Bố mẹ thản nhiên vượt đèn đỏ, trẻ có thể lầm tưởng điều đó là bình thường
Trẻ em không chỉ lắng nghe, mà còn rất giỏi quan sát. Khi thấy bố mẹ hoặc người lớn thản nhiên vi phạm luật giao thông, chúng sẽ cho rằng điều đó là bình thường.
Hình ảnh học sinh phóng xe máy phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm trên đường phố không còn là chuyện hiếm gặp. Đáng nói, có những trường hợp còn gây tai nạn, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tính mạng của bản thân cũng như người tham gia giao thông khác.
Điểm đáng lo ngại hơn, những hành vi này không chỉ xuất phát từ sự bốc đồng tuổi trẻ, mà có những trường hợp có thể là từ những "bài học ngược" mà các em tiếp nhận hàng ngày - khi người lớn hay bất kỳ ai mà các em tiếp xúc, có biểu hiện thiếu ý thức, ngang nhiên vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị... Điều này dường như cũng trở thành chuyện bình thường trong mắt các em.
Phụ huynh thản nhiên vi phạm giao thông, con sẽ lầm tưởng là điều bình thường
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Linh Đan - giáo viên Trường Mầm non Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, cô rất trăn trở khi nhìn thấy những hành vi vi phạm trong lúc tham gia giao thông của phụ huynh.
Một buổi sáng, khi đang đón trẻ tại cổng trường, cô Linh Đan chứng kiến cảnh một người mẹ trẻ đèo con trên xe máy, lao vội qua ngã tư dù đèn đỏ đã sáng. Đứa bé khoảng 4 tuổi ngồi phía sau, hai tay nhỏ bé ôm lấy mẹ, ánh mắt sợ sệt khi nhìn dòng xe cộ lao vun vút xung quanh.
“Lúc đó, tôi thấy lạnh cả sống lưng... Chị ấy có thể nghĩ rằng, mình đang tiết kiệm thời gian, nhưng liệu có nghĩ đến nguy cơ cho cả mình và con hay không? Chỉ cần một chiếc xe khác không kịp phanh, hậu quả sẽ thế nào?” - cô Đan băn khoăn.
Không chỉ là một giáo viên mầm non, cô Đan cũng là một người mẹ. Cô hiểu rằng, trẻ em học từ hành động của bố mẹ nhiều hơn bất cứ bài học nào trong sách vở.
Nữ giáo viên tâm sự: “Trẻ em như tờ giấy trắng. Khi phụ huynh vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm,... các con sẽ nghĩ rằng, những điều đó là hoàn toàn bình thường. Cứ như vậy, khi lớn lên, các con cũng sẽ bắt chước. Rồi cứ thế, vòng luẩn quẩn ấy sẽ lại tiếp diễn”.
Cô Đan cũng thuật lại, trong một buổi họp phụ huynh, khi cô cố gắng nói về việc phụ huynh cần làm gương cho con trong mọi hành động: “Ngay lập tức, có một phụ huynh phản bác rằng: Cô giáo lo xa quá! Trẻ con chưa hiểu gì đâu... Nhưng tôi tin rằng, mọi hành động của người lớn đều để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn trẻ” - cô Đan chia sẻ.
Tương tự như với cô Linh Đan, cô giáo Đỗ Hồng Vân - giáo viên dạy Toán, Trường Trung học cơ sở Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có một trải nghiệm khiến cô không khỏi suy nghĩ.
“Khi đang đi bộ trên con đường dẫn tới cổng trường, tôi trông thấy một người mẹ phóng xe máy lên vỉa hè để vượt qua đoạn đường tắc nghẽn.
Người phụ nữ có lẽ đang vội đưa con đến trường, luồn lách chiếc xe giữa dòng người đi bộ. Đứa trẻ ngồi sau, đeo chiếc cặp to hơn cả người, bám chặt lấy mẹ để không bị ngã. Hành động ấy không chỉ nguy hiểm mà còn vô cùng đáng trách” - cô Vân bày tỏ.
Bên cạnh đó, cô Hồng Vân đã không ít lần chứng kiến những trường hợp tương tự. Cô kể về một học sinh lớp mình từng bị xe máy tông trúng ngay khi đang đi bộ trên vỉa hè: “Hôm đó, giống như mọi ngày, em ấy đang đi bộ về nhà sau giờ học, nhưng lại bị một người đi xe máy vì muốn tránh một đoạn đường tắc, đã leo lên vỉa hè và đột ngột đâm trúng. Em bị gãy chân, phải nghỉ học cả tháng. Nhưng điều đáng sợ hơn cả, có lẽ là nỗi ám ảnh tâm lý mà em phải chịu”.
Với cô Vân, những hành vi sai trái của người lớn không chỉ gây nguy hiểm tức thời mà còn để lại những hệ lụy lâu dài: “Chúng ta thường dạy trẻ phải tuân thủ luật lệ, nhưng lại không làm gương. Trẻ em không chỉ lắng nghe, mà chúng còn quan sát rất kỹ lưỡng. Khi thấy bố mẹ hoặc người lớn vi phạm luật, rất có thể, chúng sẽ hiểu lầm rằng những điều đó là bình thường”.
Những câu chuyện trên không chỉ là minh chứng cho việc “phụ huynh vi phạm giao thông, con lĩnh hậu quả”, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm của người lớn đối với thế hệ trẻ.
Chị Hằng (sinh năm 1994) - một phụ huynh tại Hoài Đức (Hà Nội) cũng chia sẻ: “Tôi đã sinh sống và làm việc tại Hà Nội hơn 10 năm. Nỗi sợ lớn nhất của tôi là khi tham gia giao thông ở ngoài đường, nhất là vào những giờ tan tầm. Hình ảnh dễ nhìn thấy là người tham gia giao thông theo kiểu “điền vào chỗ trống”, kể cả ở những làn đường không thuộc về phương tiện mình đang điều khiển.
Có những lần, khi đang dừng đèn đỏ, tôi bị những chiếc xe phía sau liên tục tít còi, giục tôi tiến lên phía trước, để xe sau rẽ phải, trong khi tại điểm đó không hề có biển báo “Đèn đỏ được rẽ phải”. Có Khi tôi nhích lên một chút, người đó còn lướt qua tôi và không quên một lời mắng..., trong khi, phía sau lưng đang đèo một đứa trẻ với chiếc cặp sách trên vai, có lẽ đang vội đưa con đến trường. Thậm chí, có nhiều người còn vì “tiết kiệm” mấy giây chờ đèn đỏ, mà sẵn sàng phóng xe đi ngược chiều.
Những hình ảnh xấu xí ấy không chỉ khiến giao thông đô thị kém văn minh, mà tôi thấy, còn có thể gieo những hành vi lệch lạc cho lứa tuổi học sinh. Tôi vẫn thấy hình ảnh những em học sinh trung học phổ thông đèo nhau đi ngược chiều, có người vượt đèn đỏ và thậm chí không kẹp 3 hoặc không đội mũ bảo hiểm... Đoán chắc rằng, những hình ảnh ấy, ngoài việc xuất phát từ sự a dua, thích thể hiện với bạn bè, còn là hệ lụy của những bậc làm cha mẹ chưa tuân thủ luật mà ra”.
Nhiều bố mẹ đang tạo thói quen xấu cho con mình
“Thật đáng buồn, khi có những trường hợp, chính bố mẹ là người tạo nên những thói quen xấu cho con” - ông Nguyễn Minh Tâm - bảo vệ lâu năm tại một công ty nằm gần một trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội đã phải thốt lên như vậy, khi đã nhiều năm, ông phải chứng kiến cảnh người lớn tạo gương xấu cho con, ngay trong những buổi đón đưa đi học.
Gần một thập kỷ làm việc gần một cổng trường, ông Tâm đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần, những cảnh tượng như phụ huynh đèo con em đến lớp, nhưng không đội mũ bảo hiểm, hoặc có người đội mũ nhưng lại không muốn cài quai, trông rất thiếu an toàn.
Cũng chính trong những năm qua, ông Tâm nhìn thấy rất nhiều học sinh trung học phổ thông phóng xe máy phân khối lớn tới trường. Và theo ông, việc để cho con điều khiển xe phân khối lớn, chắc chắn là trách nhiệm từ phía các phụ huynh.
“Qua câu chuyện của các cháu học sinh khi trao đổi với nhau lúc bước qua chỗ tôi làm việc, tôi thấy, nhiều trường hợp, bố mẹ trực tiếp đồng tình để con đi xe máy đến trường, dù chưa đủ tuổi... Như vậy, là chính bố mẹ đang tạo thói quen xấu cho con mình” - ông nói.
“Các học sinh quanh đây thường xuyên xin gửi xe tại công ty tôi, nhưng tôi không đồng ý. Mấy học sinh chỉ mới 16-17 tuổi, mà lái xe 125cc, thậm chí lớn hơn. Nhiều trường hợp, các cháu còn không đội mũ bảo hiểm. Để tránh sự kiểm soát từ nhà trường, những học sinh này sẽ gửi ở bãi đỗ xe ở gần đây. Gần đây, nhờ có sự thắt chặt quản lý từ nhà trường và cơ quan chức năng, tình trạng này cũng đã dần được hạn chế, tuy nhiên, chưa hẳn đã dẹp bỏ được hoàn toàn, đâu đó vẫn còn tiếp diễn” - ông kể lại.
Cách đây khoảng vài năm, người bảo vệ già này đã từng chứng kiến một tai nạn ngay gần cổng trường: “Một học sinh lớp 11 phóng nhanh, vượt đèn đỏ, bị một chiếc xe máy khác không phanh kịp, tông trúng. Học sinh ấy bị thương nặng, chắc phải nghỉ học cả mấy tháng”.
Nhưng điều khiến ông buồn nhất không chỉ là tai nạn, mà là thái độ thờ ơ của chính những học sinh này. Người bảo vệ già cho rằng, nhiều học sinh nghĩ rằng mình còn trẻ, còn khỏe, có thể “làm chủ” tốc độ, nhưng các cháu đâu biết, chỉ cần một giây lơ là, mọi thứ có thể mất đi mãi mãi.
Thấm thía việc phải làm gương cho trẻ, chị Trương Thị Hằng, một phụ huynh tại quận Hoàng Mai, Hà Nội tâm sự: "Khoảng 2 năm trước, tôi thường xuyên chở con gái (khi ấy mới 6 tuổi) đi học mà không đội mũ bảo hiểm. Khi được mọi người “nhắc nhở khéo”, tôi thường chỉ trả lời qua loa rằng, đường gần, sẽ không thể có chuyện gì xảy ra, không đội mũ cho thoáng đầu tóc".
Câu nói này dần ảnh hưởng đến con gái chị Hằng, khiến cô bé (tên Linh) cũng hình thành thói quen không đội mũ bảo hìem giống như mẹ, ngay cả khi được yêu cầu.
Mọi chuyện thay đổi vào một buổi sáng mưa rơi tầm tã, hai mẹ con bất ngờ ngã xe do phanh gấp. Dù không bị thương nặng, cú ngã khiến bé Linh sợ hãi và khóc nức nở. Một người đi đường nhắc nhở: “Lần sau chị nhớ đội mũ bảo hiểm, an toàn là trên hết”. Lời nói ấy đã khiến chị Hằng giật mình, nhận ra lỗi lầm.
Từ đó, chị Hằng quyết tâm thay đổi. “Mỗi lần lên xe, tôi và con gái đều đội mũ bảo hiểm cẩn thận. Tôi cũng khuyên dạy bé rằng, tuân thủ luật an toàn giao thông là trách nhiệm không chỉ của mỗi cá nhân, mà còn là tấm gương tốt cho những người xung quanh. Tôi cũng hối hận vì đã không làm gương từ đầu, nhưng hy vọng mình kịp sửa sai” - chị Hằng chia sẻ.
Học sinh như tờ giấy trắng, nếu được giáo dục kỹ lưỡng, thì có lẽ những trường hợp như trên sẽ không có cơ hội xảy ra.
Nhưng đáng buồn thay, nếu vấn đề đến từ các bậc phụ huynh, thì giải pháp sẽ nan giải hơn nhiều. Bởi lẽ, những gương xấu mà bậc phụ huynh tưởng chừng như “chuyện nhỏ” sẽ in hằn trong nếp nghĩ của con trẻ qua từng ngày.
Hiểu được điều này, trong nhiều năm qua, UNICEF và các đối tác đã triển khai một số chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cha mẹ về tầm quan trọng của giáo dục và làm gương trong các lĩnh vực như an toàn giao thông, sức khỏe và giáo dục trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, chuyên gia Truyền thông UNICEF Việt Nam chia sẻ: “Trải nghiệm của trẻ với cha mẹ đóng vai trò nền tảng trong việc hình thành các giá trị và hành vi tích cực, đặc biệt trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 và các khủng hoảng khác đã làm nổi bật tầm quan trọng của giáo dục từ gia đình trong việc ứng phó với các thách thức xã hội.
Để giúp đỡ các bậc phụ huynh trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, năm 2023, UNICEF đã phối hợp với Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và các đối tác triển khai một khóa học trực tuyến nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng cho cha mẹ, tập trung vào trẻ từ 0-8 tuổi.
Chương trình bao gồm chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, khuyến khích học tập qua vui chơi, xử lý các vấn đề hành vi và bảo vệ trẻ khỏi bạo lực và xâm hại. Khóa học đã tiếp cận hàng trăm nghìn phụ huynh tại 15 tỉnh thành; đồng thời, nhấn mạnh rằng, làm cha mẹ là vai trò cần được học hỏi và rèn luyện để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ em”.