Nhiều học sinh 'đua' nhau nói tục chửi bậy, nguyên nhân do đâu?
Theo các chuyên gia văn hóa, chuyên gia tâm lý, để điều chỉnh hành vi nói tục, chửi bậy của học sinh, người lớn cần làm gương trước tiên.
Hiện tượng học sinh nói tục, chửi bậy diễn ra ngày càng phổ biến, khiến gia đình, nhà trường không khỏi lo ngại. Đáng nói, học sinh có phát ngôn thiếu văn hóa không chỉ trong lúc nóng giận mà trở thành “câu đệm” cho lời nói thông thường. Đôi khi những từ ngữ thiếu chuẩn mực ấy chỉ đơn giản là để bộc lộ cảm xúc, hay học theo “trend” để trở nên “thời thượng”, bắt kịp xu hướng.
Theo các chuyên gia văn hóa, chuyên gia tâm lý, hành vi ngôn ngữ ấy có thể dẫn đến những hành động tiêu cực khác. Để điều chỉnh hành vi này ở thế hệ trẻ, cần có những giải pháp cụ thể từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Hiện tượng học sinh nói tục, chửi bậy đang ngày càng phổ biến và có xu hướng gia tăng
Dưới góc độ văn hóa và ngôn ngữ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Giang, Trưởng Bộ môn Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “Hiện nay, không riêng gì học sinh, nhiều người lớn ở Việt Nam cũng dễ dàng buông ra một vài lời “nói bậy” ở dạng hữu thức hoặc vô thức. Và nếu nhìn rộng ra thế giới, Việt Nam không phải là nước duy nhất chứng kiến sự “lên ngôi” của cách thực hành ngôn ngữ này.
Cách đây hơn 10 năm, trên The New York Times, tác giả Michael Gonchar đã nhận xét rất tinh tế rằng: chửi thề dường như đã tìm được đường vào nền văn hóa đại chúng thông qua những bài hát ăn khách và chương trình truyền hình, thậm chí là các tên sách và tên công ty. Từ đó, ông đặt ra nghi vấn: Có phải việc chửi bậy phổ biến đến mức đã mất đi giá trị gây sốc ban đầu của chúng?
Chính thực tế này đã khiến nhiều nhà khoa học đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau trên thế giới (ngôn ngữ học, văn học, xã hội học, tâm lý học,...) tìm cách giải mã nguyên nhân và tác động của chửi bậy lên sự hình thành nhân cách trẻ em. Các nhà ngôn ngữ học ở Anh cho rằng sở dĩ nói tục, chửi bậy được chấp nhận và sử dụng rộng rãi hơn bao giờ hết là bởi nó ngày càng được sử dụng cho các mục đích khác ngoài việc xúc phạm mọi người, chẳng hạn như để giải tỏa cảm xúc, để thể hiện sự hài hước, để nhấn mạnh quan điểm của người nói, thậm chí để xây dựng các mối quan hệ xã hội...
Một tác giả người Mỹ, qua phỏng vấn 200 học sinh trung học cơ sở đã chỉ ra nguy cơ tiềm ẩn của việc nói tục: "Lời tục tĩu giống như một bước đệm... Khi thanh thiếu niên vừa nghe vừa tự mình thử nói lời tục tĩu, điều đó có thể bắt đầu một sự trượt dốc theo hướng hành vi hung hăng hơn".
Trong bối cảnh Việt Nam, từ góc độ thực hành ngôn ngữ, hiện tượng này dẫn đến một nghịch lí trong giới trẻ là họ sẽ xem các từ phản cảm như những đơn vị ngôn ngữ thông thường có thể mặc nhiên sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau để biểu đạt tư duy, cảm xúc. Sự ngộ nhận này sẽ khiến học sinh quên đi các từ vựng và những cách biểu đạt lịch sự, tao nhã đã được xã hội thừa nhận qua nhiều thế hệ.
Kết quả, vốn từ vựng và khả năng thực hành tiếng Việt của học sinh trở nên nghèo nàn hơn. Đáng nói, ở góc độ giao tiếp và ứng xử, thói quen ngôn ngữ ấy sẽ dẫn đến những hành vi tiêu cực như dễ nổi nóng, căng thẳng, xung đột với người khác và tìm đến bạo lực để giải quyết mâu thuẫn như một điều tất yếu.
Từ những điều đã nêu, tôi cho rằng, một mặt, chúng ta nên bình tĩnh nhìn nhận hiện tượng nói tục, chửi bậy của giới trẻ từ nhiều phía. Mặt khác, để phòng ngừa tác động tiêu cực của nó, nên tìm ra các phương án để giúp các bạn trẻ, nhất là học sinh có thể “chuyển hóa” thói quen nói tục, chửi bậy sang một dạng thức tích cực và dễ được chấp nhận hơn”.
Cùng bàn về vấn đề này, dưới góc độ tâm lý, Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Văn Duẩn, Phó Giám đốc Viện Tâm lý MindCare Việt Nam, Trưởng phòng Tâm lý học đường, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, tình trạng học sinh nói tục, chửi bậy đã tồn tại từ nhiều năm qua, xuất hiện ở mọi cấp học với mức độ và hình thức khác nhau. Hành vi này diễn ra trong các môi trường đa dạng như gia đình, trường học, nơi công cộng và trên các nền tảng trực tuyến. Nguyên nhân phổ biến của thực trạng này có thể được lý giải trên nhiều khía cạnh.
Thứ nhất là do đặc điểm tâm lý lứa tuổi và nhận thức chưa đúng của học sinh. Ở lứa tuổi dậy thì, nhiều học sinh sử dụng ngôn ngữ tục tĩu như một cách để thể hiện cái tôi, khẳng định vị trí trong nhóm bạn. Xu hướng này đôi khi bắt nguồn từ mong muốn hòa nhập, sợ bị coi là "lạc hậu", không bắt kịp “trend” so với bạn bè cùng trang lứa; dẫn đến nói tục như một phản xạ tự nhiên và hết sức bình thường.
Thứ hai là do sự phát triển nhanh chóng của internet trong bối cảnh phát triển chung về kinh tế, xã hội của đất nước. Trẻ em ngày nay tiếp xúc với các thiết bị công nghệ và các nền tảng mạng xã hội từ rất sớm. Bên cạnh lợi ích thì các rủi ro với người trẻ hiện hữu rất rõ ràng, trong đó có thực trạng nói tục chửi bậy.
Thứ ba là khó khăn của gia đình và nhà trường trong nỗ lực để giáo dục học sinh về vấn đề nói tục, chửi bậy. Vấn đề học sinh nói tục, chửi bậy vẫn luôn thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, đặc biệt từ ngành giáo dục và phụ huynh. Nhiều phụ huynh tỏ ra bất ngờ, thậm chí khó tin, khi biết con mình có hành vi này. Học sinh có thể tỏ ra ngoan ngoãn, không nói tục khi có sự giám sát của người lớn. Tuy nhiên, ở những thời điểm khác, đặc biệt là trên mạng xã hội và trong các trò chơi trực tuyến, hành vi này lại tái diễn, trở thành một thách thức lớn trong việc quản lý và giáo dục.
Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc chia sẻ rằng, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là "tấm gương" phản ánh tư duy, tính cách và văn hóa của con người. Do đó, việc sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người nghe mà còn tạo ra những lệch lạc trong nhận thức về giao tiếp.
Hiện tượng học sinh nói tục, chửi bậy đang ngày càng phổ biến và có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở các em nhỏ. Những lời nói này chủ yếu xuất phát từ sự bắt chước. Trẻ nhỏ thường học theo những gì nghe được từ người lớn, bạn bè hoặc các nội dung trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông. Những giao tiếp không chuẩn mực trở thành "mẫu" để trẻ vô thức lặp lại, mà không hiểu hết ý nghĩa hay tác động của lời nói đó.
Đáng lo ngại hơn, trong môi trường học đường, việc học sinh nói tục đang dần được coi là bình thường. Với học sinh, việc bắt chước thần tượng hoặc những người xung quanh, đặc biệt là khi những ngôn từ không chuẩn mực được coi là "ngầu" hay "thời thượng" đã khiến hiện tượng này ngày càng lan rộng. Ngôn ngữ của giới trẻ đang chịu tác động mạnh mẽ từ các xu hướng và trào lưu trên mạng xã hội. Những cụm từ "theo trend", ngôn ngữ của "gen Z" hay lối nói tục, chửi bậy được xem như cách thể hiện sự đồng điệu với thời đại.
Đáng nói, nhiều nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội sẵn sàng chèn những câu nói tục tĩu ngay ở đầu video của mình để “câu like”, “câu view” và vẫn thu hút hàng triệu lượt xem và được giới trẻ bắt chước theo. Khi thiếu sự định hướng và nhận thức đúng đắn, học sinh dễ dàng tiếp thu và sử dụng những ngôn từ thiếu văn hóa như một thói quen.
Đây cũng là hệ quả của việc giáo dục về giao tiếp, ứng xử trong gia đình, nhà trường, xã hội còn nhiều bất cập, cần được quan tâm và cải thiện để hình thành thói quen giao tiếp văn minh cho thế hệ trẻ.
Người lớn trước hết cần là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo
Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc, người trẻ nói tục chửi bậy thường do tác động từ môi trường, tình huống giao tiếp hoặc muốn gây chú ý. Phụ huynh và giáo viên cần quan sát, đánh giá nguyên nhân để có cách uốn nắn phù hợp.
Đầu tiên, cần lắng nghe và đánh giá tình trạng của con trẻ. Cha mẹ và giáo viên có thể tạo cơ hội cho học sinh tự đánh giá hành vi của bản thân, chia sẻ khó khăn và nhận thức hậu quả thay vì áp đặt hay phán xét các em. Mỗi học sinh có một mức độ hành vi nói tục, chửi bậy và nguyên nhân khác nhau nên gia đình và nhà trường cần đánh giá học sinh ở đúng mức độ.
Sau đó, cha mẹ, giáo viên có thể đồng hành, hướng dẫn các em thay đổi bằng nhiều cách như dạy các em cách kiểm soát ngôn ngữ, lập phiếu theo dõi hành vi và từng bước cải thiện trong môi trường sống. Ngoài ra, nếu việc nhắc nhở nhẹ nhàng không đem lại hiệu quả, phụ huynh và nhà trường cần đưa ra những quy định cụ thể, thậm chí là có hình thức phạt phù hợp, có tính răn đe để đưa học sinh vào nề nếp, tránh tái phạm sai lầm.
Bên cạnh đó, trẻ nhỏ là tấm gương phản chiếu người lớn, tuy nhiên, nhiều cha mẹ, thậm chí là giáo viên trong lúc nóng giận, mất kiểm soát cũng có những lời lẽ chưa chuẩn mực, vô tình tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến các em. Vì thế, muốn uốn nắn, giáo dục thế hệ trẻ, người lớn cần làm gương trước để xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện cho học sinh phát triển về văn hóa.
Ngoài ra, ở một số địa phương, việc sử dụng từ ngữ chưa chuẩn mực có thể được xem là bình thường, vì thế, cần có các chương trình nâng cao nhận thức, thay đổi văn hóa giao tiếp cộng đồng.
Bàn về những giải pháp cụ thể từ phía gia đình, nhà trường để học sinh hạn chế tình trạng phát ngôn thiếu văn hóa, thầy Nguyễn Văn Duẩn cho hay: “Việc học sinh sử dụng các câu nói tục, chửi bậy trong các tình huống giao tiếp hàng ngày với bạn bè dù chỉ là “câu cửa miệng” hay thói quen trong nhóm bạn với nhau cũng góp phần gia tăng các hành vi lệch chuẩn khác, trong đó có bạo lực học đường. Bởi ở các tình huống ứng xử đó, các câu nói tục, chửi bậy có thể là ngòi nổ kích hoạt các mâu thuẫn, xung đột của học sinh vốn đang trong lứa tuổi khó kiểm soát cảm xúc hành vi.
Để điều chỉnh hành vi trong lời nói, giao tiếp của học sinh, gia đình và nhà trường cần có những biện pháp cụ thể để giáo dục con cái, học trò, thay vì chỉ nhắc nhở, trách mắng. Đối với gia đình, phụ huynh nên hiểu và quan tâm đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt là các đặc điểm tâm lý lứa tuổi ở mỗi giai đoạn.
Song song với đó, cha mẹ cần xây dựng và duy trì thói quen giao tiếp, kết nối trong gia đình từ mọi hoạt động sinh hoạt: ăn uống, dọn dẹp nhà cửa, học tập, du lịch,... góp phần hình thành thói quen trong việc đồng hành cùng nhau giữa cha mẹ và con cái.
Ngoài ra, phụ huynh cần thấu hiểu và tôn trọng “khoảng trời riêng mình” của con, thống nhất với con về giới hạn này trong gia đình và của mỗi thành viên.
Đối với nhà trường, cần xác định phương hướng thực hiện điều chỉnh hành vi ngôn ngữ của học sinh thông qua các hoạt động giáo dục có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng trong nhà trường (như giáo viên chủ nhiệm, bộ phận đoàn đội, phòng tâm lý học đường, các câu lạc bộ,...) và ngoài nhà trường (như phụ huynh học sinh, các trung tâm đào tạo kỹ năng sống,...).
Một số hoạt động nhà trường có thể triển khai để nâng cao nhận thức của học sinh trong việc sử dụng ngôn ngữ như: tuyên truyền thông qua các chương trình giáo dục đạo đức trong giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ,... Mặt khác, nhà trường có thể quan sát, đánh giá, lập danh sách học sinh có thói quen, tình trạng nói tục, chửi bậy để tổ chức thực hiện các buổi tham vấn nhóm cho học sinh nhằm nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng để giúp học sinh giảm thiểu tình trạng này theo quá trình và hình thành thói quen tốt trong giao tiếp”.
Trong khi đó, theo thầy Đặng Hoài Giang, để văn hóa ứng xử, giao tiếp được đưa vào trường học như một phần của giáo dục chính thức, thay vì chỉ được nhắc nhở thông qua kỷ luật cần có những giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, các nhà quản lý giáo dục và các thầy cô giáo nên trở thành một tấm gương về văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp. Đó là bài học không có trong chương trình chính khóa nhưng có hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Tấm gương của thầy cô được thể hiện qua lời nói, cử chỉ, hành động, trang phục, đặc biệt là trong cách cư xử với đồng nghiệp và với học sinh. Việc làm gương cũng cần được áp dụng trong môi trường gia đình với trách nhiệm làm gương trước hết thuộc về ông bà, bố mẹ.
Thứ hai, nên phát huy mô hình “nói không với điện thoại trong lớp học” mà một số tỉnh, thành phố đã áp dụng thành công trong vài năm trở lại đây. Đồng thời, khuyến khích học sinh chơi các trò chơi dân gian trong giờ ra chơi hoặc sau giờ học. Cách làm này giúp thầy cô và học sinh tương tác với nhau nhiều hơn, lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng nhau hơn. Đây là nền tảng quan trọng để học sinh dần hình thành được các khuôn mẫu ứng xử văn minh trong thế giới thực tế.
Thứ ba, thông qua các hình thức khác nhau như “giới thiệu sách hay”, thầy cô nên khuyến khích học sinh đọc sách, nhất là các sách đã được chọn lọc. Đọc sách là một trong những cách tốt nhất để người học phát triển, hoàn thiện vốn từ vựng, kỹ năng giao tiếp và văn hóa ứng xử. Thầy cô và phụ huynh cũng nên có thói quen đọc sách trước để làm gương cho học sinh.
Thứ tư, thông qua bài tập nhóm, giáo viên có thể cho học sinh xây dựng kịch bản và diễn lại các câu chuyện lịch sử hoặc các trích đoạn văn học của nước nhà có nội dung đề cao các giá trị nhân bản. Điều này không chỉ giúp học sinh hiểu và yêu lịch sử, văn hóa dân tộc hơn, mà còn tự thấm nhuần những giá trị và cách ứng xử đẹp trong cuộc sống.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam mong muốn nhận được các bài viết từ chính các em học sinh, sinh viên, thầy cô, quý độc giả chia sẻ quan điểm, góp ý giải pháp làm sao để hạn chế việc nói tục, chửi bậy trong một bộ phận giới trẻ, học sinh hiện nay, từ đó nhân lên lối sống đẹp trong học sinh, nhà trường và xã hội nói chung. Bài viết vui lòng gửi về mail toasoan@giaoduc.net.vn.