Sức khỏe người dân TPHCM sẽ được chăm sóc từ A tới Z
Chính quyền TPHCM muốn từng người dân sống trên địa bàn phải được chăm sóc sức khỏe toàn diện, từ lúc còn trong bào thai cho tới tuổi xế chiều. Thậm chí, sự chăm sóc còn bắt đầu ngay khi trẻ chưa thành hình, tức là lúc bố mẹ còn đang chuẩn bị kết hôn.
Đó là nội dung trọng tâm của đề án "Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân TPHCM và một số giải pháp góp phần làm tăng tổng tỷ suất sinh giai đoạn 2025-2030".
Theo tham mưu của ngành Y tế TPHCM, đề án này "hướng tới bảo đảm để mọi người dân được khỏe mạnh, từng cá nhân được quản lý sức khỏe theo hộ gia đình, khi bị ốm đều có thể sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện và bảo đảm không làm cho người dân gặp phải gánh nặng về tài chính do chi phí y tế".
Được biết, giữa tháng 1/2025, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Y tế trình đề án này trong tháng 4/2025. Với ý nghĩa thiết thực, đề án kỳ vọng sẽ 'ghi thêm điểm cộng' cho chính quyền TPHCM trong nỗ lực chào mừng 50 năm thống nhất đất nước.
Chăm sóc toàn diện
Trong dự thảo đề án được Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng ký trình UBND TPHCM, mục tiêu chung được nêu rõ: Đảm bảo mọi người dân trên địa bàn TPHCM được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và chất lượng, sống trong môi trường an toàn, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe của phụ nữ mang thai, bào thai, trẻ sơ sinh, trẻ em, người lao động và người cao tuổi, đồng thời làm tăng tổng tỷ suất sinh và cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng.

Một công dân TPHCM chào đời vào khoảnh khắc giao thừa năm 2025 tại BV Hùng Vương. Ảnh: Thanh Giang.
Đề án được chia làm 4 giai đoạn:
Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân;
Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh;
Chăm sóc phát triển trẻ toàn diện trong 5 năm đầu đời và chăm sóc trẻ từ 6 tuổi đến 18 tuổi;
Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động và người cao tuổi.
Ở mỗi giai đoạn, từng mục tiêu cụ thể cũng được đề án nêu chi tiết. Ví dụ như, trong giai đoạn chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, bố mẹ trước khi kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe, tiêm vaccine phòng ngừa bệnh truyền nhiễm...
Còn trong giai đoạn chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, thì ngoài cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng, còn tăng cường tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh, cũng như đẩy mạnh sàng lọc trước và sau sinh...
Ở giai đoạn chăm sóc phát triển trẻ toàn diện trong 5 năm đầu đời và chăm sóc trẻ từ 6 tuổi đến 18 tuổi, trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; còn thanh niên được tư vấn tâm lý, phòng ngừa các bệnh tật học đường và sức khỏe sinh sản vị thành niên...
Giai đoạn bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động và người cao tuổi, đề án khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh nơi làm việc; phòng, chống bệnh tật, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người tuổi 60 trở lên...
Đáng chú ý, đề án còn nêu rõ sẽ hình thành "Trung tâm can thiệp bào thai" với đích đến là giảm tỷ lệ tử vong bào thai, nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ sơ sinh sau này.
Đặc biệt, công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh sẽ được tăng cường mạnh mẽ, như: Tiêm vaccine HPV cho trẻ em gái từ 11 tuổi đến 18 tuổi; hỗ trợ kinh phí khám sức khỏe cho trẻ từ mầm non tới học sinh các cấp, gồm cả ngoài công lập và giáo dục thường xuyên; phát triển hệ thống dịch vụ và mô hình giáo dục trẻ em tự kỷ, phù hợp với nhu cầu đa dạng của trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí...
Nhiều việc phải làm
Theo Sở Y tế TPHCM, tính đến tháng 12/2024, mạng lưới khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố bao gồm 135 bệnh viện. Trong đó, có 12 bệnh viện thuộc bộ, ngành; 32 bệnh viện tuyến thành phố, 19 bệnh viện tuyến quận, huyện; 72 bệnh viện tư nhân.
Ngoài ra, trên địa bàn TPHCM còn có 22 trung tâm y tế, với 4 trung tâm y tế có giường bệnh nội trú; 271 trạm y tế xã, phường, thị trấn; hơn 8.000 phòng khám tư nhân; mạng lưới cấp cứu ngoại viện gồm Trung tâm cấp cứu 115 và 43 trạm cấp cứu vệ tinh.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh là một trong số ít bệnh viện tuyến cơ sở nhưng đạt hạng I về chuyên môn kỹ thuật ở TPHCM.
Ngoài mạng lưới điều trị, TPHCM còn có mạng lưới dự phòng với nhiều đơn vị thuộc Trung ương trú đóng trên địa bàn như: Viện Pasteur TPHCM; Viện Y tế Công cộng TPHCM... Vì vậy, từ trước tới nay TPHCM luôn giữ vị trí trung tâm y tế của cả khu vực phía Nam.
Sở Y tế TPHCM nhận định, hiện mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vẫn chưa được bao phủ rộng khắp, gây hạn chế việc tiếp cận sử dụng dịch vụ của người dân, đặc biệt ở những vùng khó khăn. Vì vậy, cải thiện mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc cần ưu tiên.
Bên cạnh đó, TPHCM vẫn còn thiếu thiết bị y tế để thực hiện được các nghiên cứu và ứng dụng chẩn đoán sâu về di truyền, đặc biệt là các bệnh lý dị tật bẩm sinh, chậm phát triển tâm thần. Đây là vấn đề phổ biến trong cộng đồng, gây gánh nặng lớn cho xã hội nhưng bản chất về gen rất đa dạng và phức tạp.
Ngoài ra, sàng lọc sơ sinh tim bẩm sinh nặng, sàng lọc khiếm thính ở trẻ sơ sinh chưa triển khai rộng rãi ở các cơ sở y tế vì còn thiếu cơ sở vật chất và thiết bị.
Dù rất mạnh về nhân lực y tế, song Sở Y tế TPHCM vẫn ghi nhận số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh vẫn còn thiếu. Điều này làm ảnh hưởng đến công tác đào tạo, quy hoạch phát triển, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng các tiến bộ mới.
Đối với công tác quản lý, theo dõi trẻ dị tật bẩm sinh, sau khi phát hiện vẫn chưa được quan tâm, giám sát chặt chẽ, làm hạn chế hiệu quả và ý nghĩa xã hội.
Đối với trẻ vị thành niên, Sở Y tế nhận thấy các em vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản đảm bảo chất lượng.
Đối với công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, hiện vẫn còn một số hạn chế, như thiếu các dịch vụ chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi; nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn chưa được quan tâm phát triển; thiếu nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi già yếu neo đơn tại cộng đồng...

Chăm sóc bệnh nhân cao tuổi ở BV huyện Bình Chánh (TPHCM).
Đáng chú ý, dù không ngừng thực hiện chuyển đổi số trên phạm vi cả nước, cũng như riêng tại TPHCM, song tới nay vẫn chưa có hệ thống phần mềm quản lý chung để có thể tích hợp dữ liệu sức khỏe của từng nhóm thành kho dữ liệu chung cho người dân.
Ngoài ra, số hóa dữ liệu tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi, Sản và các hoạt động hợp tác giữa bệnh viện chuyên khoa Nhi với các đối tác như bệnh viện Phụ Sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đang được triển khai nhưng chưa đầy đủ, hoặc chưa đồng bộ...