Lan tỏa sắc vàng Tam Cốc - Tràng An
Giữa độ tháng 5, khi nắng đã đủ hanh hao để những cánh đồng lúa chín vàng ruộm trải mình bên dòng Ngô Đồng thơ mộng, Ninh Bình một lần nữa gọi mời du khách bằng sắc màu rực rỡ của thiên nhiên, bằng âm vang trầm tích di sản và niềm tự hào văn hóa bản địa.

Tuần Du lịch Ninh Bình thể hiện sự đồng hành của người dân với chính quyền trong việc giữ gìn giá trị di sản
Hành trình trải nghiệm văn hóa - thiên nhiên - con người
Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2025 với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An” đã chính thức khai mạc tại khu vực Hang 2, Tam Cốc - Bích Động, mở ra một không gian nghệ thuật, trải nghiệm và kết nối du lịch đầy cảm hứng. Lễ khai mạc diễn ra trên chính thảm lúa đang vào độ rực rỡ nhất, tại không gian đồng lúa rộng gần 10.000m², nơi thiên nhiên và con người cùng thêu dệt nên bức tranh nghệ thuật khổng lồ mang tên “Cá chép vượt vũ môn”.
Không chỉ là một công trình sắp đặt quy mô, hình tượng ấy còn là biểu trưng của khát vọng vươn lên, sự kiên cường bền bỉ của vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đang từng bước chuyển mình trở thành “thành phố di sản thiên niên kỷ” trong tương lai không xa.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Tuần Du lịch Ninh Bình 2025 nhấn mạnh: “Tuần Du lịch Ninh Bình là dịp để chúng ta không chỉ tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ và những di sản văn hóa sâu lắng ngàn đời, mà còn khẳng định vị thế của Ninh Bình trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế”.
Trong suốt 9 ngày diễn ra sự kiện (23-31.5), du khách đến với Ninh Bình sẽ được đắm mình trong một bản hòa ca đầy màu sắc, nơi thiên nhiên, văn hóa và con người cùng cất lời mời gọi. Hành trình ấy bắt đầu từ triển lãm ảnh nghệ thuật “Mùa vàng Tam Cốc - Tràng An”, nơi những bức ảnh lúa chín, mái chèo, nón trắng trở thành ngôn ngữ kể chuyện về mùa, về đất, về người. Tiếp nối là tour du lịch chụp ảnh mùa vàng - hành trình nhẹ nhàng theo lối ruộng quanh co, nơi từng nhịp thuyền dập dềnh giữa sắc vàng trở nên thơ mộng lạ kỳ.
Không gian làng nghề truyền thống hiện diện sinh động với bàn tay cần mẫn của các nghệ nhân thêu ren Văn Lâm, dệt cói Kim Sơn, nặn gốm Bồ Bát... Nơi đây, du khách không chỉ được ngắm nhìn mà còn có thể trực tiếp tương tác, trải nghiệm và thấu cảm vẻ đẹp của lao động sáng tạo thủ công.
Phố đi bộ Đồng Gừng - Văn Lâm trong những ngày hội trở nên rộn ràng như một phiên chợ quê đậm chất hồn Việt. Tại đây, những sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ như được thổi hồn từ nắng lúa, gió đồng, làm nên một không gian giao thương sống động, chan hòa và giàu tính bản địa.
Những đêm hội nghệ thuật dân gian cũng là mạch nguồn đầy cảm hứng. Âm nhạc truyền thống được gọi dậy từ hồn đất mẹ đó là những làn điệu chèo mượt mà, câu xẩm khắc khoải, lời ca trù ngân rung và múa rối nước bập bềnh sóng nước, tất cả hòa vào tiếng cười đồng nội trong những vòng dân vũ cộng đồng thắm tình gắn bó.
Ẩm thực Ninh Bình cũng được tôn vinh qua Hội thi Tinh hoa ẩm thực miền Cố đô, nơi bàn tay người mẹ, người chị gói trọn hương vị mùa cũ trong từng món ăn quê nhà, làm sống lại ký ức về những mùa bội thu và sẻ chia sự nồng hậu của con người vùng đất cổ.
Điểm nhấn ấn tượng là Ngày hội văn hóa “Sắc vàng Tam Cốc” với phần trình diễn thời trang độc đáo. Những bộ sưu tập lấy cảm hứng từ lúa, thiên nhiên và di sản được trình diễn giữa đồng quê đang độ rực rỡ nhất, nơi mỗi tà áo là một khúc nhạc của nắng, của gió và của khát vọng mùa vàng.
Khép lại chuỗi ngày hội là Lễ hội âm nhạc sáng tạo “Forestival 2025” tại Tràng An và rừng Cúc Phương. Không đơn thuần là nơi thưởng thức âm nhạc, Forestival là không gian sáng tạo kết nối thiên nhiên - con người - nghệ thuật, gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường và đánh thức rung cảm sâu xa trong mỗi du khách.
Tư duy chiến lược để bứt phá hậu sáp nhập
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Ninh Bình đang sở hữu những lợi thế vượt trội để phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng và khám phá. Vị trí địa lý chiến lược, gần Hà Nội và vùng trung chuyển khách quốc tế từ Quảng Ninh, cùng hệ thống giao thông thuận lợi và sự hậu thuẫn từ mô hình hợp tác công - tư, là những điểm tựa giúp Ninh Bình đột phá.
Ông Hà Văn Siêu lưu ý, sau sáp nhập với Hà Nam và Nam Định, Ninh Bình cần khẩn trương đánh giá lại tài nguyên du lịch toàn vùng, xây dựng quy hoạch tổng thể; thiết kế hệ sinh thái sản phẩm phù hợp với xu hướng mới như du lịch xanh, du lịch đêm, du lịch số, du lịch tuần hoàn. Đồng thời, cần tập trung nâng cấp hệ thống lưu trú cao cấp, mở rộng dịch vụ vui chơi - giải trí - mua sắm để kéo dài thời gian lưu trú, hướng tới mục tiêu “tăng thêm một đêm”.
Việc phát triển sản phẩm du lịch cần đặt du khách vào trung tâm, thiết kế trải nghiệm đa dạng, tương tác thực tế. Du khách không chỉ ngắm mà còn được làm, được chơi, được sáng tạo và cảm nhận trọn vẹn không gian bản địa. Việc này đặc biệt phù hợp với thế hệ trẻ yêu thích du lịch khám phá, tự do.
Mặt khác, Ninh Bình cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong xúc tiến, quảng bá, đặt dịch vụ online; nghiên cứu thị hiếu từng phân khúc khách, từng thị trường trọng điểm để điều chỉnh chiến lược tiếp cận phù hợp. Đồng thời, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng hồ sơ đề xuất công nhận Tràng An và Tam Chúc là khu du lịch quốc gia nhằm tạo thêm lực hút mới.
Tuần Du lịch Ninh Bình 2025 không chỉ là một lễ hội mùa vàng, mà là minh chứng sống động cho tầm nhìn phát triển bền vững, cho sự đồng hành của người dân với chính quyền trong việc giữ gìn giá trị di sản, phát huy nội lực văn hóa để đưa du lịch Ninh Bình vươn xa, từng bước khẳng định vị thế là điểm đến du lịch xanh và di sản hàng đầu Việt Nam và khu vực.