Lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường 'lắng nghe nông dân nói'

Với chủ đề diễn đàn 'Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn', lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ TNMT Đỗ Đức Duy đã cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân trên cả nước.

Đây là diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường trực tiếp thực hiện. Diễn đàn diễn ra sáng nay - 24/11 tại Trung tâm Hội nghị 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Mong được lắng nghe chia sẻ

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Đời sống của nông dân và cư dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh.

Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" có sự tham dự trực tiếp của hơn 200 nông dân tiêu biểu từ các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" có sự tham dự trực tiếp của hơn 200 nông dân tiêu biểu từ các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Lương Quốc Đoàn, với đặc thù của nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Phức tạp trong quản lý, sử dụng đất đai; tích tụ, tập trung đất đai; quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ.

Việc chuyển đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất xanh của người nông dân còn nhiều khó khăn, thách thức.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT), Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân. Bộ TNMT luôn xác định Hội Nông dân các cấp là "hệ thống nối dài", lực lượng quan trọng trong triển khai các chiến lược, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành, trong đó: quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên nước; bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là các nhiệm vụ được ưu tiên. Đồng thời bày tỏ mong muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân cả nước nói chung, các địa phương khu vực phía Bắc nói riêng liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành. Đặc biệt, mong được bà con chia sẻ những sáng kiến hay, cách làm hiệu quả; đồng thời, kiến nghị, đề xuất những giải pháp khả thi để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo động lực để phát triển mạnh mẽ khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tại diễn đàn, những vấn đề liên quan tới qui định về đất đai trong nông nghiêp, nông thôn của Luật Đất đai 2024 đã được các đại biểu trao đổi, thảo luận sôi nổi.

Vẫn vướng khi triển khai Luật Đất đai 2024

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Tập đoàn G6 cho biết, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới mang đến lợi ích cho người sở hữu đất nông nghiệp, đặc biệt là người nông dân. Trong đó, ngoài được nhận đất tái định cư thì người bị thu hồi đất nông nghiệp được chọn nhận tiền thì chế độ đền bù cho người nông dân sẽ tốt hơn, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ về di chuyển, về việc làm, về đời sống,… Khung đền bù đất nông nghiệp cũng cao hơn. Đặc biệt, đối với những dự án thương mại dịch vụ theo hướng thỏa thuận thì người dân sở hữu đất nông nghiệp được sử dụng để góp vốn làm dự án.

Về quy định "Thí điểm cho phép nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại" là điểm mới tích cực cho doanh nghiệp. Về bản chất để doanh nghiệp thực hiện vẫn phải đảm bảo phụ thuộc vào quy hoạch. Đối với doanh nghiệp thì thực tế sẽ có thêm phương án để giải phóng mặt bằng, từ đó, công tác thực hiện sẽ nhanh hơn, việc triển khai dự án sẽ cũng sát hơn với tiến độ đưa ra. “Song vấn đề này cần phải tương ứng với khung cho phép thỏa thuận là bao nhiêu, để xác định khấu trừ thuế trong giải phóng mặt bằng. Nếu Nhà nước vẫn giữ nguyên khung giá thấp thì vẫn rất khó thực hiện cho doanh nghiệp" - ông Nguyễn Anh Quê chia sẻ.

Còn theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SBLAW, Luật Đất đai 2024 mang lại nhiều thay đổi cho thị trường bất động sản nông nghiệp, làm nổi bật những khía cạnh mà trước đây ít được chú ý. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng khi luật cho phép tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được mua đất nông nghiệp, một số người có thể lợi dụng để mua đất giá rẻ, chờ tăng giá rồi bán lại. "Điều này tạo cơ hội cho việc thu mua đất nông nghiệp giá thấp, sau đó chuyển đổi thành đất ở có giá trị cao hơn. Những rủi ro này xuất hiện do sự không cân đối giữa lợi ích kinh tế ngắn hạn và phát triển bền vững dài hạn, cũng như giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng. Vì vậy, cần có các biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ để cân bằng các yếu tố này" - luật sư Nguyễn Thanh Hà cảnh báo.

Nông dân Hà Nội mong kiểm soát đấu giá đất

Về vấn đề tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở và tạo lên cơn sốt rất cao, có những nơi giá trúng trên 100 triệu đồng/m2 ở một số huyện địa bàn TP Hà Nội thời gian vừa qua, ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã bày tỏ băn khoăn trước Bộ trưởng Bộ TNMT. Ông cho rằng, chủ trương đấu giá đất là đúng nhưng lo ngại nhiều đối tượng lợi dụng cơ hội đấu giá đất để thổi giá đất lên cao. “Vậy, Nhà nước sẽ có công cụ và chính sách nào để kiểm soát việc đẩy giá đất ảo lên quá cao, nhưng vẫn tiếp tục áp dụng hình thức đấu giá để đảm bảo hài hòa lợi ích, tăng thu cho ngân sách nhà nước?” - ông Nguyễn Văn Hiếu đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ TNMT trả lời Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội

Bộ trưởng Bộ TNMT trả lời Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội

Trả lời việc này, Bộ trưởng Bộ TNMT Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ đã có kiến nghị Chính phủ, các địa phương chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính khả thi, cứng rắn. "Bộ cũng đã đề nghị các địa phương cần điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất để làm cơ sở tính giá khởi điểm. Vì thực tế đã xảy ra tình trạng những khu đất đầu tư đồng bộ về hạ tầng nhưng địa phương vẫn lấy giá đất khi chưa đầu tư để làm giá khởi điểm, khiến nhiều đối tượng muốn trúng đấu giá để bán lại kiếm lời" - Bộ trưởng Bộ TNMT chia sẻ và cho rằng, địa phương cần có chính sách đảm bảo nguồn cung về đất ở, nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân và phù hợp với nhu cầu chi trả. Khi cung - cầu không gặp nhau, đương nhiên giá sẽ bị đẩy lên cao.

Cùng đó, Bộ trưởng Bộ TNMT cũng đề nghị các đại phương cần xem xét quy chế đấu giá đất, có thể phải rút ngắn thời gian nộp đủ tiền trúng đấu giá, công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc để hạn chế việc lợi dụng đấu giá trục lợi. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.

"Tôi tin rằng nếu thực hiện đồng bộ được các giải pháp nêu trên sẽ khắc phục được tình trạng đấu giá đất như ở vùng ven Hà Nội thời gian qua" - Bộ trưởng Bộ TNMT Đỗ Đức Duy bày tỏ.

Thương Huế

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lan-dau-tien-bo-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-lang-nghe-nong-dan-noi.html
Zalo