Làm thế nào để 'ngừng bận rộn cho hạnh phúc của người khác'?
Trong cuộc đời chúng ta, có rất nhiều người xuất hiện rồi biến mất. Bạn bè qua lại, người yêu có lúc bên nhau rồi rời xa. Rất nhiều chuyện tình cảm với mục đích không trong sáng, cũng không rõ đi đâu về đâu.
Kết thúc lấy lòng, sống tốt cuộc sống của chính mình
Nếu bạn vẫn muốn sống tốt cuộc đời của mình, thì không nên chỉ bận rộn cho hạnh phúc của người khác.
Trước tiên bạn phải học cách phân biệt chuyện gì cần giúp đỡ, chuyện gì vượt quá khả năng chịu đựng của bản thân. Cho dù bạn có giúp đỡ đi chăng nữa thì không những khiến bản thân mệt mỏi, mà còn không nhận được sự cảm kích hay hồi đáp đáng có, mà có khi còn phải hi sinh nhu cầu của bản thân mình.
Phương pháp phân biệt hiệu quả xây dựng trên nền tảng thân thiết xa gần của mối quan hệ giao tiếp, có nghĩa là dựa vào tầm quan trọng của họ đối với bạn để quyết định có giúp đỡ hay không. Có rất nhiều người có thể coi là bạn bè, nhưng không phải tất cả các mối quan hệ đều giống nhau, vai trò của họ trong lòng bạn cũng khác nhau hoàn toàn.
Sự lo lắng trong lòng những người mắc chứng lấy lòng thường là do họ coi tất cả mọi người đều có vị trí quan trọng như nhau, giống như mọi người đều chen chúc trong lòng họ vậy. Trên thực tế, trong không gian kín bưng bí bách như vậy họ chỉ càng cảm thấy ngột ngạt, dồn dập, khó thở mà thôi.
Ai cũng có gai nhọn quanh mình, trong giao tiếp nếu khó mà giữ được khoảng cách tâm lý nhất định thì khi bạn cảm thấy ấm áp cũng là lúc cảm thấy bị tổn thương. Vượt qua khoảng cách tâm lý xa xôi chạy tới trước mặt người khác để giải quyết rắc rối cho họ là một kiểu tiêu hao tài nguyên tâm lý nặng nề.
Trước tiên, hãy xác định rõ mức độ quan trọng của đối phương.
Trong cuộc đời chúng ta có rất nhiều người xuất hiện rồi biến mất. Bạn bè qua lại, người yêu có lúc bên nhau rồi rời xa. Rất nhiều chuyện tình cảm với mục đích không trong sáng, cũng không rõ đi đâu về đâu. Những chuyện tình cảm chúng ta có thể chân thực nắm trong tay xét cho cùng cũng chỉ có mấy phần. Vì vậy, lần sau trước khi trao đi sự lương thiện và con tim mình hãy tự vấn lòng mình trước, người này, chuyện này có quan trọng tới mức khiến chúng ta bỏ mặc bản thân mình hay không.
Thứ hai, hãy xác nhận xem bản thân có “dư dả” hay không.
Tôi cho rằng với những người vô cùng quan trọng với chúng ta, cách cho đi chân thành nhất chính là “chỉ cần bạn cần, chỉ cần tôi có”. Nhưng cái “có” này phải dựa trên tiền đề là chúng ta “dư dả”. Hoàn toàn không nghĩ tới nhu cầu của bản thân chính là không yêu bản thân, vậy thì yêu người khác thế nào được?
Hãy nhớ tới đoạn thông báo an toàn được phát trước khi máy bay cất cánh, khi gặp tình huống khẩn cấp bất luận thế nào cũng phải đeo mặt nạ dưỡng khí cho bản thân trước rồi mới giúp đỡ người khác, nếu không vừa hại người lại hại mình. Dốc hết lòng mình giúp đỡ người khác trong cuộc sống hiện thực này cũng không vĩ đại lắm đâu, không phải tất cả mọi người đều là anh hùng, cũng không phải tất cả mọi người đều đáng để bạn nhảy vào nước sôi lửa bỏng.
Sau cùng, học cách giới hạn bản thân và từ chối.
Khi bạn chắc chắn rằng chuyện này mình không giúp được, không làm được, khi bạn phán đoán người này không đáng để giúp, không cần phải giúp, vậy hãy nói với họ đầy thiện chí thế này: “Xin lỗi, tôi không giúp gì được.”
Phán đoán tâm lý một người có chín chắn hay không trong mối quan hệ giao tiếp, cần phải xem họ có nói “không” với người khác một cách tự nhiên hay không, đồng thời có thể chấp nhận sự từ chối của người khác hay không. Cả việc biết nói “không” và việc biết cách chấp nhận sự từ chối của kẻ khác đều cần tự tin và dũng cảm. Không biết từ chối và không thể đưa ra yêu cầu một cách tự nhiên, lại có tâm lý sợ người khác từ chối, tâm lý học gọi là “nhạy cảm bị từ chối”.
Từ chối thường có mối liên quan tới phủ định. Bạn luôn cảm thấy từ chối người khác chính là phủ định giá trị của họ, đó là bởi vì bạn luôn áp đặt suy nghĩ này vào người khác cho nên bản thân bạn cũng sợ hãi phải từ chối người khác. Bạn hi vọng bản thân mình vô hại, là người theo chủ nghĩa có lợi cho người khác, bạn không muốn làm tổn thương sự tự tôn của người khác cho nên bạn không từ chối.
Những người sợ nói “không” trong mối quan hệ giao tiếp với người khác trong quá khứ chắc chắn từng tồn tại rất nhiều quy định “không được...” và bị nó gò bó. Khi bị bạo lực ngôn ngữ “không được...” thì hành vi của con người vô hình trung bị kiểm soát bởi một thế lực, luôn nghe thấy và bị dẫn dắt bởi những từ như “Bạn không được...”, “Bạn không nên...”, “Nếu bạn không...thì sẽ...”, trong đầu phải dung nạp quá nhiều nội dung liên quan tới “không”, cá tính của một người sẽ dần dần hình thành mức độ nhạy cảm cao với “không”. Đây là nguyên nhân tổn thương ban đầu của những người sợ bị từ chối khi họ bị ảnh hưởng bởi văn hóa cấm kị.
Không từ chối không có nghĩa là sẽ tránh né hoặc giảm thiểu được sự tổn thương, khi bạn vì không nỡ từ chối hoặc năng lực không đủ nên buộc phải làm khó bản thân và cũng ảnh hưởng tới người khác thì chỉ có thể làm tổn thương lẫn nhau trong trì hoãn vô tận, đối mặt với sự cầu cứu của người khác trì hoãn mới là sự từ chối tàn nhẫn nhất. Do vậy, từ chối cũng cần lên tiếng kịp thời, nói rõ nguyên nhân và bày tỏ sự xin lỗi chân thành, đó cũng là một cách giải quyết tôn trọng người khác.
Bất cứ thiện ý hay tình yêu nào dành cho thế giới này cũng nên trao đi trên tiền đề không phá hoại tới cuộc sống của bản thân, hi sinh và nhẫn nhịn ở mức độ phù hợp là một đức tính đẹp, song, không có bất kỳ ai hay bất kỳ việc gì có thể khiến bạn buông bỏ cuộc sống của mình, không giữ lại chút tình nào dành cho mình cả.
Nếu bạn không thể dừng lại tình trạng luôn trao đi để lấy lòng người khác như vậy thì bạn cũng chỉ luôn quỳ gối trong lòng người khác mà thôi, khó mà thẳng lưng thẳng gối được, kết quả cuối cùng chính là hi sinh cuộc đời mình, thứ đổi lấy chỉ là người khác chấp nhận lòng tốt của bạn như một thói quen thường tình mà thôi.