Làn sóng bạo lực nhắm vào 'tuyến đầu' chống bại liệt ở Pakistan

Cảnh sát Pakistan ngày 18-9 cho biết, họ đã bắt giữ nghi phạm chính trong vụ hiếp dâm tập thể một nữ nhân viên phân phối vaccine bại liệt hồi tuần trước. Đây chỉ là một trong hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các đội nhân viên y tế trong chiến dịch đến từng nhà cho trẻ uống vaccine bại liệt trên khắp Pakistan.

Nhân viên y tế cho trẻ em uống vaccine bại liệt ở Peshawar, Pakistan luôn có lực lượng an ninh đi cùng hộ tống

Nhân viên y tế cho trẻ em uống vaccine bại liệt ở Peshawar, Pakistan luôn có lực lượng an ninh đi cùng hộ tống

Vụ việc xảy ra hôm 12-9 tại Jacobabad, một huyện thuộc tỉnh Sindh, miền Nam Pakistan. Nạn nhân trình báo chính quyền bị 3 gã đàn ông cưỡng hiếp sau khi vào một ngôi nhà ở Jacobabad để nhỏ thuốc bại liệt cho trẻ em ở đó. Nghi phạm chính, danh tính được xác định là Ahmad Jakhrani, đã bị bắt vào đêm 17-9. Cảnh sát vẫn đang truy lùng 2 đối tượng có liên quan. Trong vụ việc này, một cảnh sát trưởng địa phương và một cán bộ chính quyền đã bị sa thải vì tội cẩu thả vì không đảm bảo an ninh đầy đủ cho nhân viên y tế.

Sự việc đã gây sốc cho nhiều người Pakistan vì những vụ tấn công tình dục kiểu như vậy rất hiếm, mặc dù ở các chiến dịch tiêm chủng trước đây đã có trường hợp nữ nhân viên y tế phàn nàn về tình trạng bị quấy rối. Bà Sadia Javed, người phát ngôn của chính quyền Sindh khẳng định, sẽ điều tra vụ việc một cách toàn diện. “Chính quyền sẽ đảm bảo rằng tất cả phụ nữ tham gia các chiến dịch chống bại liệt sắp tới đều được bảo vệ tối đa”. Cảnh sát cũng đã bắt giữ chồng của người phụ nữ bị tấn công vì đã đuổi cô ra khỏi nhà và dọa sẽ giết cô vì làm hoen ố danh dự của gia đình. Cái gọi là giết người vì danh dự, trong đó phụ nữ và trẻ em gái bị chính người thân của họ giết hại vì bị cáo buộc làm mất danh dự của gia đình, vẫn còn phổ biến ở Pakistan. Hiện cảnh sát địa phương đã cử người đến ngôi nhà nơi nạn nhân đang ở cùng người thân để bảo vệ cô.

Các chiến dịch phòng chống bại liệt ở Pakistan thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Ngày 11-9, hai kẻ đi xe máy đã nổ súng sát hại một cảnh sát đang bảo vệ nhóm nhân viên phân phối vaccine ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan. Cảnh sát này bị bắn chết khi đang đứng ở góc phố và những kẻ tấn công đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Trước đó chỉ một ngày, một nhóm tay súng đi xe máy đã giết chết hai người, một nhân viên phòng chống bại liệt và một cảnh sát hộ tống.

Hôm 8-9, một quả bom ven đường đã phát nổ gần chiếc xe chở các sĩ quan được giao nhiệm vụ bảo vệ những người làm việc trong lĩnh vực phòng chống bại liệt tại huyện Nam Waziristan, cũng thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, khiến 6 sĩ quan và 3 thường dân bị thương. Nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan sau đó đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Những kẻ cực đoan thường nhắm vào các đội phân phối vaccine bại liệt và cảnh sát hộ tống, vu khống rằng các chiến dịch này là âm mưu của phương Tây nhằm triệt sản trẻ em.

Kể từ tháng 1-2024, Pakistan đã ghi nhận 17 ca bại liệt mới, tạo ra nguy cơ mới sau nhiều thập kỷ nỗ lực nhằm loại bỏ căn bệnh có khả năng gây tử vong và tê liệt này. Bệnh bại liệt thường tấn công trẻ em dưới 5 tuổi và thường lây lan qua nguồn nước bị ô nhiễm. Chính phủ Pakistan đang lên kế hoạch cho một chiến dịch nhỏ vaccine bại liệt khác vào tháng 10 tới.

Cùng với Pakistan, nước láng giềng Afghanistan là những quốc gia duy nhất chưa bao giờ ngăn chặn được sự lây lan của căn bệnh. Mới đây vào tháng 8-2024, Tổ chức Y tế Thế giới đã báo cáo rằng, Afghanistan và Pakistan sẽ tiếp tục phải thực hiện “chiến dịch chuyên sâu và đồng bộ” tập trung vào việc cải thiện phạm vi tiêm chủng ở các vùng bệnh dịch lưu hành và phản ứng hiệu quả, kịp thời đối với ca mới phát hiện ở những nơi khác. Ông Anwarul Haq, một quan chức y tế Pakistan cho biết, vì người Afghanistan hay lánh nạn ở Pakistan rồi lại rút về nên virus bại liệt có thể lây lan và tiếp tục ảnh hưởng đến trẻ em ở cả hai quốc gia nếu các chiến dịch tiêm chủng không được tiến hành thường xuyên và đồng bộ.

Theo AP

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lan-song-bao-luc-nham-vao-tuyen-dau-chong-bai-liet-o-pakistan-post590065.antd
Zalo