Lan tỏa nhiều mô hình khuyến học ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 12/12, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị giao ban công tác khuyến học Cụm 8 - Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 31 với sự tham dự của Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Trương Thị Hiền; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng, cùng lãnh đạo Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Trương Thị Hiền, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị, thời gian tới, ngoài các nhiệm vụ chung của Cụm, từng tỉnh, thành phố cần có những giải pháp căn cơ cụ thể với địa phương. Trong đó chú ý việc tham gia Giải thưởng "Nhân tài đất Việt" để kịp thời lan tỏa trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng các mô hình học tập theo hướng nâng cao chất lượng; thực hiện các nhiệm vụ năm 2025...

Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Kiệt/ TTXVN

Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Kiệt/ TTXVN

Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, hội nghị giao ban các tỉnh trong từng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là hoạt động ý nghĩa của Hội Khuyến học Việt Nam. Đối với Bạc Liêu, đây là cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm, đồng thời giới thiệu với các đơn vị bạn tìm hiểu trải nghiệm thêm về vùng đất, con người Bạc Liêu.

Năm 2024, Hội Khuyến học Cụm 8 – Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các tỉnh, thành phố trong Cụm đã vận động xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền là 760 tỷ đồng (tăng 62 tỷ 959 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2023); cấp phát gần 1,5 triệu suất học bổng, quà và phần thưởng.

Nhiều mô hình hoạt động khuyến học, khuyến tài của Cụm 8 có sức lan tỏa, hiệu quả. Tiêu biểu là "Mái ấm khuyến học" ở Tiền Giang và Bến Tre; "Nhà khuyến học" ở Trà Vinh, Kiên Giang, Vĩnh Long; "Gương sáng hiếu học" ở Đồng Tháp; "Nâng bước đến trường" ở Tiền Giang; "Shop 0 đồng", "Cửa hàng 0 đồng" ở Cần Thơ, Sóc Trăng; "Nuôi heo đất khuyến học" ở Bến Tre, Bạc Liêu; Chương trình "Sách trao tay – Cầu nối yêu thương" ở Bạc Liêu. Ngoài ra, các mô hình vận động Quỹ khuyến học mang tên danh nhân như: Nguyễn Sinh Sắc, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Dương Kỳ Hiệp, Hồ Hảo Hớn, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Trà... của Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh... đã góp phần cổ vũ tinh thần học tập của nhiều học sinh, sinh viên, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện.

Năm 2025, Hội Khuyến học Cụm 8 – Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chấp hành Hội Khuyến học các cấp, phát huy tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ hội tâm huyết, trách nhiệm, chú trọng nâng cao chất lượng hội viên. Hội đẩy mạnh vận động xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài, đa dạng hóa các loại hình quỹ, tạo nhiều suất học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế thấp việc các em phải bỏ học vì không có tiền.

Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu trao tặng trao 140 suất học bổng cho các sinh viên. Ảnh: TTXVN phát

Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu trao tặng trao 140 suất học bổng cho các sinh viên. Ảnh: TTXVN phát

Dịp này, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Trương Thị Hiền trao Cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội cho Hội Khuyến học Bạc Liêu. Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu trao tặng 140 suất học bổng cho các em sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng ở tỉnh (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng).

Tuấn Kiệt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/lan-toa-nhieu-mo-hinh-khuyen-hoc-o-dong-bang-song-cuu-long-20241212140053671.htm
Zalo