Lan tỏa hành động thiết thực bảo vệ môi trường
Sống xanh, tiêu dùng xanh đang dần trở thành xu hướng chung của toàn xã hội. Ðây là cơ sở quan trọng để triển khai các giải pháp tích cực, hiệu quả, tạo sự chuyển biến từ ý thức đến hành động của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường.
Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, những năm qua, Hà Nội luôn chú trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Cùng với công tác vận động, tuyên truyền, nhiều quận, huyện, khu dân cư trên địa bàn thành phố có những cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả thiết thực từ các mô hình.
Tại Tổ dân phố số 11 phường Bưởi, quận Tây Hồ những ngày cuối tuần hoặc các dịp lễ, Tết, mặc dù bận rộn nhưng người dân vẫn thu xếp thời gian, cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, bóc biển quảng cáo rao vặt và chỉnh trang những bức tường đã ngả mầu thời gian.
Ðiểm đặc biệt ở Tổ dân phố số 11 là các mô hình bảo vệ môi trường luôn thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình từ người dân. Chính việc tham gia vào mô hình này đã giúp người dân thay đổi tích cực trong ý thức và hành động, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhắc nhở những người chung quanh cùng tham gia.
Bà Trần Thị Hòa, hội viên phụ nữ phường cho biết: "Sau khi dọn dẹp hết rác thải, chúng tôi ghi biển cấm đổ rác, đồng thời đặt chậu hoa, cây cảnh tại các điểm. Hai tháng đầu, chúng tôi phân công hội viên trực theo các ca để nhắc nhở người dân không vứt rác tại khu vực. Ðến nay, người dân đã thay đổi được thói quen, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi. Ðể đạt được kết quả nêu trên, chúng tôi đã linh hoạt trong từng hoạt động triển khai, từ lựa chọn thời điểm đến hình thức tuyên truyền sao cho phù hợp".
Không chỉ dừng lại ở việc cải tạo, xóa những điểm chân rác, hiện nay trên địa bàn Thủ đô, mô hình "Ngõ văn minh đô thị" và "Tuyến ngõ văn minh đô thị kiểu mẫu" đã được nhân rộng.
Thời gian qua, phong trào "Phụ nữ Thạch Thất chung tay bảo vệ môi trường" đã lan tỏa trong cộng đồng với nhiều hoạt động thiết thực. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên trong toàn huyện tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường bằng các hoạt động cụ thể; phát động phong trào, triển khai các công trình, phần việc bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình làn nhựa đi chợ, đoạn đường nở hoa, nâng cao hiệu quả mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản, phân loại rác thải tại hộ gia đình. Tiếp tục triển khai cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong đó, chú trọng triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn, trao thùng rác nhựa tặng các hộ gia đình.
Thực tế cho thấy, nhiều giải pháp, cách làm hay được triển khai nhằm bảo vệ môi trường tại các địa phương, nhưng do nhiều nguyên nhân, nhất là áp lực ngày càng lớn về tốc độ đô thị hóa nhanh khiến cho công tác bảo vệ môi trường còn rất nhiều bất cập.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng nan giải này là do gia tăng lượng chất thải sinh hoạt, trong khi đó, việc thu gom và xử lý chưa triệt để. Trung bình mỗi ngày Hà Nội có khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt nhưng chỉ thu gom, xử lý đạt từ 80-85%. Số rác thải tồn đọng bị đổ bừa bãi dẫn đến môi trường bị ô nhiễm khá nghiêm trọng.
Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng-Xanh-Sạch-Ðẹp của thành phố. Trong đó, nổi bật là thành phố tổ chức rộng khắp, liên tục, thường xuyên các phong trào: Chương trình "Cuối tuần xanh"; mô hình "Phân loại rác thải tại nguồn"; tổ chức chiến dịch "Hồi sinh sông hồ Hà Nội", "Ven hồ không rác", "Ngày hội quanh hồ"; tái sinh không gian công cộng ven sông, hồ; cùng Hành động vì bầu không khí sạch, thành phố xanh.
Thành phố thực hiện các chính sách khuyến khích, trợ giá lắp đặt hệ thống thoát nước cho các hộ gia đình khó khăn, khu vực khó tiếp cận; chính sách khuyến khích xử lý nước thải tại nguồn. Thành phố ứng dụng công nghệ số, phát triển ứng dụng hoặc cổng thông tin để người dân báo cáo nhanh các điểm xả thải trái phép, tắc nghẽn cống rãnh, hoặc ô nhiễm nước mặt; xây dựng cơ chế thưởng cho người dân cung cấp thông tin hữu ích về các vi phạm liên quan xả thải…
Ðể làm tốt công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi người dân trên địa bàn thành phố cần thường xuyên, liên tục thực hiện các phong trào thi đua ở khu dân cư; tuyệt đối tránh tình trạng làm theo kiểu hình thức, rồi lại bỏ ngang hoặc cầm chừng... Cách thức thực hiện phải thiết thực, có sự tham gia của toàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, đoàn thể, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong đời sống nhân dân Thủ đô. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra, có biện pháp xử lý đối với những hành vi vi phạm về môi trường.