Lan tỏa từ Phong trào Tôi yêu Tổ quốc tôi
Xây dựng thế hệ thanh niên có khát vọng, lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa; phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, tinh thần; có tinh thần dấn thân vì cộng đồng… là mục tiêu các cấp hội liên hiệp thanh niên (LHTN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai luôn hướng đến.
Vì lẽ đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, Phong trào Tôi yêu Tổ quốc tôi được tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện một cách triệt để, góp phần định hướng lối sống đẹp, khơi dậy khát vọng cống hiến trong thanh niên.
Đưa phong trào đến với thanh niên
Tôi yêu Tổ quốc tôi là phong trào “xương sống” của tổ chức hội LHTN. Để tạo sự thống nhất trong thực hiện, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội LHTN tỉnh đã cụ thể hóa bằng 5 chương trình hoạt động gồm: Thanh niên Đồng Nai yêu nước, bản lĩnh; Sống đẹp, sống có ích; Sáng tạo, khởi nghiệp; Tình nguyện vì cộng đồng; Khỏe thể chất, vững kỹ năng, chủ động hội nhập.
Trên cơ sở đó, hàng năm, các cơ sở hội đã chủ động xây dựng chương trình công tác hội và phong trào thanh niên; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đưa Phong trào Tôi yêu Tổ quốc tôi đến đông đảo hội viên, thanh niên.
Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN huyện Xuân Lộc Nguyễn Thiện Bình cho biết, bên cạnh các phương thức giáo dục truyền thống, Hội LHTN huyện và cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền trên không gian mạng. Cụ thể, hội đã duy trì tổ chức các hội thi tìm hiểu trực tuyến trên nền tảng thi trực tuyến MyAloha, nền tảng học tập, nghiên cứu lý luận chính trị của Tỉnh đoàn..., góp phần mở rộng đối tượng học tập, tìm hiểu.
Cùng với công tác tuyên truyền, từ đầu năm, Hội LHTN tỉnh đều tổ chức khởi động Phong trào Tôi yêu Tổ quốc tôi gắn với các hoạt động Xuân tình nguyện, Tình nguyện mùa đông; đồng thời, đồng loạt tổ chức Hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi với những hoạt động cụ thể, thiết thực.
Trong nhiệm kỳ, Hội LHTN tỉnh đã tổ chức 30 hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi trên địa bàn tỉnh và các tỉnh: Hà Nam, Hà Giang, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Quảng Ngãi, Long An, Tây Ninh thông qua các chương trình Tháng ba biên giới, Tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè…
Riêng hội LHTN cấp huyện và cơ sở đã tổ chức được 150 hành trình đến với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… trong và ngoài tỉnh. Trong khuôn khổ hành trình, các cấp hội đã tổ chức trao tặng kinh phí thực hiện các công trình thanh niên, tặng quà người dân, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… với tổng giá trị ước tính khoảng 20 tỷ đồng. Qua đó tạo sự lan tỏa của Phong trào Tôi yêu Tổ quốc tôi đến hội viên, thanh niên và cộng đồng.
Khơi dậy khát vọng cống hiến trong thanh niên
Thông qua Phong trào Tôi yêu Tổ quốc tôi đã góp phần định hướng lối sống đẹp, khơi dậy khát vọng cống hiến trong thanh niên.
Theo Hội LHTN tỉnh, giai đoạn những năm đầu của nhiệm kỳ, cả nước, trong đó có Đồng Nai, phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Ngay từ những ngày đầu khi dịch bệnh Covid-19 mới xuất hiện, các chiến sĩ “áo xanh” đã truyền đi thông điệp tích cực để cổ vũ tinh thần trong các tầng lớp nhân dân.
Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, với tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, hàng ngàn thanh niên trên địa bàn tỉnh đã tình nguyện tham gia vào các đội hình phòng tuyến áo xanh, tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các khu cách ly (đối với giảng viên, sinh viên ngành y); tham gia các đội hình lấy mẫu xét nghiệm; hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm vào các khu cách ly… Điều đáng trân quý là ở giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, đã có những đội hình ở các huyện vùng sâu, vùng xa tình nguyện chi viện cho các địa phương “nóng” về dịch bệnh.
Tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên được phát huy mọi lúc, mọi nơi, bằng nhiều hoạt động khác nhau. Từ một vài thanh niên yêu môi trường, muốn góp sức để làm cho môi trường thành phố Biên Hòa xanh, sạch và đẹp hơn, Nhóm Biên Hòa Xanh, nay là Câu lạc bộ Biên Hòa Xanh, trực thuộc Hội LHTN thành phố Biên Hòa, được hình thành.
Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật được nghỉ học, nghỉ làm, các thành viên của nhóm tổ chức thu gom, xử lý các điểm rác thải tự phát dọc các tuyến đường, các điểm ùn ứ rác ở mương, suối. Để góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bỏ rác đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường, mỗi lần tổ chức hoạt động, thành viên của nhóm sẽ quay video và đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội. Việc làm ý nghĩa nhanh chóng được lan tỏa, thu hút đông đảo thanh niên là học sinh, sinh viên, giáo viên, thanh niên công nhân… tham gia.
Hay như các câu lạc bộ hỗ trợ nhân dân và đảm bảo an toàn giao thông tại các huyện, thành phố thường hoạt động vào ban đêm đã hỗ trợ gần 4,6 ngàn trường hợp vá xe, thay ruột, gặp trục trặc về máy; hỗ trợ bảo vệ hiện trường hơn 800 vụ tai nạn, va chạm giao thông, hỗ trợ cấp cứu người bị nạn.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ SOS 247 (thành phố Long Khánh) Bùi Văn Phú chia sẻ, công việc chủ yếu thực hiện vào ban đêm, tuy vất vả nhưng mỗi khi giúp được người gặp nạn an toàn, anh em trong câu lạc bộ đều phấn khởi.
Ngoài ra, các câu lạc bộ còn tổ chức các chuyến công tác xã hội hỗ trợ người dân ở các tỉnh vùng cao, biên giới, hải đảo… với tổng kinh phí ước tính trên 6,3 tỷ đồng, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của thanh niên.