Lần đầu tiên Việt Nam có lớp đào tạo trà sư

Khóa đào tạo trà sư kéo dài nhanh nhất là bốn năm, lâu có thể kéo dài 20-30 năm, tùy theo năng lực, quá trình học tập của mỗi trà sư.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa ký kết hợp tác cùng Học viện Trà sư quốc tế Master Tea Global để mở khóa học về trà đạo.

Theo đó, đối tượng đào tạo trà sư là những người yêu trà, người có kiến thức căn bản về trà muốn học chuyên sâu thành trà sư, hoặc sinh viên nghiên cứu văn hóa - lịch sử về trà Việt.

Mục tiêu của khóa học là đào tạo ra các trà sư (nghệ nhân trà) không chỉ biết pha trà, thưởng trà mà còn am hiểu sâu về văn hóa trà đạo.

Phía Học viện trà sư quốc tế Master Tea Global, tại Trung Quốc, cho biết để trở thành trà sư, học viên phải mất nhiều thời gian, trải qua quá trình đào tạo gồm nhiều giai đoạn. Tùy theo năng lực, quá trình học tập của mỗi trà sư khác nhau. Người nhanh nhất mất 4 năm, lâu có thể kéo dài 20-30 năm.

Đầu tiên, học viên cần học để trở thành trà nghệ sư - nghệ thuật pha trà và thưởng trà. Trong đó học về văn hóa và lịch sử về; kỹ năng và kỹ thuật pha trà; cách nhận biết trà. Sau khi hoàn thành học phần đào tạo trà nghệ sư, học viên học tiếp lên học phần bình phẩm trà để hiểu rõ về trà. Sau hai học phần này mới đến khóa đào tạo chuyên biệt để trở thành trà sư. Các học phần được chia theo giai đoạn sơ cấp, trung cấp, cao cấp.

 Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ký kết hợp tác cùng Học viện Trà sư quốc tế Master Tea Global để mở khóa học về trà đạo. Ảnh: BTC

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ký kết hợp tác cùng Học viện Trà sư quốc tế Master Tea Global để mở khóa học về trà đạo. Ảnh: BTC

Sau khi hoàn thành từng học phần, học viên được cấp song bằng do Trường Cao đẳng trà Lục Vũ Đài Loan cấp; chứng nhận do Học viện trà sư quốc tế Master Tea Global và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cấp.

Và sau khi hoàn thành khóa học đào tạo trà sư, học viên sẽ được nhận chứng chỉ quốc tế đào tạo về trà, mở ra nhiều cơ hội việc làm tại các cơ quan ngoại giao, mở tiệm trà, mở xưởng sản xuất trà, hoặc giảng dạy về trà.

Chương trình đào tạo trà sư được giảng dạy bởi các trà sư từ Trường Cao đẳng trà Lục Vũ Đài Loan, giảng viên các bộ môn văn hóa, lịch sử tại các trường ĐH và các trà sư danh tiếng tại Việt Nam.

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho hay hiện tại nhiều sinh viên nước ngoài đang theo học tại trường. Việc bổ sung thêm nội dung về trà đạo vào chương trình học, không gian giao lưu văn hóa tại trường cũng sẽ góp phần quảng bá, lan tỏa văn hóa trà Việt Nam ra thế giới, xây dựng một cộng đồng yêu trà và hiểu biết sâu sắc về văn hóa trà Việt Nam.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/lan-dau-tien-viet-nam-co-lop-dao-tao-tra-su-post804130.html
Zalo