Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Ngày 7.4 (tức mùng 10.3 âm lịch), tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao (Buôn Ma Thuột).

Sự kiện thu hút sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, đại diện các ban ngành, đoàn thể, cùng nhân dân và du khách, thể hiện lòng thành kính và tri ân sâu sắc đối với các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Đình Lạc Giao, nơi diễn ra lễ giỗ, là di tích lịch sử quốc gia, đánh dấu sự hiện diện đầu tiên của người Kinh tại Tây Nguyên. Đình thờ Thành hoàng làng và các anh hùng, nghĩa sĩ, trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng.

Việc chọn đình Lạc Giao làm nơi tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương không chỉ tôn vinh công lao của các Vua Hùng mà còn khẳng định sự kết nối giữa các vùng miền trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống dân tộc.

Đắk Lắk tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương với đầy đủ các nghi thức tại đình Lạc Giao

Đắk Lắk tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương với đầy đủ các nghi thức tại đình Lạc Giao

Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại Đắk Lắk được tổ chức với đầy đủ nghi thức truyền thống. Mở đầu là lễ dâng hương, dâng hoa lên bàn thờ các Vua Hùng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc.

Tiếp đó, lãnh đạo tỉnh đọc chúc văn, ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc từ thời các Vua Hùng dựng nước, nhấn mạnh trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Bên cạnh phần lễ, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân và du khách.

Những nghệ nhân địa phương tái hiện quá trình làm bánh chưng, bánh giầy – những sản phẩm truyền thống dâng lên các Vua Hùng, tượng trưng cho đất trời và lòng biết ơn của con cháu.

Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại văn hóa cồng chiêng, biểu tượng văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên, được các nghệ nhân trình diễn, tạo nên không gian văn hóa đậm đà bản sắc.

Biểu diễn gói bánh chưng, dã bánh dầy dân Vua Hùng

Biểu diễn gói bánh chưng, dã bánh dầy dân Vua Hùng

Bên cạnh đó, chương trình biểu diễn múa lân sư rồng đã mang đến không khí sôi động, rộn ràng, thể hiện sự phồn thịnh và may mắn. Ngoài ra, viết thư pháp tại sự kiện đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống qua từng nét chữ.

Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại Đắk Lắk không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao của các Vua Hùng mà còn là cơ hội để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Sự kiện này cũng góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, khi nhân dân từ nhiều vùng miền cùng hội tụ, chia sẻ và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Đặc biệt, trong bối cảnh tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh, 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9, tiếp tục khẳng định vị thế của Đắk Lắk như một trung tâm văn hóa, du lịch quan trọng của khu vực Tây Nguyên.

Lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2025 tại Đắk Lắk đã diễn ra thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và du khách. Sự kiện này không chỉ tôn vinh truyền thống dân tộc mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thúc đẩy du lịch và tăng cường sự gắn kết cộng đồng.

NGUYÊN ĐỨC - HƯƠNG TRÀ

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/lan-toa-tinh-than-dai-doan-ket-dan-toc-126821.html
Zalo