Làn sóng tôn vinh di sản văn hóa đổ bộ vào thời trang Việt Nam
Đây là ý kiến được thảo luận sôi nổi trong tọa đàm 'Thời trang và di sản', diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm vào ngày 21/11. Tọa đàm là một trong những hoạt động trọng điểm, gây sự chú ý tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo.
Tọa đàm được dẫn dắt bởi thạc sĩ Nguyễn Trí Dũng - Phó Trưởng khoa Thiết kế Mỹ thuật, trưởng bộ môn Thiết kế thời trang của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Diễn giả của tọa đàm là thạc sĩ, NTK Lê Hà - giảng viên khoa Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh đó, những nhà thiết kế trẻ, giảng viên và sinh viên ngành Thiết kế thời trang tại các trường đại học đã tham gia đóng góp ý kiến cho tọa đàm.
Di sản - lợi thế và thách thức của thời trang
Mở đầu tọa đàm, thạc sĩ Nguyễn Trí Dũng nhận định, thời trang Việt Nam đang đặc biệt quan tâm đến giá trị văn hóa truyền thống. “Ngay trong quá trình đào tạo tại các trường, đã có những chủ đề, nguồn cảm hứng được đưa ra để sinh viên khai thác, từ đó thời trang mang đậm yếu tố lịch sử và dấu ấn mà cha ông đi trước để lại”, thạc sĩ Nguyễn Trí Dũng chia sẻ.
Lý giải cho làn sóng ứng dụng di sản văn hóa vào thiết kế thời trang, thạc sĩ, NTK Lê Hà cho biết, những năm gần đây, chủ đề này được quan tâm, có mặt trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
“Cơ chế chính sách của Nhà nước đã tạo điều kiện cho chúng ta phát triển văn hóa và lấy văn hóa làm trung tâm, làm nguồn tài nguyên để đưa vào nghệ thuật; đồng thời sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật để bảo tồn và giúp văn hóa tiếp cận với thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay”, thạc sĩ, NTK Lê Hà nhấn mạnh những cơ hội mà thời trang Việt Nam đang có.
Lý do thứ hai được thạc sĩ, NTK Lê Hà đưa ra là bối cảnh ngành thời trang hiện nay. Thị trường Việt Nam có sự cạnh tranh khốc liệt bởi sự đổ bộ của các thương hiệu đến từ nước ngoài. Khi đó, chúng ta nên tận dụng bản sắc văn hóa - sự độc đáo đến từ bản địa, “là tài sản, sắc thái riêng mà không một đất nước nào có”.
Cuối cùng, không chỉ dừng lại ở cơ hội hay lợi thế, giá trị văn hóa truyền thống của cha ông là thứ người trẻ phải dốc sức bảo tồn và phát huy. Thạc sĩ, NTK Lê Hà cho rằng, người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nên ứng dụng tài nguyên văn hóa để làm mới những sản phẩm của mình.
Tọa đàm đưa ra ý kiến rằng các nền nghệ thuật đang cùng tham gia khai thác chủ đề di sản. Bàn luận về vấn đề này, thạc sĩ, NTK Lê Hà nhận định, xu hướng tái sinh di sản qua ngôn ngữ nghệ thuật sẽ tạo nên một cộng đồng mạnh mẽ, làm trỗi dậy lòng yêu nước, yêu giá trị truyền thống trong mỗi người. Nhờ đó, họ sẵn sàng mua những sản phẩm mang đậm yếu tố văn hóa dân tộc. “Khi sự giao thoa giữa thương mại và văn hóa phát triển, kinh tế của chúng ta sẽ rất phát triển”, thạc sĩ, NTK Lê Hà khẳng định lợi ích mà khai thác đề tài di sản mang lại cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, vấn đề chiếm dụng văn hóa trong thời trang đã được thảo luận tại tọa đàm. Theo Rodgers, có bốn cấp độ liên quan đến văn hóa, bao gồm trao đổi, thống trị, khai thác và biến đổi văn hóa. Thạc sĩ, NTK Lê Hà cho rằng, trao đổi văn hóa là mức độ phù hợp, thể hiện qua việc gìn giữ giá trị truyền thống, tạo ra quyền lợi ngang nhau giữa nhà thiết kế và những người thuộc một nền văn hóa như nghệ nhân làng nghề.
Từ trải nghiệm cá nhân, thạc sĩ, NTK Lê Hà chia sẻ, một số người dân tại làng thêu Đông Cứu rất buồn, không còn muốn chia sẻ tri thức khi nhiều nhà thiết kế đến khai thác thông tin nhưng lại không nhắc đến họ trong nghiên cứu của mình. Đây là một hình thức chiếm dụng văn hóa mà những người hoạt động sáng tạo nên đặc biệt chú ý.
Sáng tạo, tìm tòi để giữ “hồn” cho di sản
Trong khuôn khổ tọa đàm, người tham gia đã được theo dõi hình ảnh một số bộ sưu tập đến từ các nhà thiết kế trẻ và lắng nghe ý tưởng, quá trình sáng tạo đằng sau những trang phục đó.
Nhà thiết kế Hạ Vy bộc bạch, đồ án tốt nghiệp của mình được lấy cảm hứng từ tác phẩm “Lặng lẽ Sapa” với hai khía cạnh chính là vẻ đẹp thiên nhiên và phẩm chất con người. Trong đó, Hạ Vy đưa nét đẹp thầm lặng của người lao động trở thành định hướng phong cách cho bộ sưu tập; đồng thời thể hiện cảnh sắc vùng cao qua những chi tiết trang trí, đính kết trên trang phục.
Di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số thường được khai thác qua yếu tố hữu hình như họa tiết hay chất liệu, song Hạ Vy đã chọn tìm ý tưởng từ nguồn cảm hứng vô hình là ngôn ngữ. Đây là một hướng đi mới lạ, thách thức, đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú. Điều Hạ Vy đào sâu khai thác trong bộ sưu tập là giá trị tư tưởng của tác phẩm văn học: trong cuộc sống, vẫn có những con người yêu nghề, miệt mài làm việc mặc vất vả, gian lao.
Với nhà thiết kế Đào Hồng Nhung, cảm hứng đến từ di sản hội họa của Van Gogh. Hồng Nhung lựa chọn ba tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ cho đồ án tốt nghiệp, bao gồm “Đêm đầy sao”, “Hoa hướng dương” và “Hoa diên vĩ”.
Trong quá trình sáng tạo, Hồng Nhung trăn trở về việc đưa văn hóa Việt Nam vào bộ sưu tập lấy cảm hứng từ họa sĩ nước ngoài. Vì vậy, bên cạnh hiệu ứng thị giác trên trang phục mang đậm màu sắc Van Gogh, nhà thiết kế đã đến các làng nghề thủ công, học hỏi từ nghệ nhân để thể hiện chất liệu truyền thống một cách tốt nhất. “Ta có thể học hỏi kỹ thuật tiến bộ của nước ngoài, kết hợp với bản sắc riêng của mình để cùng nhau phát triển”, Đào Hồng Nhung chia sẻ.
Với những gì ngành thời trang Việt Nam đã và đang làm, thạc sĩ, NTK Lê Hà kết luận, khi đưa di sản, tri thức bản địa vào sản phẩm, các nhà thiết kế phải tránh việc chiếm đoạt, làm sai lệch, ngoại lai những giá trị truyền thống. Hướng đi đúng đắn là luôn tôn vinh những nghệ nhân và nền văn hóa đã truyền cảm hứng cho mình.
Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, tọa đàm “Thời trang và di sản” đã mang đến những góc nhìn mới mẻ về vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống qua ngôn ngữ thời trang hiện đại. Đây là chương trình ý nghĩa, tích cực hưởng ứng tinh thần chung của lễ hội và hoạt động đào tạo tại các trường đại học thuộc Diễn đàn Sinh viên Thời trang Việt Nam.