Lần đầu tiên ghi hình được ốc sên quý hiếm đẻ trứng qua cổ

Tại New Zealand, một khoảnh khắc kỳ lạ và hiếm có vừa được ghi hình lần đầu tiên, một con ốc sên núi Augustus, loài ăn thịt quý hiếm, đang đẻ trứng từ cổ.

Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tận mắt chứng kiến hành vi sinh sản đặc biệt này thông qua máy quay.

Ốc sên Powelliphanta augusta, hay còn gọi là ốc sên núi Augustus, đẻ ra những quả trứng có hình dáng giống trứng gà. (Nguồn: Lucy Holyoake)

Ốc sên Powelliphanta augusta, hay còn gọi là ốc sên núi Augustus, đẻ ra những quả trứng có hình dáng giống trứng gà. (Nguồn: Lucy Holyoake)

Sự việc xảy ra trong một lần kiểm tra sức khỏe định kỳ tại cơ sở bảo tồn. Nhân viên của cơ quan bảo tồn loài ốc sên này bất ngờ phát hiện một quả trứng trắng nhỏ từ từ chui ra từ phần cổ của con ốc sên. Họ nhanh chóng ghi lại khoảnh khắc hiếm có này, điều chưa từng xảy ra trong suốt gần 20 năm nuôi dưỡng và theo dõi loài ốc sên Powelliphanta augusta.

Loài ốc sên sống lâu, ăn thịt và sinh sản chậm

Ốc sên núi Augustus là một trong những loài ốc sên lớn nhất thế giới, với kích thước tương đương một quả bóng golf. Chúng chỉ sinh sống tại New Zealand và có tuổi thọ đáng kinh ngạc: trong điều kiện nuôi nhốt, một số cá thể có thể sống đến 25–35 năm.

Khác với phần lớn các loài ốc sên phổ biến, Powelliphanta augusta là loài ăn thịt. Chúng chuyên săn những con sên nhỏ hơn và giun đất, rồi hút nạn nhân vào miệng như đang ăn mì spaghetti.

Loài này phát triển khả năng sinh sản rất muộn, thường từ năm thứ 8 trở đi và mỗi năm chỉ đẻ khoảng 5 quả trứng. Mỗi quả trứng có hình dạng như trứng gà và phải mất hơn một năm mới nở.

Theo bà Ingrid Gruner, người đã tham gia chương trình bảo tồn từ những ngày đầu, việc ghi lại được khoảnh khắc sinh sản này là một cơ hội quý giá, giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về đời sống sinh học của loài ốc độc đáo này.

Hệ sinh sản kỳ lạ, hiếm gặp

Ốc sên Powelliphanta là loài lưỡng tính, mỗi cá thể đều mang cả cơ quan sinh dục đực và cái. Theo bà Kath Walker, cố vấn khoa học cao cấp của Sở Bảo tồn, loài này đã tiến hóa để có một lỗ sinh dục nằm ở cổ, cho phép chúng vừa giao phối vừa đẻ trứng khi vẫn nằm bên trong vỏ.

"Chúng sẽ đưa dương vật ra từ lỗ ở cổ và giao phối với đối phương, đồng thời trao đổi tinh trùng. Sau đó, mỗi bên có thể lưu giữ tinh trùng và thụ tinh khi đã sẵn sàng", bà Walker giải thích.

Một số loài ốc khác cũng có cơ chế sinh sản tương tự, nhưng cũng có loài, như ốc kính Campbell ở đảo Norfolk, lại sinh ra con non thay vì trứng.

Hành trình bảo tồn đầy gian nan

Loài ốc sên núi Augustus từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2006, khi chính phủ New Zealand cho phép công ty khai thác Solid Energy đào than tại dãy núi Augustus, nơi duy nhất loài ốc này sinh sống.

Trước làn sóng phản đối dữ dội từ công chúng, cơ quan bảo tồn đã khẩn trương di dời khoảng 4.000 cá thể đến các khu vực lân cận, đồng thời tách ra 2.000 con để xây dựng quần thể nuôi nhốt nhằm bảo tồn đa dạng di truyền. Tuy nhiên, nỗ lực này từng gặp trở ngại nghiêm trọng: vào năm 2011, khoảng 800 cá thể đã chết do sự cố nhiệt độ trong hệ thống bảo quản lạnh.

Dù vậy, chương trình bảo tồn vẫn đang tiến triển tích cực. Tính đến tháng 3, tổng cộng có 1.884 cá thể từ nhỏ đến trưởng thành và 2.195 quả trứng đang được chăm sóc. Một số nhóm ốc cũng đã được thả về môi trường tự nhiên và hiện đang được theo dõi chặt chẽ nhằm đánh giá khả năng hình thành quần thể ổn định trong tự nhiên.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lan-dau-tien-ghi-hinh-duoc-oc-sen-quy-hiem-de-trung-qua-co-169250508104939678.htm
Zalo