Lần đầu trình Quốc hội dự án Luật Nhà giáo
Dự án Luật Nhà giáo sau nhiều lần chỉnh sửa đã đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng giáo dục.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 9/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Nhà giáo. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Luật Nhà giáo lần đầu tiên trình Quốc hội, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 tại Phiên họp thứ 38 diễn ra ngày 8/10/2024.
Dự thảo Luật Nhà giáo được áp dụng đối với nhà giáo được tuyển dụng, làm việc toàn thời gian trong các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (không phân biệt công lập, tư thục, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài). Trên cơ sở đó, các chính sách trong dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, ngoài các điều, khoản được quy định chung, một số nội dung chính sách được thiết kế riêng cho từng nhóm đối tượng: Nhà giáo công lập (gồm chế tài theo luật viên chức và các quy định riêng); nhà giáo ngoài công lập; nhà giáo người nước ngoài (gồm chế tài theo Bộ luật lao động và các quy định riêng).
Dự thảo Luật được xây dựng với 5 chính sách quan trọng gồm: Định danh; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh; quản lý Nhà nước về nhà giáo. Trong đó kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.