'Làn gió mới' trong chính sách đối nội, đối ngoại của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shigeru Ishiba

Thủ tướng Shigeru Ishiba mang đến 'làn gió mới' cho Nhật Bản với chính sách đối nội sâu rộng, đối ngoại cân bằng, hướng tới hòa bình và phát triển bền vững.

Ngày 1/10/2024, ông Shigeru Ishiba chính thức được bầu làm Thủ tướng thứ 102 của Nhật Bản. Là một chính trị gia kỳ cựu với hơn 3 thập kỷ hoạt động trên chính trường, Thủ tướng Ishiba mang đến một làn gió mới cho đất nước "Mặt trời mọc” trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức. Chính sách của Thủ tướng Shigeru Ishiba, từ đối nội đến đối ngoại, phản ánh một tầm nhìn dài hạn và đầy quyết tâm trong việc xây dựng Nhật Bản ổn định, hài hòa, phát triển bền vững.

Cải cách đối nội - đẩy mạnh đối ngoại trên tinh thần hợp tác, cân bằng

Trong nội bộ đất nước, Thủ tướng Shigeru Ishiba đã củng cố niềm tin của người dân với Đảng cầm quyền Tự do dân chủ (LDP). Việc Thủ tướng Ishiba lựa chọn một nội các với sự góp mặt của cả các thành viên đồng minh lẫn đối lập không chỉ mang tính biểu tượng cho sự đoàn kết mà còn là lời khẳng định về tinh thần hợp tác và trách nhiệm chung.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách chính trị, tập trung vào việc nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Đây là những nỗ lực nhằm làm mới hệ thống quản trị quốc gia, đồng thời mang lại một nền tảng ổn định để Nhật Bản vượt qua các khó khăn hiện tại.

Trên trường quốc tế, Thủ tướng Ishiba hướng tới việc duy trì các mối quan hệ ngoại giao cốt lõi, đồng thời tìm kiếm sự cân bằng trong các liên minh chiến lược. Thủ tướng tiếp tục coi trọng quan hệ Nhật - Mỹ, khẳng định rằng đây là nền tảng cho chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng mong muốn tái cấu trúc liên minh này theo hướng bình đẳng hơn, với sự xem xét lại về các thỏa thuận liên quan đến quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản.

Với Trung Quốc, Thủ tướng Shigeru Ishiba thể hiện thái độ tích cực trong việc thúc đẩy một mối quan hệ “hai bên cùng có lợi về mặt chiến lược”. Duy trì đối thoại và hợp tác kinh tế được xem là các yếu tố chủ chốt trong chính sách đối với quốc gia láng giềng quan trọng này. Trong khi đó, với Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản cam kết xây dựng mối quan hệ hợp tác vững chắc dựa trên nền tảng tin cậy lẫn nhau, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2025.

Thủ tướng Ishiba cũng đề xuất một sáng kiến nhằm cải thiện quan hệ với Triều Tiên là thành lập văn phòng liên lạc tại Tokyo và Bình Nhưỡng để thúc đẩy đối thoại trực tiếp. Sáng kiến này tạo điều kiện cho một lộ trình đàm phán dài hạn giữa hai bên. Ngoài ra, Thủ tướng tiếp tục khẳng định vai trò của Nhật Bản trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhấn mạnh sự cần thiết của một khu vực “tự do và rộng mở”. Thủ tướng Shigeru Ishiba duy trì hợp tác chặt chẽ với các đối tác như Mỹ, Australia và Ấn Độ, đồng thời thúc đẩy ý tưởng về “một phiên bản NATO châu Á” nhằm đảm bảo an ninh khu vực.

Chính sách phát triển kinh tế và giải pháp cho thách thức dân số

Kinh tế là một trong những trọng tâm lớn trong chương trình nghị sự của Thủ tướng Ishiba. Tiếp nối các chính sách kinh tế của người tiền nhiệm, Thủ tướng cam kết thúc đẩy sự tăng trưởng thông qua các giải pháp cân bằng, tập trung vào 3 mục tiêu chính: Kiểm soát chi phí sinh hoạt, tăng trưởng toàn diện ở cấp quốc gia lẫn địa phương và bảo đảm sự an tâm cho người dân.

Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất nhiều chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế và ổn định dân số. Ảnh: CNN

Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất nhiều chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế và ổn định dân số. Ảnh: CNN

Một điểm nhấn đặc biệt trong chính sách của Thủ tướng là việc phát triển các khu vực nông thôn. Thủ tướng Shigeru Ishiba khẳng định rằng, các địa phương không chỉ là phần bổ trợ mà chính là động lực tăng trưởng cho toàn quốc. Với cam kết tăng gấp đôi quỹ hỗ trợ cho các khu vực này, Chính phủ của Thủ tướng Shigeru Ishiba hy vọng sẽ thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, đồng thời khuyến khích sự năng động từ những sáng kiến kinh doanh ngoài các trung tâm đô thị lớn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Shigeru Ishiba cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề dân số già hóa và tỷ lệ sinh thấp, hai thách thức lớn đối với tương lai của Nhật Bản. Chính phủ đã đề xuất các biện pháp nhằm hỗ trợ các gia đình trẻ, nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi và tạo môi trường thuận lợi hơn để khuyến khích sinh con.

Hiện đại hóa quốc phòng, đảm bảo an ninh quốc gia

Là nhân vật được đánh giá cao về chuyên môn quốc phòng, Thủ tướng Shigeru Ishiba chủ trương hiện đại hóa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đồng thời tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với các thách thức an ninh đang gia tăng ở Đông Á. Thủ tướng cam kết một “lập trường răn đe chủ động”, nhưng đồng thời khẳng định rằng, mọi động thái đều hướng tới mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Nhật Bản cũng tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động quân sự quốc tế, nhấn mạnh vai trò của mình như một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng toàn cầu. Quan điểm này không chỉ nhằm nâng cao khả năng phòng thủ quốc gia mà còn thể hiện một cam kết mạnh mẽ đối với sự hòa bình và hợp tác quốc tế.

Kỳ vọng mới và tầm nhìn chiến lược của Thủ tướng Shigeru Ishiba

Việc Thủ tướng Shigeru Ishiba nhậm chức mang đến hy vọng mới cho người dân Nhật Bản. Các chính sách mà Thủ tướng đề ra không chỉ phản ánh sự am hiểu sâu sắc về những vấn đề cốt lõi mà còn thể hiện một tầm nhìn dài hạn, với mục tiêu xây dựng một đất nước hòa bình, thịnh vượng và cân bằng giữa truyền thống lẫn hiện đại. Tuy hành trình phía trước có nhiều thử thách, với bề dày kinh nghiệm và sự ủng hộ rộng rãi từ nội bộ lẫn quốc tế, Thủ tướng Ishiba được kỳ vọng sẽ đưa Nhật Bản tiến bước trong một giai đoạn mới đầy triển vọng.

Sự kết hợp giữa cải cách trong nước và tinh thần hợp tác quốc tế mà Thủ tướng Shigeru Ishiba đang theo đuổi không chỉ góp phần định hình tương lai của Nhật Bản mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và thịnh vượng cho toàn khu vực. Trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động, sự khéo léo và kiên định của Thủ tướng Shigeru Ishiba là một biểu tượng cho hy vọng về hòa bình và phát triển bền vững của đất nước Nhật Bản.

Từ ngày 18 đến ngày 22/12/2024, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng; chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi...

Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong chuyến công tác tại Nhật Bản còn có Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương...

Bên cạnh Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản và Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong Đoàn công tác Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động trao đổi, gặp gỡ tiếp xúc bên lề với các đối tác tại Nhật Bản...

Huyền Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lan-gio-moi-trong-chinh-sach-doi-noi-doi-ngoai-cua-nhat-ban-duoi-thoi-thu-tuong-shigeru-ishiba-364944.html
Zalo