Tuổi 98 của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Ở tuổi xưa nay hiếm, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trò chuyện cùng chúng tôi về thời gian hoạt động cách mạng, những nhìn nhận về tương lai đất nước cũng như thế hệ trẻ.

Trong căn phòng ấm áp giữa trung tâm Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ngồi ở sofa chờ chúng tôi. Bà mặc chiếc áo vest trắng ngà, mái tóc bạc phơ với gương mặt hồng hào. Cuộc hẹn này - mà rất may mắn chúng tôi, những phóng viên báo VietNamNet, có được - diễn ra đúng dịp sinh nhật lần thứ 98 của bà (ngày 26/5).

Với chất giọng miền Trung và đôi lúc là những câu đùa hóm hỉnh, bà khiến cuộc trò chuyện trở nên thân mật, ấm cúng.

NGÀY KÝ HIỆP ĐỊNH, TRỜI PARIS HỬNG NẮNG

Thời gian gần đây, vào các dịp lễ kỷ niệm lớn của đất nước, những video, hình ảnh của bà thời điểm tham gia đàm phán Hiệp định Paris cách đây hơn 50 năm được chia sẻ lại rất nhiều trên mạng xã hội. Cuốn hồi ký "Gia đình, bạn bè và đất nước" của bà mới đây tiếp tục được tái bản và rất được đón nhận. Bà cảm thấy thế nào về những điều này?

- Tôi viết cuốn hồi ký này cách đây gần 20 năm rồi, đã chỉnh sửa mấy lần, lần gần đây nhất là gần vào dịp nước ta kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Cuốn sách gói gọn những sự kiện chính, suy nghĩ, tâm tình của tôi trong suốt năm tháng hoạt động cách mạng và sau này, khi đất nước thống nhất, hòa bình. Ngoài ra, tôi có viết một số bài trên báo.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Tôi rất vui khi những hình ảnh, bài báo và cuốn hồi ký được độc giả đón nhận, trong đó có các bạn trẻ. Nếu tìm đọc những tài liệu đó, tôi hy vọng các bạn trẻ có thể rút ra được những kinh nghiệm nào đó cho công việc và cuộc sống.

Là người phụ nữ duy nhất tham gia đàm phán 4 bên, khi đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris mang tính lịch sử, thay đổi vận mệnh của đất nước và dân tộc, bà có suy nghĩ gì?

- Cuối năm 1968, tôi được chỉ thị của Đảng là tham gia đàm phán ở Paris. Tôi rất cảm ơn các đồng chí lãnh đạo đã có sự tin cậy, giao cho tôi trọng trách lớn. Đây có lẽ là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử thế giới, khi diễn ra từ năm 1968 đến 1973. Ngày rời Hà Nội, tôi không ngờ “chuyến công tác đặc biệt” này lại dài đến thế.

Làm trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán, tôi có nhiều thuận lợi.

Đầu tiên là cuộc đấu tranh của nhân dân ta, đất nước ta hết sức anh dũng, khi một nước nhỏ, đứng lên chống lại sự áp bức, xâm lược của một nước lớn. Tiếp đó là sự ủng hộ của các nước và bạn bè quốc tế. Bạn bè thế giới rất khâm phục, ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta, họ có cảm tình với người dân Việt Nam, cảm tình với những người đại diện cho nhân dân Việt Nam tham dự hội nghị.

Tuy tuổi cao nhưng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vẫn rất tâm huyết đọc lại, tự tay biên tập bổ sung từng câu chữ, hình ảnh trong cuốn hồi ký. Hồi ký tái bản được độc giả rất hoan nghênh, và đến bây giờ vẫn tiếp tục được in. ThS Phạm Thị Ngọc Bích (NXB Chính trị quốc gia Sự thật)

Đáng lẽ cuộc họp trù bị hội nghị 4 bên bắt đầu từ ngày 6/11/1968, nhưng phía Mỹ lấy lý do chính quyền Sài Gòn chưa đến nên chưa họp. Một cái cớ để họ trì hoãn nữa là về thủ tục, mà nổi lên là hình thù cái bàn, cách phân chia chỗ ngồi. Đấu tranh về cái bàn - trong lịch sử đấu tranh ngoại giao thế giới chưa bao giờ có kiểu bắt đầu đặc biệt như thế.

Đối với mỗi anh chị em chúng tôi trong 2 đoàn đàm phán, ngày 27/1/1973 là ngày không thể nào quên. Trước đó, cả 2 đoàn phải tập trung hoàn thành văn kiện, kể cả việc rà soát, in ấn. Chúng tôi làm việc mệt mỏi cho đến tận khuya nhưng vẫn vui...

Chúng tôi được bạn bè ở Paris và các tỉnh, bạn bè mấy nước lân cận gọi điện, gửi lẵng hoa chúc mừng thắng lợi.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973 tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973 tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN

Ngày ký hiệp định, trời Paris hửng nắng, các đoàn lần lượt đến đại lộ Kléber. Hai bên hè đường và trước cửa Trung tâm hội nghị quốc tế, người dân đứng đông nghịt giữa rừng cờ đỏ sao vàng và cờ sao vàng trên nền nửa đỏ, nửa xanh, tưng bừng vẫy gọi, chào đón chúng tôi.

Đến khi đặt bút ký với tư cách là đại diện của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đại diện cho đồng bào miền Nam đang chiến đấu, tôi vừa xúc động vừa cảm thấy vô cùng vinh dự. Tôi nghĩ đến miền Nam, nghĩ đến đồng bào, đồng chí, đến gia đình, bạn bè trên cả hai miền Nam - Bắc...

Hiệp định Paris là thắng lợi có tính quyết định đi đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là kết quả của gần 20 năm chiến tranh ác liệt, gian khổ của cả dân tộc.

Tôi vô cùng biết ơn Bác Hồ và cảm ơn lãnh đạo Đảng, Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời đã tin cậy giao cho tôi một nhiệm vụ khó khăn nhưng rất vẻ vang này.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình là một trong những người thúc đẩy ngoại giao đa phương ngày nay, bằng việc đưa Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ về Việt Nam năm 1997, khi đó Việt Nam mới được bỏ cấm vận. Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên Việt Nam đăng cai.

Thưa bà, bà còn nhớ về hội nghị đó?

- Đại hội 6 của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó, Đảng ta chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế, ra sức làm tròn nhiệm vụ dân tộc và làm tốt nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân thế giới.

Đến Đại hội 7, Đảng đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa và đa phương hóa quốc tế.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: "Tôi luôn trân quý những vị khách nhớ đến tôi và yêu mến đất nước chúng ta"

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: "Tôi luôn trân quý những vị khách nhớ đến tôi và yêu mến đất nước chúng ta"

Biết tiếng Pháp, từng dự một số hội nghị cấp cao Pháp ngữ nên tôi cũng quen biết nhiều lãnh đạo thuộc tổ chức cộng đồng Pháp ngữ. Việc Việt Nam đăng cai hội nghị là cơ hội để chúng ta giới thiệu về một Việt Nam đổi mới, phát triển và hội nhập, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong cộng đồng.

Tuy điều kiện vật chất nước ta khi đó còn khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ bạn bè các nước, chúng ta đã xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà hội nghị số 11 Lê Hồng Phong) và tổ chức hội nghị rất thành công. Từ hội nghị đó, phải nói rằng uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ được nâng lên rất nhiều.

Hội nghị cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 7 tổ chức tại Hà Nội gồm đại biểu đông đủ của các nước thành viên, phần lớn do Tổng thống, Thủ tướng dẫn đầu. Đây là hội nghị quốc tế lớn nhất mà nước ta đăng cai tổ chức cho đến thời điểm đó. Đồng chí Chủ tịch nước Trần Đức Lương phát biểu khai mạc bằng tiếng Pháp, Tổng thống Pháp Jacques Chirac thay mặt các vị khách đáp từ.

Ý tưởng về một Pháp ngữ kinh tế đã trở thành hiện thực và đang trở thành một trong những trụ cột hợp tác của Pháp ngữ.

Trong dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước vừa qua, có vị khách quốc tế sang nước ta dự lễ kỷ niệm đã tìm mọi cách để gặp được bà. Trước tình cảm của bạn bè quốc tế với bà và với Việt Nam, bà có thể chia sẻ điều gì?

- Trong 5 năm ở Paris, ngoài công việc liên quan đến đàm phán, tôi cũng dành thời gian đi thăm các nước để vận động, kêu gọi sự ủng hộ, dự hội nghị, mít tinh đoàn kết với Việt Nam. Bất cứ nơi nào, có tổ chức mời là chúng tôi tranh thủ đi, từ châu Âu đến châu Phi hay sang châu Mỹ. Chúng tôi tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đảng phái chính trị và các Chính phủ.

Hồi ký hiệp định Paris, Mỹ cũng không nghĩ được Việt Nam từng đánh nhau với Pháp nhưng chính ở đó, ta lại có nhiều bạn bè thân thiết ủng hộ…

Thừa ủy quyền của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, Đại sứ Khamphao Ernthavanh trao Huân chương Tự do hạng nhất tặng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ngày 21/5 vừa qua. Ảnh: Phạm Hải

Thừa ủy quyền của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, Đại sứ Khamphao Ernthavanh trao Huân chương Tự do hạng nhất tặng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ngày 21/5 vừa qua. Ảnh: Phạm Hải

Sau ngày hòa bình lập lại, tôi được Đảng, Nhà nước phân công các nhiệm vụ, giữ nhiều cương vị công tác và hoạt động trong đối ngoại nhân dân nên quen biết nhiều bạn bè.

Có người nói tôi là người có nhiều bạn bè quốc tế nhất cũng vì lẽ đó. Nhiều bạn bè trên thế giới biết đến Việt Nam thông qua tôi nên họ yêu mến, cảm phục.

Tôi đã cao tuổi, sức khỏe không còn như trước, bạn bè tôi nhiều người cũng đã rời xa thế giới này. Vì vậy tôi luôn trân quý những vị khách nhớ đến tôi và yêu mến đất nước của chúng ta.

Bà Nguyễn Thị Bình bên các con cháu

Bà Nguyễn Thị Bình bên các con cháu

Tháng 4 vừa rồi có một người tìm đến gặp tôi, kết nối qua mạng xã hội để gặp, là con trai của cố Thủ tướng Algeria Redha Malek. Ông Malek từng làm Đại sứ Algeria tại Pháp thời tôi tham gia đàm phán Hiệp định Paris. Ông Malek và Đại sứ quán Algeria đã giúp đỡ phái đoàn rất nhiều. Hồi đó, cậu con trai của ông mới 5 tuổi. Đến giờ, cậu ấy vẫn nhớ đến tôi, điều này thực sự là đáng quý.

Nhà báo chúng cháu rất ấn tượng với những lần bà trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài - một người phụ nữ bị hàng chục phóng viên quốc tế vây quanh nhưng vẫn khéo léo trong ứng xử, thông minh trong cách trả lời. Bà có chia sẻ gì về những cuộc tiếp xúc báo chí khi đó?

- Trước tiên, là người trả lời phỏng vấn thì bản thân mình phải có lập trường vững chắc, phải nhớ rằng nhà báo có quyền hỏi còn mình có quyền trả lời. Nhưng trả lời thế nào để họ tâm phục khẩu phục, hiểu rõ hơn cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc mình, đó mới là điều quan trọng.

Có người dễ mất bình tĩnh trước ánh đèn flash, sự dồn dập trong cách hỏi hay bối cảnh đám đông. Những lúc như thế, chúng tôi phải bình tĩnh đối đáp, nhẹ nhàng nhưng cương quyết, mạnh mẽ, không làm căng thẳng cuộc hỏi đáp. Giới báo chí khi đó rất cảm tình với chúng tôi.

Thực hiện nhiều nhiệm vụ trên các cương vị khác nhau nên tôi thần tượng nhiều người. Ví dụ trong ngoại giao, tôi coi đồng chí Xuân Thủy như người thầy đã cho tôi nhiều bài học.

HẠNH PHÚC LÀ BIẾT YÊU VÀ CHUNG THỦY

Trên chính trường, bà là người phụ nữ sắc sảo, thông minh, khí phách. Vậy bà Nguyễn Thị Bình của đời thường thì như thế nào, thưa bà?

- Chồng tôi mất cách đây gần 40 năm rồi. Hiện tại, cuộc sống của tôi cũng có những cái vui và cái không vui. Vui nhất là gia đình, tôi có 2 cháu và 3 chắt. Còn điều không vui là con cái có người khỏe, người không. Tôi lại già quá, không biết bao giờ về với Bác Hồ, đồng chí, đồng đội, về với người chồng thân yêu. Tôi chỉ mong con cái có cuộc sống an yên và sức khỏe, đó là nguyện vọng cuối cùng.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và cuốn hồi ký "Gia đình, bạn bè và đất nước"

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và cuốn hồi ký "Gia đình, bạn bè và đất nước"

Hằng ngày, tôi vẫn xem tivi, đọc báo để cập nhật tin tức trong nước và tôi rất thích đọc tin thế giới. Tôi cũng học sử dụng điện thoại để đọc tin.

Tôi rất thích ăn cơm với cá kho, và giờ nào việc nấy đều đã vào khuôn phép. Tôi cũng cố gắng tập thể dục, đi lại mỗi ngày cho khuây khỏa. May mắn đến nay, tôi vẫn nhận được mặt được con cháu, chỉ có điều tai tôi không còn nghe được rõ như trước.

Từ khi tôi về làm dâu của mẹ, đến nay đã được 40 năm. Lúc mẹ còn khỏe thì tôi giúp một số việc, nhưng khi mẹ già yếu rồi, nhất là khi gia đình có người ốm thì phải gánh vác nhiều hơn. Tuy vất vả nhưng với tôi, những việc đó là tấm lòng yêu thương đối với mẹ và gia đình. Bà Mai Thục Trinh - con dâu của bà Nguyễn Thị Bình

Bà từng viết: “Tôi là người hạnh phúc vì đã lấy được người mình yêu”. Điều này nghe giản dị nhưng lại chứa đựng sức nặng cả một đời người...

- Đáng lý ra đây là bí mật, nhưng suy nghĩ mãi nên tôi vẫn chia sẻ với mọi người thông qua cuốn hồi ký. Tôi dành phần đầu hồi ký để nói về chủ đề này. Hạnh phúc, theo tôi, là biết yêu và phải chung thủy.

Điều tôi hạnh phúc là người yêu của tôi vẫn chung thủy dù xa cách nhau 9 năm, anh ấy đi bộ đội ngoài miền Bắc còn tôi hoạt động trong miền Nam. Chúng tôi vẫn chờ đợi nhau và đến khi gặp lại nên duyên vợ chồng, đó là hạnh phúc.

Tôi thường xuyên công tác nên hay xa gia đình, nhưng những người thân yêu luôn ở cạnh, gắn bó và là động lực trong mọi công việc. Không thể tách ảnh hưởng và tình thương của gia đình trên mỗi bước đường nhiều nỗi gian truân của mình - đó là sức mạnh, cũng là hạnh phúc của đời tôi.

80 năm của đất nước là cả cuộc đời tôi

Nhớ lại thời điểm trước năm 1945, tôi lại xúc động. Tôi bắt đầu tham gia cách mạng với hoạt động cho Việt Minh trong phong trào học sinh, sinh viên, rồi trải qua hai cuộc kháng chiến. Với tôi, 80 năm của đất nước là cả cuộc đời.

Trong suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến, dân tộc ta đã phải đối mặt với muôn vàn gian khổ, hy sinh, mất mát nhưng chưa bao giờ, ý chí về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất bị lay chuyển. Chúng ta nhìn lại mốc lịch sử 80 năm để thấy rằng nền hòa bình, độc lập hiện nay phải được trân trọng. Chúng ta cố gắng hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước.

Tuy nhiều người có thể chưa bằng lòng, nhưng bộ mặt đất nước đã có nhiều thay đổi - văn minh, hiện đại hơn, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, vị thế, uy tín trên trường quốc tế ngày một được tăng cường.

Năm chúng tôi 18 tuổi, nói đến hòa bình, độc lập là lớp thanh niên lại sôi sục trong lòng, vì có hòa bình, độc lập là có tất cả. Thế hệ ngày nay có cả hòa bình và độc lập thì trách nhiệm là phải giữ cho được để xây dựng đất nước vững mạnh, thịnh vượng.

Hiện nay, đất nước ta mở rộng quan hệ quốc tế, ngoài bạn bè truyền thống còn hợp tác sâu rộng với nhiều nước khác, trong đó có cả những nước từng là kẻ thù. Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển là phương châm rất đúng đắn.

Hợp tác với các cường quốc là điều cần thiết nhưng luôn phải giữ vững quan điểm các nước phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, tôn trọng chế độ, thể chế chính trị của chúng ta.

Hiền Anh

Trần Thường

Hoàng Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tuoi-98-cua-nguyen-pho-chu-tich-nuoc-nguyen-thi-binh-2404735.html
Zalo