Lan tỏa từ những mô hình 'Dân vận khéo'

Những năm gần đây, diện mạo từ nông thôn đến thành thị trên địa bàn tỉnh có những thay đổi tích cực. Thành quả đó có sự đóng góp quan trọng của phong trào 'Dân vận khéo' (DVK). Nhiều tập thể, cá nhân điển hình DVK đã góp phần khơi dậy sức dân, huy động nhiều nguồn lực chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Cuộc sống người dân bản vùng cao Khuổi Giào, xã Cô Ba (Bảo Lạc) được nâng cao hơn nhờ chuyển đổi cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Câu chuyện này bắt nguồn từ việc thực hiện mô hình DVK chuyển đổi đất trồng ngô, lúa sang trồng dâu nuôi tằm của Trưởng xóm, người có uy tín Vầy Văn Hòa.

Ông Hòa chia sẻ: Là trưởng xóm, được bà con tín nhiệm bầu làm người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôi luôn phát huy tốt vai trò của mình, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Khi được tuyên truyền thực hiện phong trào thi đua DVK, tôi nghĩ phải làm việc gì gắn với nâng cao thu nhập, đời sống cho gia đình, bản làng. Qua tìm hiểu được biết ở xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba có 11 hộ được UBND huyện chọn làm mô hình trồng dâu nuôi tằm và đem lại hiệu quả, tôi đến tham quan học hỏi cách nuôi trồng. Năm 2013, tôi đầu tư 15 triệu đồng chuyển đổi 1 ha đất trồng ngô, lúa sang trồng dâu nuôi tằm. Đến năm 2016, tôi mở rộng được 2 ha. Hằng năm thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm trừ chi phí lãi trên 250 triệu đồng. Từ hiệu quả của gia đình mình, tôi vận động 70 hộ trong xóm chuyển đổi đất trồng ngô, lúa sang trồng dâu nuôi tằm. Hiện nay, các hộ trồng dâu nuôi tằm có thu nhập ổn định và vươn lên từng bước thoát nghèo.

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Hà Quảng Nông Văn Thơ cho biết: Đến nay, huyện có hơn 200 mô hình DVK trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Phong trào thi đua DVK phát triển rộng khắp các lĩnh vực, góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn dân cư, nhất là xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thúc đẩy các phong trào yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương, cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Tiêu biểu như các mô hình: Xây dựng đời sống văn hóa, cải cách hành chính, đổi mới tác phong làm việc của Đảng ủy xã Sóc Hà; tuyên truyền, vận động nhân dân dứt điểm di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở của UBND xã Đa Thông; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại xã Trường Hà; vận động nhân dân thực hiện phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại 2 xã Thanh Long, Yên Sơn…

Nhiều hộ dân huyện Hà Quảng đã di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà.

Nhiều hộ dân huyện Hà Quảng đã di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà.

Đến huyện Thạch An, trên tuyến đường cao tốc mới mở rộn ràng tiếng khoan đá của các đội thi công đường đang thi đua hoàn thành tuyến cao tốc đường bộ Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) vào năm 2025. Trong đó, có phần đóng góp không nhỏ của phong trào thi đua DVK, nổi bật là mô hình “Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc đường bộ Đồng Đăng - Trà Lĩnh” của huyện Thạch An.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch An Nông Long Giang chia sẻ: Cụ thể hóa “Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc đường bộ Đồng Đăng - Trà Lĩnh”, Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 20-CT/HU về lãnh đạo triển khai Chiến dịch, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân; phát huy quy chế dân chủ, thực hiện tốt công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Vì vậy, chỉ sau 100 ngày khi chiến dịch được phát động (ngày 1/2/2024), 16/16 xóm thuộc 5 xã, thị trấn của huyện có tuyến cao tốc đi qua nhất trí bàn giao mặt bằng trước cho nhà thầu thi công thực hiện dự án với tổng chiều dài tuyến khoảng 21,46/21,63 km mà chưa nhận đồng tiền đền bù nào. Đến nay, dự án đang khẩn trương thi công để sớm hoàn thành theo kế hoạch năm 2025 sẽ thông tuyến. Khi có con đường cao tốc đi qua góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, tạo nên bộ mặt mới cho địa phương cửa ngõ của tỉnh.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Ngọc Giáp cho biết: Để phong trào thi đua DVK được triển khai sâu rộng, hiệu quả, Ban Dân vận Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng và triển khai các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua DVK nói riêng gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Hằng năm, chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt việc xây dựng các phong trào, mô hình, việc làm điển hình trên các lĩnh vực. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua DVK gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực. Qua đó, việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua dần trở thành nền nếp, thường xuyên và ngày càng thiết thực, huy động cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện. Từ năm 2020 - 2024, toàn tỉnh có 13.268 mô hình DVK được đăng ký thực hiện trên các lĩnh vực, trong đó 10.295 mô hình được công nhận, gồm: 3.174 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế, 3.887 mô hình lĩnh vực văn hóa - xã hội, 1.726 mô hình lĩnh vực quốc phòng - an ninh, 1.508 mô hình lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị.

Minh Hòa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/lan-toa-tu-nhung-mo-hinh-dan-van-kheo-3175357.html
Zalo