Lan tỏa nét đẹp Tết trồng cây
Phát huy truyền thống tốt đẹp 'Mùa xuân là tết trồng cây' và Đề án trồng 1 tỷ cây xanh theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, dịp đầu xuân năm mới nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức phát động 'Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ' xuân Ất Tỵ 2025.
Sôi nổi hưởng ứng
Sáng ngày 3/2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Ất Tỵ), tại Trung đoàn 82, Sư đoàn 355, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã có mặt từ sớm tham gia hưởng ứng chương trình “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Ất Tỵ năm 2025.
Trung tá Bùi Ngọc Tuyến, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 82 cho biết, đây là một trong số các hoạt động thường niên được đơn vị tổ chức nhiều năm qua, vào mỗi dịp đầu xuân mới. Thông qua tổ chức Tết trồng cây nhằm duy trì nét đẹp truyền thống của dân tộc; đồng thời tạo khí thế hứng khởi, thi đua sôi nổi, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm nay, đơn vị sẽ tiến hành trồng hơn 1.000 cây xanh, bao gồm cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây bóng mát… góp phần củng cố cảnh quan môi trường, xây dựng đơn vị sáng - xanh - sạch - đẹp. Do làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nên 100% cán bộ chiến sĩ toàn đơn vị xác định rõ trách nhiệm bản thân, tích cực tham gia hưởng ứng phong trào.
Trung úy Lò Văn Trường, Chính trị viên phó Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 82 chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất tự hào khi được tham gia Tết trồng cây tại đơn vị. Qua hoạt động này, mỗi cán bộ, chiến sĩ càng thấm thía hơn lời dạy của Bác Hồ về ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng. Mỗi cây xanh được trồng thêm sẽ góp phần quan trọng vào việc làm sạch bầu không khí, chống xói mòn. Qua đó bồi đắp tình yêu của mỗi người với cây xanh và tài nguyên rừng”.
Với tinh thần trồng cây gây rừng, sáng 4/2, tại xã biên giới Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ), hàng trăm mầm xanh đã được cán bộ, nhân dân và chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Nhừ vun trồng. Thiếu tá Nguyễn Đình Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Nhừ lý giải, nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn xưa nay vẫn quen với “phá rừng làm nương” hơn là “trồng cây gây rừng”. Do vậy, việc cán bộ, người dân tích cực hưởng ứng hoạt động Tết trồng cây do đơn vị tổ chức là sự chuyển biến đáng ghi nhận.
“Cùng với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, thời gian tới chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân khu vực biên giới trong bảo vệ môi trường, trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng” - Thiếu tá Hùng cho hay.
Nhằm phát huy giá trị và giáo dục thế hệ trẻ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh duy trì tốt hoạt động Tết trồng cây mỗi dịp đầu xuân. Tại Trường THPT Lương Thế Vinh (TP. Điện Biên Phủ),Tết trồng cây năm nay diễn ra vào đúng ngày toàn thể giáo viên, học sinh trở lại trường. Không chỉ tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, trực tiếp trồng cây trong khuôn viên trường, mỗi học sinh còn được nghe và hiểu hơn về lịch sử, ý nghĩa Tết trồng cây. Từ câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát động “Tết trồng cây” lần đầu tiên năm 1959, đến nay đã trở thành phong trào lan tỏa khắp các địa phương trong cả nước.
“Với em, đây thực sự là một ngày hội để thầy và trò nhà trường cùng thi đua trồng và chăm sóc cây xanh. Chúng em được hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa và sứ mệnh của mỗi mầm xanh khi được gieo xuống đất là để bảo vệ môi trường sống của con người. Từ đó thêm yêu và có ý thức hơn trong việc bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường” - em Lữ Ngọc Phương Anh, lớp 8R chia sẻ.
Phủ xanh đất trống, đồi trọc
Tỉnh Điện Biên có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhưng có tới gần 280.000ha đất lâm nghiệp chưa có rừng. Những năm gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tích cực trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Nhiều giống cây trồng lâu năm đã được đưa lên vùng đồi núi trọc theo dự án trồng rừng. Để bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có và khôi phục vùng rừng đã bị mất, UBND tỉnh nỗ lực triển khai, quy hoạch 3 loại rừng và giao đất, giao rừng cho cộng đồng người dân khoanh nuôi bảo vệ, tái sinh rừng và trồng rừng.
Theo đó, mỗi năm các huyện, thị, thành phố trên toàn tỉnh được giao trồng từ 400 - 500ha rừng, nguồn vốn được cấp từ ngân sách hoặc nguồn của các dự án trồng rừng thay thế. Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm héc-ta đất trống, đồi núi trọc được phủ xanh từ nguồn vốn của các dự án trồng rừng thay thế. Riêng năm 2024, toàn tỉnh trồng được 946,16ha rừng tập trung, đạt 209,8% kế hoạch; trồng gần 297,8 triệu cây phân tán, đạt 930,47% kế hoạch; góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng năm 2024 đạt 44,5%.
Tại huyện Điện Biên, thực hiện chương trình trồng một tỷ cây xanh, giai đoạn 2021 - 2025, các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân trong huyện đã tích cực tham gia phong trào trồng cây gây rừng, góp phần xây dựng địa phương phát triển toàn diện, bền vững, bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp.
Với phương châm trồng cây phải phù hợp từng địa điểm, điều kiện từng nơi, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng, nâng cao năng suất, chất lượng việc trồng rừng gắn với bảo vệ tài nguyên rừng hiện có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Lò Văn Chựa, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên chia sẻ: “Xuân Ất Tỵ năm nay người dân hân hoan hơn với nhiều tuyến đường khang trang, sạch đẹp. Gia đình tôi cũng góp phần làm đẹp đường làng, ngõ xóm bằng việc trồng thêm một số cây hoa trước cổng nhà. Tuy chỉ là việc làm rất nhỏ song cũng góp phần làm sạch môi trường sống”.
Năm nay, Tết trồng cây được khởi động từ ngày 3/2 và diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương, đơn vị suốt những ngày qua. Đây cũng là hoạt động tích cực hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Nhằm đảm bảo tỷ lệ cây sống, sinh trưởng và phát triển tốt, các cơ quan, đơn vị xác định địa điểm trồng cây, chọn loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, như: cây hoa ban, hoa anh đào và các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây bóng mát… Đồng thời, phân công rõ trách nhiệm duy trì các hoạt động chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao.
“Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ lời kêu gọi năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể nói đến nay Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp truyền thống, là sự khởi đầu cho công tác trồng cây gây rừng hằng năm của các ngành, các cấp trong tỉnh.
Hà Linh