Lan tỏa những tấm gương

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên, sâu rộng của các cơ quan, đơn vị, trường học, địa phương và Nhân dân trong tỉnh. Qua mỗi hành động, việc làm cụ thể, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến đã và đang lan tỏa những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn, nghĩa tình và phát triển bền vững.

 Anh Phan Văn Tười, Bí thư Chi bộ thôn Y Giang (trái ảnh) thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trong thôn tích cực lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.

Anh Phan Văn Tười, Bí thư Chi bộ thôn Y Giang (trái ảnh) thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trong thôn tích cực lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.

Trong những ngày hoàn lưu bão số 3 quét qua địa bàn tỉnh (tháng 9/2024), Bí thư Chi bộ thôn Y Giang Phan Văn Tười (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát) đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực vận động người dân trên địa bàn di chuyển đến nơi tránh trú an toàn. Anh Tười kể, thời điểm đó qua rà soát, thôn Y Giang có 45 hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, đe dọa đến tài sản và tính mạng. Sau khi có thông báo của chính quyền địa phương, anh Tười cùng trưởng thôn và các đoàn thể đã đến từng hộ tuyên truyền, vận động di dời. Tuy vậy vẫn có một số hộ chủ quan vì chỉ nghĩ mưa nhỏ như những năm trước. Trước tình thế này, anh Tười chỉ đạo tổ công tác lập biên bản sự việc, đồng thời kiên trì vận động, giải thích, thậm chí mời cả những người cao tuổi có uy tín trong thôn tham gia vận động.

“Vừa dùng biện pháp cứng rắn, vừa gần gũi động viên, giải thích, cuối cùng các hộ đều đã nghe và chấp hành việc di chuyển. Thật may, hộ cuối cùng là gia đình anh Tẩn Láo Ú di chuyển chỉ được khoảng 5 phút thì đất đá sạt lở, vùi lấp nhà và tài sản, nếu chỉ chần chừ một chút nữa chưa biết hậu quả sẽ thế nào”, Bí thư Chi bộ Phan Văn Tười cho hay.

Bên cạnh đó, cùng chung tay giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ, anh Tười đã kêu gọi được 6 đoàn từ thiện tặng 400 suất quà và hơn 300 triệu đồng cho các hộ dân bị ảnh hưởng tại thôn Y Giang và Ngải Trồ. Đặc biệt, khi các đoàn thiện nguyện lên hỗ trợ người dân do đường bị sạt lở, anh Tười đã bố trí cho các thành viên ăn, ở miễn phí tại nhà mình để tiếp tục đi vào các xã phía trong - nơi có những hộ bị ảnh hưởng đang mong chờ sự cứu trợ. Đồng thời, anh huy động người dân trong thôn hỗ trợ tìm kiếm 1 nạn nhân thôn Ngải Trồ bị đất đá sạt lở vùi lấp.

Trách nhiệm với công việc, Bí thư Chi bộ thôn Y Giang - anh Phan Văn Tười còn tích cực đi đầu trong phát triển kinh tế. Năm 2017, anh đã mạnh dạn nhận trồng 6,4 ha chè chất lượng cao, năm 2020 tiếp quản thêm 3 ha chè tuyết Shan của một số hộ dân để hoang hóa. Anh còn đầu tư máy sao, chế biến chè, thu mua búp chè tươi cho người dân và tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.

Là đảng viên, mình phải có tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu, làm những gì có lợi cho dân như lời Bác Hồ dạy.

Anh Phan Văn Tười, Bí thư Chi bộ thôn Y Giang

Còn tại thị trấn của huyện vùng cao Si Ma Cai, đảng viên trẻ Cư Seo Giả (tổ dân phố Phố Thầu, thị trấn Si Ma Cai) - người con của dân tộc Mông đã thấm nhuần tư tưởng của Bác về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, lựa chọn cho mình hướng đi mới trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, vươn lên thoát nghèo.

 Từ đồi trồng ngô và cỏ dại, đảng viên trẻ Cư Seo Giả (áo cam) đã cải tạo trở thành đồi hoa để phát triển du lịch.

Từ đồi trồng ngô và cỏ dại, đảng viên trẻ Cư Seo Giả (áo cam) đã cải tạo trở thành đồi hoa để phát triển du lịch.

Đưa chúng tôi tham quan đồi hoa đang độ khoe sắc được quy hoạch, chăm sóc bài bản, đẹp mắt, anh Giả kể đất này trước đây để trồng ngô và cây dại mọc. Nhận thấy nhu cầu du lịch của người dân, nhất là người dân địa phương tăng cao, đầu năm 2024, anh quyết định chuyển sang trồng hoa để phát triển du lịch. Vượt qua những khó khăn ban đầu trong việc cải tạo đất, thiếu vốn, đến nay đồi hoa của anh Giả đã cơ bản định hình, được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Từ năm 2024 đến nay, đồi hoa “Núi tình” của anh Giả đã đón khoảng 3.000 khách đến tham quan, chụp ảnh. Anh dự định tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa và xây dựng thêm khu vực dịch vụ ăn uống, đáp ứng nhu cầu của du khách.

 Nuôi lợn đen bản địa mang lại nguồn thu cho gia đình anh Giả khoảng 100 triệu đồng mỗi năm.

Nuôi lợn đen bản địa mang lại nguồn thu cho gia đình anh Giả khoảng 100 triệu đồng mỗi năm.

Ngoài làm du lịch, anh Giả còn phát triển mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa. Nhờ áp dụng theo đúng kỹ thuật chăn nuôi, đàn lợn sinh trưởng nhanh, không bị dịch bệnh, hiện nay anh luôn duy trì số lượng khoảng 40 con lợn thịt, 5 con lợn nái. Mỗi năm xuất bán ra thị trường gần 100 con lợn thương phẩm mang lại nguồn thu cho gia đình khoảng 100 triệu đồng.

 Việc học và làm theo Bác đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Việc học và làm theo Bác đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Không chỉ anh Tười, anh Giả, việc học và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian qua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình. Nhiều tấm gương đã thể hiện tinh thần học Bác từ những việc nhỏ nhất, như đúng giờ, trung thực, tiết kiệm, trách nhiệm với công việc và cộng đồng. Năm 2024, cấp huyện trong tỉnh đã khen thưởng 145 tập thể, cá nhân; cấp cơ sở khen thưởng 841 tập thể, cá nhân; Ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 2 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 1 cá nhân điển hình trong học Bác của tỉnh.

Hiện, toàn tỉnh có 73 mô hình, 248 tập thể, 567 cá nhân được ghi danh cấp huyện; 31 mô hình, 83 tập thể, 138 cá nhân được các đảng bộ trực thuộc đề nghị ghi danh cấp tỉnh.

 Mô hình “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất làm đường giao thông nông thôn” ở huyện Văn Bàn.

Mô hình “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất làm đường giao thông nông thôn” ở huyện Văn Bàn.

 Mô hình “Công an xã chung tay giúp đỡ hộ nghèo” của Công an xã Quang Kim, huyện Bát Xát.

Mô hình “Công an xã chung tay giúp đỡ hộ nghèo” của Công an xã Quang Kim, huyện Bát Xát.

Những con số trên đã minh chứng, việc học tập và làm theo Bác không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà đã thấm nhuần trong từng hành động thường ngày của mỗi cá nhân, tập thể. Nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa việc học Bác vào tiêu chí thi đua, đánh giá cán bộ, từ đó tạo động lực để mỗi người rèn luyện, phấn đấu.

Các mô hình như “Công an xã chung tay giúp đỡ hộ nghèo” của Công an xã Quang Kim (Bát Xát); “Ngày cuối tuần hướng về cơ sở” của Huyện ủy Bảo Thắng; “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất làm đường giao thông nông thôn” của huyện Văn Bàn, “Lúc dân cần, lúc dân khó có Công an” của Công an tỉnh; “Bộ đội Biên phòng Lào Cai đồng hành cùng thôn, bản nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” của Bộ đội Biên phòng tỉnh; “Bao thóc vàng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh… đã được triển khai rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực và được cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức hội thi tìm hiểu về các chủ đề học và làm theo Bác trong từng năm.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức hội thi tìm hiểu về các chủ đề học và làm theo Bác trong từng năm.

Hơn bao giờ hết, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần tiếp tục được duy trì, đổi mới và lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Mỗi người, dù ở vị trí nào, công việc gì, đều có thể trở thành một tấm gương học Bác nếu biết sống và hành động vì cộng đồng, vì đất nước. Đó chính là cách thiết thực nhất để góp phần xây dựng Việt Nam giàu mạnh, văn minh, nghĩa tình như Bác hằng mong muốn.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/lan-toa-nhung-tam-guong-post402011.html
Zalo