Lan tỏa di sản Hồ Chí Minh qua ngoại giao nhân dân
Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), chúng tôi có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Carolus Wimmer, Bí thư Đối ngoại của Đảng Cộng sản Venezuela, Chủ tịch Ngôi nhà Hữu nghị Venezuela-Vietnam.

Tiến sĩ Wimmer. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Trong cuộc trò chuyện, Tiến sĩ Wimmer chia sẻ những góc nhìn về việc phổ biến di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ông chỉ ra những điểm tương đồng cốt lõi giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng giải phóng dân tộc Simon Bolivar về lý tưởng độc lập, tự do và công bằng xã hội, đồng thời khẳng định đây là nền tảng cho ngoại giao nhân dân ở hai quốc gia Venezuela và Việt Nam.
Ông cũng nhấn mạnh quan điểm chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng giải phóng dân tộc Simon Bolivar về vai trò trung tâm của giáo dục và báo chí đối với quần chúng nhân dân.
Nhìn lại quá trình hợp tác giữa Venezuela và Việt Nam trong lĩnh vực giao lưu văn hóa và giáo dục, Tiến sĩ Wimmer đánh giá cao hiệu quả của các chương trình đã và đang được thực hiện, đồng thời nêu bật sự cần thiết của việc hợp tác sâu rộng hơn.
Để tiếp cận nhiều hơn với giới trẻ, ông cho biết, Ngôi nhà Hữu nghị Venezuela-Việt Nam sẽ sớm khai trương Trường Lý luận chính trị Hồ Chí Minh và tổ chức thêm nhiều hoạt động về văn hóa, ngôn ngữ. Ông Wimmer bày tỏ hy vọng về vai trò của thế hệ trẻ hai nước trong việc kế thừa di sản này thông qua các chương trình hợp tác, nhất là trong thời đại số.
Phóng viên: Tiến sĩ Wimmer có thể phân tích những điểm tương đồng cốt lõi giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và Simon Bolivar về khát vọng độc lập, tự do và công bằng xã hội? Theo ông, những điểm tương đồng này đóng góp thế nào trong hoạt động ngoại giao nhân dân?
Tiến sĩ Wimmer: Hồ Chí Minh - người được tôn vinh là “Người soi sáng” - vẫn tỏa sáng trong tâm khảm của các dân tộc yêu chuộng tự do trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng giải phóng dân tộc Simon Bolivar là hai nhà cách mạng lỗi lạc, đã đi muôn dặm trên hành trình cách mạng, viết nên hàng nghìn trang sách để truyền bá tư tưởng, cho tới khi đạt được lý tưởng giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng giải phóng dân tộc Simon Bolivar xứng đáng nhận được sự kính trọng và ngưỡng mộ của toàn thể nhân dân.

CAVV phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela tổ chức lễ đặt vòng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại lộ Bolívar ở thủ đô Caracas. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Chúng ta có thể thấy nhiều điểm tương đồng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng giải phóng dân tộc Simon Bolivar về phong cách lãnh đạo, quan điểm về tầm quan trọng của giáo dục với trọng tâm là đạo đức, về vai trò của báo chí như công cụ định hướng quần chúng nhân dân…
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Simon Bolivar là những anh hùng giải phóng dân tộc, nhà sáng lập nền cộng hòa, đồng thời là chiến lược gia về quân sự, với mục tiêu giành độc lập, tự do và công bằng xã hội.
Vai trò lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng giải phóng dân tộc Simon Bolivar trong tiến trình cách mạng tại Việt Nam và Venezuela có thể lý giải từ quan điểm của nhà triết học mác-xít Nga Georgi Plejanov, qua tác phẩm “Vai trò của cá nhân trong lịch sử” (1898).
Plejanov viết: “Con người vĩ đại là người tiên phong vì nhìn xa hơn và khao khát mạnh mẽ hơn người khác. Họ giải các bài toán lịch sử đã được đặt ra từ trước. Họ nhận thấy những nhu cầu xã hội mới nảy sinh từ các quan hệ xã hội cũ và chủ động tìm cách đáp ứng những nhu cầu đó. Họ là anh hùng, không phải vì có thể xoay chuyển dòng chảy tự nhiên của lịch sử, mà bởi hành động của họ là biểu hiện có ý thức và tự do của một tiến trình khách quan và tất yếu. Chính ở điểm này mà tầm vóc và sức mạnh vĩ đại của họ được thể hiện”.
Để thực hiện mục tiêu độc lập, tự do và công bằng xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng giải phóng dân tộc Simon Bolivar đều cho rằng, giáo dục nhân dân là then chốt.
“Tri thức là hạnh phúc của đời người”, Simon Bolivar viết trong bức thư gửi em gái năm 1825 như vậy. Ông còn khẳng định: “Một người không học vấn là người chưa trọn vẹn” và “Các quốc gia sẽ tiến tới vinh quang với tốc độ của nền giáo dục”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thì khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa”, tức là giáo dục phải tạo nên những con người “vừa có tài vừa có đức”.
Theo tư tưởng của Anh hùng giải phóng dân tộc Simon Bolivar thì “Đạo đức và ánh sáng là hai trụ cột của nền cộng hòa. Đạo đức và ánh sáng là nhu cầu đầu tiên của chúng ta”. Ông cũng nhấn mạnh rằng, tài năng nếu không đi cùng phẩm hạnh thì là tai họa.
Tài và đức chính là tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục. Theo Người, sản phẩm của nền giáo dục phải là những con người “biết học để làm, học làm người, học làm cán bộ”.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh - vốn rất gần với tư tưởng Simon Bolivar, được người dân Venezuela đồng tình - hệ thống giáo dục mới phải là nền giáo dục toàn diện, đào tạo nên những công dân hữu ích cho đất nước. Nội dung giáo dục bao gồm: Giáo dục thể chất (khỏe mạnh, vệ sinh cá nhân), giáo dục trí tuệ (ôn cũ, học mới), giáo dục thẩm mỹ (biết phân biệt tốt, xấu), giáo dục đạo đức (yêu nước, yêu người, yêu lao động, yêu khoa học, yêu tài sản công). Sự kết hợp nhuần nhuyễn của 4 yếu tố này sẽ đào tạo ra những con người vừa có đủ tài, đủ đức để phát triển năng lực cá nhân một cách toàn diện.
Điểm tương đồng nữa giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng giải phóng dân tộc Simon Bolivar là về vai trò của truyền thông đại chúng.
Năm 1818, Simon Bolivar cho ra đời tờ báo “Correo del Orinoco”, trở thành công cụ trọng yếu để truyền bá thông tin trong cuộc chiến tranh giành độc lập. Ông cho rằng báo chí hữu ích chẳng kém gì vũ khí, và gọi báo chí là “pháo binh của tư tưởng”.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí là một vũ khí quan trọng trong đấu tranh cách mạng. Ở Paris (Pháp), Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia sáng lập báo "Le Paria" (Người cùng khổ, với số báo đầu tiên ra ngày 1/4/1922). Ở Trung Quốc, Người sáng lập tờ báo “Thanh niên”, với số đầu tiên ra ngày 21/6/1925.
Những điểm tương đồng trong tư tưởng Simon Bolivar và tư tưởng Hồ Chí Minh đóng góp quan trọng vào việc xây dựng những sáng kiến, chương trình cụ thể, góp phần củng cố và phát triển ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Venezuela.
Phóng viên: Với vai trò Chủ tịch Ngôi nhà Hữu nghị Venezuela-Vietnam, ông đánh giá thế nào về các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao và học thuật đã được tổ chức?
Tiến sĩ Wimmer:Chúng ta mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu trong việc hiện thực hóa các chương trình giao lưu trong khuôn khổ ngoại giao nhân dân. Những chương trình thiết thực cần tiếp tục được xây dựng từ chính cơ sở quần chúng. Tại Venezuela, chúng tôi thúc đẩy mô hình mà trong đó các chương trình được đề xuất, thảo luận và quyết định tại cộng đồng cơ sở.
Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, song thời gian tới, chúng ta sẽ đạt được thành công khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Hữu nghị Venezuela-Việt Nam (CAVV), Đại sứ quán và khu vực tư nhân - gồm các doanh nghiệp Venezuela và Việt Nam - với vai trò đồng hành và tài trợ cho những chương trình do CAVV đề xuất.
Phóng viên: Ông đã sử dụng những kênh truyền thông nào để giới thiệu di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến công chúng Venezuela? Theo ông, đâu là yếu tố quyết định để thông điệp ấy chạm đến trái tim người trẻ?
Tiến sĩ Wimmer: Đây là câu hỏi rất thiết thực. Chúng tôi bắt đầu một cách khiêm tốn với bản tin chính thức của CAVV mang tên “Juntos con Viet Nam” (Cùng Việt Nam). Đồng thời, chúng tôi tận dụng mạng xã hội, tham gia các hệ thống phát thanh quan trọng, và tổ chức các buổi hội thảo về nhiều khía cạnh trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như các vấn đề thời sự của Việt Nam, đặc biệt chú trọng quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa, một mục tiêu mà chúng tôi coi là thiết yếu.
Việc khơi dậy sự quan tâm của giới trẻ Venezuela đối với Việt Nam là công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng không phải là điều bất khả thi. Tại CAVV, chúng tôi xây dựng kế hoạch kết nối thông qua các trường đại học, như thỏa thuận hợp tác với Đại học Lực lượng Vũ trang (UNEFA), nơi đã thành lập bộ môn chuyên nghiên cứu văn hóa Việt Nam.
Đồng thời, CAVV triển khai các hoạt động tương tự tại các khu dân cư lao động ở Caracas, hướng tới phạm vi toàn quốc. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa-thể thao, kết hợp những hội thảo nhằm bồi dưỡng lý luận chính trị cho thanh thiếu niên và cộng đồng.
Trụ sở chính của CAVV, sắp tới sẽ là nơi hoạt động của Trường Lý luận chính trị Hồ Chí Minh, dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Tại đây, chúng tôi dự kiến mở các khóa học về tiếng Việt, múa dân gian, ẩm thực và võ thuật Vovinam của Việt Nam - những hoạt động có sức hút mạnh mẽ với thế hệ trẻ.
Đơn cử, chúng tôi đã tổ chức thành công hai khóa tiếng Việt cơ bản với sự tham gia của 50 học viên. Tuy nhiên, do thiếu giáo viên nên chưa thể tiếp tục, song chúng tôi tin rằng, khó khăn này hoàn toàn có thể được khắc phục trong tương lai gần.
Phóng viên: Trong quá trình lan tỏa tư tưởng Hồ Chí Minh tại Venezuela, Ngôi nhà Hữu nghị Venezuela-Vietnam gặp những trở ngại nào về sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa…? Ông có thể chia sẻ giải pháp cụ thể để biến thách thức thành cơ hội kết nối?
Tiến sĩ Wimmer: Tại Venezuela, nhân dân luôn dành sự tôn trọng và ngưỡng mộ sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam. Dù có sự khác nhau về văn hóa, song điều đó không tạo ra rào cản, mà trái lại còn khơi dậy sự hiếu kỳ, tò mò tích cực.
Khó khăn đáng kể nhất có lẽ là vấn đề ngôn ngữ. Chính vì vậy, chúng tôi đã xuất bản bản tin kỹ thuật số “Juntos con Viet Nam”, nơi đăng tải lại các tài liệu chính trị xưa và nay. Để làm được điều đó, chúng tôi thường xuyên khai thác báo chí Việt Nam và các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là Tạp chí Cộng sản. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng nhận được thêm nhiều tài liệu, tạp chí, sách vở để phục vụ cho các chương trình học thuật của CAVV.
CAVV còn tham gia các chương trình đào tạo dành cho Lực lượng Vũ trang Quốc gia Bolivariana (FANB), nhất là trong các nội dung liên quan lịch sử và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Phóng viên: Nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông kỳ vọng thế hệ trẻ Việt Nam và Venezuela sẽ học hỏi và tiếp nối di sản tư tưởng Hồ Chí Minh như thế nào thông qua các chương trình giáo dục và trao đổi văn hóa? Ông có đề xuất cụ thể nào để hiện thực hóa tầm nhìn đó, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ số?
Tiến sĩ Wimmer: Chúng tôi đã đề cập việc Trường Lý luận chính trị Hồ Chí Minh sắp được khánh thành, và đây sẽ là một trung tâm có vai trò quyết định trong tiến trình ấy. Nếu vượt qua được rào cản về ngôn ngữ, chúng ta hoàn toàn có thể triển khai những chương trình hấp dẫn do Hội Hữu nghị Việt Nam-Venezuela (AAVV) tại Hà Nội và Hội Hữu nghị Venezuela-Việt Nam (CAVV) tại Caracas tổ chức.
Hai tổ chức này, với sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân, cần trở thành lực lượng tiên phong trong các nhiệm vụ ngoại giao nhân dân giữa Venezuela và Việt Nam.