Lãnh đạo TPHCM gặp mặt cán bộ, tướng lĩnh cao cấp quân đội nghỉ hưu

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trải qua 80 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, đối mặt với biết bao thử thách khắc nghiệt, nhất là trước những bước ngoặt của cách mạng, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tỏ rõ bản lĩnh của một đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Chiều 18/12, Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức gặp mặt cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trải qua 80 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, đối mặt với biết bao thử thách khắc nghiệt, nhất là trước những bước ngoặt của cách mạng, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tỏ rõ bản lĩnh của một đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Cùng với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng vũ trang TPHCM đã không ngừng lớn mạnh, lập nhiều chiến công, tô thắm truyền thống cách mạng của quê hương, dân tộc.

Các cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu tham dự buổi họp mặt. Ảnh: Hoàng Giang

Các cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu tham dự buổi họp mặt. Ảnh: Hoàng Giang

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi gặp gỡ các cán bộ, tướng lĩnh quân đội nghỉ hưu, trước thềm kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Hoàng Giang

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi gặp gỡ các cán bộ, tướng lĩnh quân đội nghỉ hưu, trước thềm kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Hoàng Giang

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, trong thời gian qua, thành phố luôn nhận được các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, toàn diện trên nhiều lĩnh vực của các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu, nhất là những kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ vững chắc và lực lượng vũ trang thành phố vững mạnh.

Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin, bước sang năm 2025 với nhiều sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và là năm tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, TPHCM tiếp tục thể hiện vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, đồng thời cũng đối mặt với nhiều thách thức bởi tác động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực. Thành phố vừa tiếp tục tập trung giải quyết dứt điểm những hạn chế, vướng mắc, tồn đọng, vừa ứng phó với những khó khăn, thách thức mới.

Theo đó, để hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2025, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, nhân dân, cả hệ thống chính trị của thành phố, trong đó có cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cần phát huy hơn nữa truyền thống của quân đội anh hùng, quê hương anh hùng, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nền công vụ thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời tập trung sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương.

Trong khuôn khổ buổi gặp mặt đã diễn ra lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát. Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Bạch Cát, nguyên Quận ủy viên, nguyên Bí thư Quận đoàn, nguyên Bí thư Chi bộ Võ trang tuyên truyền liên quận 2 - 4 (nay là quận 1, TPHCM).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cùng Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM Nguyễn Văn Nam trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho thân nhân liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát. Ảnh: Long Hồ

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cùng Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM Nguyễn Văn Nam trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho thân nhân liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát. Ảnh: Long Hồ

Liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát sinh ngày 10/10/1940, là con út trong một gia đình nhà nho tại xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc, nay là phường Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Tháng 4/1964, bà được tổ chức chọn về học tập Trường cán bộ đi B ở Phú Thọ; được điều động vào miền Nam chiến đấu và được điều về công tác ở Thành Đoàn Sài Gòn, tham gia lực lượng biệt động trong nội thành với bí danh Sáu Xuân.

Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bà Lê Thị Bạch Cát được Khu ủy chuyển đến liên quận 2 - 4 với chức danh Quận ủy viên, Bí thư Ban Chấp hành Thanh niên quận 2 (nay là quận 1), Bí thư Chi bộ võ trang tuyên truyền liên quận 2 - 4. Trong đợt 2 cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, bà chỉ huy Trung đội chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng để bảo toàn lực lượng.

Năm 1985, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất đối với liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát.

Ngô Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lanh-dao-tphcm-gap-mat-can-bo-tuong-linh-cao-cap-quan-doi-nghi-huu-post1702089.tpo
Zalo