Đam Rông 20 năm chuyển mình

Hôm nay, Đam Rông đang khoác lên mình tấm áo mơ ước của người dân nơi đây cách đây 20 năm.

Ngày 17/11/2004, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng được "khai sinh" từ việc chia tách 5 xã vùng xa của huyện Lâm Hà và 3 xã vùng sâu của huyện Lạc Dương. Một vùng đất xa xôi, tách biệt khỏi trung tâm kinh tế của tỉnh và các địa phương khác đã đặt ra những rào cản lớn trong việc kết nối giao thương, vận chuyển hàng hóa và tiếp cận các nguồn lực cần thiết để phát triển. Ngày ấy, hạ tầng giao thông, điện, nước, y tế và giáo dục vô cùng thiếu thốn. Đây không chỉ là rào cản đối với đời sống sinh hoạt của người dân, mà còn đặt ra thách thức lớn cho lãnh đạo chính quyền địa phương.

Con đường dẫn vào UBND huyện Đam Rông vừa mới được xây dựng khang trang.

Con đường dẫn vào UBND huyện Đam Rông vừa mới được xây dựng khang trang.

Với xuất phát điểm là một huyện nông nghiệp, kinh tế Đam Rông chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp truyền thống, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm phần đa. Công nghiệp và dịch vụ gần như bằng không, chứ chưa dám nghĩ đến câu “công nghiệp chế biến phải gắn kết với sản xuất nông nghiệp, giúp gia tăng giá trị nông sản”. Sản xuất công nghiệp mang tính chất nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu tại chỗ và thiếu sự liên kết với thị trường.

Phần lớn dân cư Đam Rông là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) (65% dân số), sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa. Điều kiện sống còn nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh và nghề nghiệp không ổn định, tình trạng đói nghèo kéo dài và tâm lý trông chờ, ỷ lại. Lúc bấy giờ, đây là 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 2,6 triệu đồng/năm, trong khi tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 73%, đa số là hộ nghèo đồng bào DTTS. Đời sống phần lớn dựa vào rừng, với tập quán du canh, du cư kéo dài.

Các đại biểu về dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập huyện.

Các đại biểu về dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập huyện.

Thêm vào đó, “làn sóng” di cư tự do từ phía Bắc đổ về làm gia tăng áp lực lên tài nguyên thiên nhiên, những cánh rừng xanh dần trở thành nương rẫy, khiến việc ổn định kinh tế - xã hội trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Điều đó đồng nghĩa với chất lượng nguồn nhân lực, lao động được đào tạo là con số không tròn trĩnh. Điều này càng gia tăng áp lực cho Đảng bộ và chính quyền mới thành lập, nhất là trong bối cảnh thiếu thốn trụ sở, nhân lực khó khăn, nhiều cán bộ không thể trụ lại.

Không chỉ đối mặt với những khó khăn về kinh tế, hạ tầng và đời sống, huyện còn chịu thách thức lớn trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Ở những thôn, bản xa xôi, dân cư chủ yếu là đồng bào DTTS, sinh sống rải rác trong các khu vực hẻo lánh, thiếu thốn vật chất và trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc tham gia vào tổ chức Đảng. Tại nhiều thôn, bản, tình trạng “trắng đảng viên” đặt ra những rào cản lớn trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Sau hai thập kỷ nỗ lực không ngừng, huyện Đam Rông đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với những bước tiến vượt bậc, thu được nhiều thành tựu đáng tự hào trong phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng, giáo dục, quản lý nhà nước… đánh dấu một chặng đường chuyển mình đầy tự hào. Diện mạo của huyện đã có sự thay đổi rõ nét, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững, ổn định. Những kết quả này không chỉ phản ánh sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện, mà còn minh chứng cho hướng đi đúng đắn trong quá trình hình thành và phát triển.

Tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang chào đón đại biểu.

Tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang chào đón đại biểu.

Quy mô nền kinh tế của huyện đã đạt 7.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người vượt 51,6 triệu đồng/năm, tăng hàng chục lần so với năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 giảm còn 2,64% là minh chứng rõ nét cho sự cải thiện về mức sống của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Đáng chú ý, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2024 ước đạt hơn 112 tỷ đồng, tăng gấp 150 lần so với năm 2005, một con số đầy ấn tượng, phản ánh tiềm năng kinh tế ngày càng được khai thác hiệu quả.

Cơ cấu kinh tế của Đam Rông có sự chuyển biến rõ nét theo hướng hiện đại và bền vững. Tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản giảm từ 76,7% năm 2005 xuống còn 49,06% năm 2024, trong khi công nghiệp - xây dựng tăng từ 4,4% lên 22,11% và dịch vụ tăng mạnh từ 18,8% lên 28,82%. Những chuyển dịch này khẳng định sự ổn định và hướng phát triển tích cực của nền kinh tế huyện qua từng năm.

Nhiều đại biểu phấn khởi chào đón sự kiện.

Nhiều đại biểu phấn khởi chào đón sự kiện.

Từ một nền nông nghiệp tự cung tự cấp, Đam Rông đã chuyển mình mạnh mẽ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn kết các khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm nhờ vậy tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Ba tiểu vùng chuyên canh nông nghiệp đã được hình thành, khai thác tối đa tiềm năng tự nhiên của vùng, tạo động lực phát triển bền vững cho địa phương.

Nhiều con đường rợp cờ hoa chào đón ngày trọng đại.

Nhiều con đường rợp cờ hoa chào đón ngày trọng đại.

Hệ thống giao thông trên địa bàn đã được đầu tư, nâng cấp toàn diện với các tuyến đường bê tông, nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và giao thương. Hiện, 99,2% hộ dân đã được sử dụng điện, và 93,5% hộ dân được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đảm bảo điều kiện sống ngày càng tốt hơn. Tất cả 8/8 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, đánh dấu sự thay đổi toàn diện trong cơ sở hạ tầng và chất lượng cuộc sống.

Sau 20 hình thành và phát triển Đam Rông ngày càng "thay da đổi thịt".

Sau 20 hình thành và phát triển Đam Rông ngày càng "thay da đổi thịt".

Giáo dục huyện Đam Rông đã có những bước tiến vượt bậc, với 32/34 trường từ mầm non đến trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 94,1%. Đặc biệt, huyện tự hào khi một học sinh xuất sắc giành giải Nhất Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp quốc gia và đại diện Việt Nam tham gia Hội thi Khoa học - Kỹ thuật Quốc tế (ISEF) tại Hoa Kỳ năm 2024.

Công tác cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những chuyển biến đáng kể, đi sâu vào thực chất và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch, gần gũi và hiệu quả. Đây chính là nền tảng vững chắc để củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền địa phương.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục được triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều mô hình gia đình văn hóa được nhân rộng, tạo nên những điểm sáng trong đời sống cộng đồng. Đặc biệt, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được chú trọng, giúp khôi phục và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, giữ gìn giá trị văn hóa độc đáo của địa phương cho thế hệ mai sau.

Thực hiện: Lê Hiếu

Lê Hiếu

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/dam-rong-20-nam-chuyen-minh-465789.html
Zalo