giờ sáng, tôi cùng mọi người trong làng thức dậy, "tay gậy tay bị" chia nhau đi các ngả. Mỗi lần đi thường kéo dài từ 10 đến 15 ngày, nếu may mắn mỗi chuyến được vài ba cân gạo", bà Quý kể.

Cuộc sống đã sang trang mới

Giờ Ích Hậu không còn là "làng cái bang" nữa, khắp đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa, nhà cao tầng san sát. Ký ức nghèo đói chỉ còn đọng lại trong tâm trí những người cao tuổi ở vùng quê đang "thay da đổi thịt này".

Đường làng, ngõ xómđược bê tông hóa khang trang.

Đường làng, ngõ xómđược bê tông hóa khang trang.

Ông Trần Xuân Long (72 tuổi, thôn Bắc Kinh) cho biết, từ năm 1995, người dân được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động. Cùng đó, nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích áp dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, người dân dần có của ăn, của để nên ít năm sau đó, không còn ai đi hành khất nữa.

"Hơn 30 năm rồi, làng không còn người đi ăn xin. Nhà tôi giờ có 2 con đi xuất khẩu lao động, thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, từ khi có chính sách xây dựng nông thôn mới, vợ chồng tôi và người dân trong xã cải tạo vườn tược, chăn nuôi lợn gà, thu nhập ổn định, không còn lo nghèo đói", ông Long chia sẻ.

Còn bà Vương Thị Lý (67 tuổi, thôn Thống Nhất) không giấu nổi niềm vui khi sắp được ở căn nhà 2 tầng khang trang từ tiền của các con đi xuất khẩu lao động gửi về.

"Đứa con đầu của tôi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc từ lâu, nay có điều kiện, nó đưa thêm 2 đứa em cùng đi. Nói chung cuộc sống khác xa ngày trước. Giờ khấm khá hơn, nhớ lại chuyện trước đây mà không khỏi bùi ngùi", bà Lý bộc bạch.

Nhiều gia đình triệu phú

Trao đổi với PV, ông Bùi Trọng Đỉnh, Phó chủ tịch UBND xã Ích Hậu cho biết, những năm sau nạn đói hoành hành, hệ thống thủy lợi, đê điều, đường sá, trường học được đầu tư xây dựng nên người dân đã từ bỏ việc đi ăn xin để tập trung sản xuất nông nghiệp.

Một góc xã Ích Hậu.

Một góc xã Ích Hậu.

"Năm 2000, hệ thống thủy lợi tại xã Ích Hậu được phát triển, việc sản xuất nông nghiệp ngày càng được chú trọng hơn. Trước đây, một năm được một vụ mùa, sau khi hệ thống thủy lợi phát triển, diện tích đất trồng trọt mở rộng gấp nhiều lần. Một năm người dân nơi đây sản xuất 2 đến 3 vụ, cuộc sống thay đổi từng ngày", ông Đỉnh nói.

Cũng theo ông Đỉnh, từ khi hệ thống đê ngăn mặn được đầu tư xây dựng, những vụ mùa đạt năng suất cao ngày càng nhiều hơn. Cuộc sống của bà con thoát khỏi cảnh đói kém, ngày một khá hơn. Sau thời gian nỗ lực, năm 2015, xã Ích Hậu đã về đích nông thôn mới.

"Hiện, toàn xã có hơn 700 người đi lao động ở nước ngoài, chủ yếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Thu nhập bình quân của lao động xuất khẩu gửi về người thân tại địa phương khoảng 20 triệu đồng/tháng. Ở làng bây giờ có rất nhiều triệu phú, nên nếu ai đó gọi là làng triệu phú cũng không phải là quá lời", ông Đỉnh phấn khởi chia sẻ.

Hà Diệp Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lang-cai-bang-doi-doi-192240704233115928.htm
Zalo