Lần đầu tiên Hà Nội lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp qua ứng dụng VNeID
Thành phố Hà Nội mở đợt cao điểm, kêu gọi người dân tham gia, đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 2013 phục vụ cho công cuộc sắp xếp và tinh gọn bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là lần đầu tiên, cơ quan chức năng xin ý kiến nhân dân thông qua ứng dụng VNeID và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Chị Dương Thị Hồng Phương ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội cho biết, trước khi sửa Hiến pháp 2013, Đảng, Nhà nước đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên ứng dụng VNeID trong vòng một tháng là rất đầy đủ, mong rằng, ý kiến của người dân sẽ được Đảng, Nhà nước lắng nghe và tôn trọng.
Theo chị Phương, việc lấy ý kiến trên ứng dụng VNeID là rất phù hợp với thực tiễn bởi hầu hết người dân đều được định danh điện tử ở mức 2, đều sử dụng điện thoại thông minh thành thạo cho nên cho ý kiến bằng điện thoại cũng rất tiện về mặt thời gian và phương thức.

Chị Dương Thị Hồng Phương được CSKV hướng dẫn tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp
Còn ông Trần Tuấn Khanh, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 9 phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội cho biết, việc được chính quyền địa phương và công an cấp cơ sở đến nhà vận động tuyên truyền về việc tham gia đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 lần này rất bài bản, nhanh gọn, thuận tiện bởi hoàn toàn trên môi trường điện tử.
Ông Khanh cho biết, không chỉ cảnh sát khu vực đến từng nhà mà tổ trưởng dân phố cũng luôn nhắc nhở, tuyên truyền tới người dân thông qua các mạng xã hội.
Là người hiểu pháp luật, ông Trần Tuấn Khanh cho biết, việc sửa đổi Hiến pháp lần này rất quan trọng bởi Hiến pháp là Luật gốc. Bên cạnh đó, đất nước đã và đang xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp thì nhất thiết phải sửa Hiến pháp thì mới phù hợp với thực tiễn.

Ông Trần Tuấn Khanh trao đổi với CSKV để phối hợp tuyên truyền cho người dân tham gia sửa đổi Hiến pháp
Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TP. Hà Nội cho biết, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các tổ chuyển đổi số cộng đồng vào cuộc để lấy ý kiến người dân về việc sửa đổi Hiến pháp. Công an TP. Hà Nội chỉ đạo tất cả Cảnh sát khu vực “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng trường hợp” vận động người dân tham gia, góp ý vào việc sửa đổi Hiến Pháp để làm sao số lượng người dân tham gia vào việc sửa đổi Hiến pháp là cao nhất.
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này, sau khi lấy ý kiến người dân, sẽ được Bộ Công an tổng hợp, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng rồi chuyển đến Ban soạn thảo và chuyển đến Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Đặc biệt lấy ý kiến người dân lần này trên ứng dụng VNeID sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình thực hiện, qua đó sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân vào việc sửa đổi Hiến pháp dù nhỏ nhất cũng được tổng hợp, đánh giá để làm sao những nội dung đóng góp ý kiến cho việc xây dựng Hiến pháp hiệu quả, chất lượng, mang lại lợi ích hợp pháp cho người dân.

Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng PC06, Công an TP. Hà Nội
Bên cạnh đó, thông qua trí tuệ nhân tạo (AI), Ban soạn thảo sẽ nắm bắt được điều khoản nào người dân quan tâm, điều khoản nào người dân tán thành hoặc không tán thành để làm căn cứ chỉnh sửa Hiến pháp.
Điều quan trọng nhất, khi sử dụng (AI) sẽ rút ngắn được thời gian lấy ý kiến, sàng lọc thông tin. Những nội dung nào mang tính chất chống phá, không mang tính xây dựng cũng sẽ nhanh chóng được hệ thống (AI) sàng lọc, lựa chọn những thông tin người dân quan tâm nhiều nhất, để góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng, sửa đổi Hiến pháp.
Ngoài đẩy nhanh tốc độ xử lý thông tin, (AI) còn không bỏ sót thông tin trong khi lấy ý kiến người dân trên cả nước với lượng thông tin là rất lớn - Trung tá Nguyễn Thành Lâm chia sẻ.
Ông Trần Tuấn Khanh thực hiện góp ý kiến trên ứng dụng VNeID với sự trợ giúp của Cảnh sát khu vực
Theo Nghị quyết số 194/2025/QH15 ngày 05/5/2025 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 195/2025/QH15 ngày 05/5/2025 của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Chậm nhất ngày 06/5/2025: Công bố dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Từ ngày 06/5/2025 - 30/5/2025: Các cơ quan, tổ chức, địa phương, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tại cơ quan, tổ chức, địa phương mình theo các hình thức qui định của Kế hoạch này; các cá nhân có thể trực tiếp đóng góp ý kiến trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến Nhân dân.
Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, các ngành, các cấp gửi Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến đến Chính phủ chậm nhất là ngày 30/5/2025.
Chính phủ gửi Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp đến Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp (qua Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội), chậm nhất là ngày 05/6/2025.