Lan tỏa tinh thần nhân ái, nghĩa tình

Suốt 50 năm qua, TP HCM đã tiên phong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân

Tiên phong trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, 50 năm qua, TP HCM không ngừng nỗ lực mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế.

"Bây giờ gia đình tôi yên tâm rồi! Ai cũng phấn khởi vì cả nhà không phải nơm nớp mỗi khi trời mưa lớn" - bà Huỳnh Thị Loan (73 tuổi; ngụ phường 14, quận 10, TP HCM) chia sẻ về cuộc sống của gia đình sau khi được an cư trong căn nhà mới. Đây cũng là niềm ao ước lớn nhất của gia đình bà hàng chục năm nay.

Vun đắp ước mơ

Nhắc đến căn nhà cũ, bà Loan không khỏi chạnh lòng. Sau hàng chục năm sử dụng, căn nhà xuống cấp trầm trọng, gác gỗ mục nát, phải chèn chống tạm bợ, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Mỗi khi mưa lớn, cả nhà phải lấy thau hứng nước.

Một phần do gia đình còn khó khăn, một phần vướng một số thủ tục nên bà chưa thể sửa lại nhà. Chứng kiến tình cảnh của gia đình, ngoài việc báo cáo với cấp trên, bà Hoàng Kim Chi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 14, quận 10 - còn ký giấy cam kết bảo lãnh cho gia đình bà Loan được sửa chữa nhà. Ngày dọn vào căn nhà mới, cả nhà bật khóc vì quá xúc động.

"Đã lâu rồi mẹ tôi mới vui như hôm nay. Sửa lại căn nhà là ước nguyện của bà nhưng vì kinh tế khó khăn nên gia đình không thực hiện được. Nhờ địa phương và nhà hảo tâm giúp đỡ mà gia đình tôi mới có được chỗ ở tươm tất" - anh Hà Vĩnh Luân (phường 14, quận 10) nói tại buổi lễ bàn giao nhà vào cuối năm ngoái.

Căn nhà cũ của gia đình đã sử dụng hàng chục năm - nền thấp, mái bị dột. Mỗi khi trời mưa, nước tràn vào, từ trên dội xuống. Những lúc ấy, anh Luân phải tạm dừng chạy xe ôm công nghệ để về phụ mẹ dọn dẹp. Cảm thông với mẹ con anh, MTTQ cùng các tổ chức chính trị - xã hội của phường và nhà hảo tâm đã hỗ trợ gia đình 80 triệu đồng để sửa lại nhà.

Anh Hà Vĩnh Luân cùng mẹ xúc động trong buổi lễ bàn giao nhà. Ảnh: LÊ VĨNH

Anh Hà Vĩnh Luân cùng mẹ xúc động trong buổi lễ bàn giao nhà. Ảnh: LÊ VĨNH

Cách đây hơn 2 năm, chị Đỗ Thị Lan Anh (42 tuổi; ngụ phường 10, quận Phú Nhuận, TP HCM) đã trải qua biến cố khi chồng chị qua đời vì ung thư. "Thời điểm ấy, tôi gần như suy sụp, không biết làm cách nào để nuôi 4 con nhỏ. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, mẹ con tôi đã được chính quyền địa phương và cộng đồng đùm bọc, sẻ chia" - chị Lan Anh chia sẻ.

Năm ngoái, chị Lan Anh được Ủy ban MTTQ và Hội LHPN phường 10 trao tặng tủ bán bánh ướt làm phương tiện sinh nhai. Trao tặng tủ bánh cho chị, lãnh đạo phường ân cần dặn dò: "Em phải cố gắng lo cho tụi nhỏ, đừng để các cháu nghỉ học. Gặp khó khăn gì thì cứ nói, mấy anh chị sẽ có cách hỗ trợ gia đình". Lời động viên đó khiến chị Lan Anh xúc động. Từ ngày có chiếc tủ mới, việc buôn bán của chị thuận lợi hơn, khách hàng cũng nhiều hơn. Vui nhất là các con chị không dang dở việc học. Cuối năm 2024, gia đình chị được phường công nhận thoát nghèo.

"Tôi luôn nhắc các con rằng gia đình mình nhận được sự giúp đỡ rất lớn của xã hội, vì vậy phải ráng học tốt, sống tốt để xứng đáng với tình cảm của mọi người dành cho mẹ con mình" - chị Lan Anh xúc động nói.

Giảm nghèo bền vững

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho biết suốt 50 năm qua, thành phố đã tiên phong thực hiện các chính sách an sinh xã hội (ASXH), mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế. Qua đó khẳng định vai trò là trái tim của cả nước trong hành trình xây dựng

TP HCM trở thành thành phố đáng sống, nhân ái và nghĩa tình.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên thăm và tặng quà trẻ em có người thân mất vì dịch COVID-19. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên thăm và tặng quà trẻ em có người thân mất vì dịch COVID-19. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Không chỉ tập trung hỗ trợ trực tiếp, MTTQ TP HCM còn đồng hành với chính quyền trong chương trình giảm nghèo bền vững, thông qua các mô hình hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, giúp người dân vươn lên thoát nghèo. MTTQ TP HCM luôn xác định công tác ASXH không chỉ là sự hỗ trợ trước mắt mà còn hướng tới mục tiêu lâu dài. Đó là nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân có điều kiện phát triển bền vững.

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, thời gian qua, TP HCM triển khai nhiều chính sách và giải pháp kích cầu kinh tế, ổn định xã hội và chăm lo hỗ trợ giảm nghèo. Đến cuối năm 2023, TP HCM chỉ còn 8.293 hộ nghèo (theo chuẩn nghèo thành phố). Từ đó, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 trước 2 năm.

Đồng thời, TP HCM cũng hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện người có công với cách mạng. Đến nay, 13 quận, huyện đã có quyết định công nhận không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều thành phố giai đoạn 2021-2025. 9 quận, huyện và TP Thủ Đức đã hoàn thành phúc tra không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều thành phố giai đoạn 2021-2025.

Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu "Không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2021-2025", hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm nghèo tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) minh chứng cho cuộc sống người dân thành phố đã được cải thiện nhiều so với trước đây.

"Những kết quả đạt được trong công tác ASXH thời gian qua là nhờ sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và hệ thống chính trị TP HCM. Trong thời gian tới, MTTQ thành phố sẽ tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, mở rộng các mô hình hỗ trợ hiệu quả, đồng thời tăng cường giám sát để bảo đảm chính sách an sinh được thực thi công bằng, kịp thời, góp phần xây dựng

TP HCM nghĩa tình, văn minh và phát triển bền vững" - ông Phạm Minh Tuấn khẳng định.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021 và cao điểm là 150 ngày (từ ngày 29-4 đến 1-10-2021),

TP HCM là địa phương chịu thiệt hại do dịch COVID-19 nặng nề nhất trong cả nước. Với tinh thần "lấy sức dân chăm lo cho dân", TP HCM đã huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Công tác ASXH được dấy lên như một cao trào cách mạng và trở thành một trong những điểm sáng của thành phố. Hàng ngàn tỉ đồng được ủng hộ để chăm lo cho người dân, lực lượng tuyến đầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị bảo hộ... phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

MTTQ TP HCM đã nhanh chóng thành lập Trung tâm ASXH (nay là Quỹ ASXH) nhằm thực hiện phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch. Chỉ trong vòng 10 ngày thành lập, Trung tâm ASXH đã huy động cung cấp hơn 3 triệu túi ASXH, huy động hơn 200.000 túi thuốc A, túi thuốc B, túi thuốc đông y để điều trị F0 tại nhà. Từ thực tiễn chống dịch COVID-19 cũng xuất hiện nhiều phong trào đầy sáng tạo và chan chứa tình người như "Nghĩa tình đồng đội", "Người nội trợ", "Nối nhịp sống - Chở yêu thương", "Triệu túi an sinh", "Vòng tay Việt", "Sài Gòn thương nhau", "ATM gạo", "Phiên chợ nghĩa tình"...

Những cột mốc đáng nhớ

Năm 1989, TP HCM phát động phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" mà trọng tâm là "Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa".

Năm 1992, TP HCM là địa phương đầu tiên khởi xướng chương trình "Xóa đói giảm nghèo".

Quỹ Vì người nghèo đã chăm lo hơn 3.302 tỉ đồng với các chương trình hỗ trợ ASXH như xây dựng, sửa chữa nhà, trao tặng phương tiện sinh kế, học bổng, trao tặng thẻ BHYT, trợ cấp khó khăn đột xuất...

LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lan-toa-tinh-than-nhan-ai-nghia-tinh-196250428214448982.htm
Zalo