Làm sao giúp sinh viên vượt qua 'nỗi sợ' các môn đại cương?
Nhiều sinh viên chia sẻ rằng các môn học đại cương thường thiếu hấp dẫn và khó gợi lên sự hứng thú. Không ít bạn thừa nhận những môn học này là 'nỗi ám ảnh' lớn, khi nhiều sinh viên phải thi lại nhiều lần mới vượt qua, thậm chí có trường hợp chậm tốt nghiệp chỉ vì chưa hoàn thành chương trình của các môn đại cương.
Khi đại cương là cơn ác mộng
Đã là lần thứ 2 học lại môn Tâm lý học đại cương nhưng P.T.B., sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), vẫn đang bối rối tìm phương pháp ôn tập hiệu quả để hoàn thành môn học.
“Hồi còn học cấp 3, mình đã quen với phương pháp dạy học theo lối đọc - chép từ thầy cô, lên đại học, mình bị lúng túng trước cách giảng dạy mới. Kiến thức đại cương dài, khó và dàn trải khiến mình không theo kịp. Môn học này lại nhiều khái niệm phức tạp. Đợt tới trường có tổ chức học lại, mình phải quyết tâm lấy điểm cao để vượt qua, nếu không sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tốt nghiệp năm nay", B. chia sẻ.
Đã từng trượt và phải đóng tiền học lại môn Pháp luật đại cương, T.P.L, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ: "Môn học này với mình rất khó nắm bắt vì khối lượng kiến thức quá lớn và nhiều thuật ngữ phức tạp. Cuốn giáo trình dày với hàng tá khái niệm và lý thuyết. Kỳ thi thì toàn đề đóng, sinh viên phải học thuộc lòng cả chục câu hỏi ôn tập, mỗi câu dài tới vài trang giấy. Mình chọn 'học tủ' vì quá áp lực. Kết quả là thi không trúng phần ôn, và mình đã trượt môn".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh, Trưởng bộ môn Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng tình trạng sinh viên thiếu hứng thú với các môn học đại cương bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một phần đến từ phương pháp giảng dạy chưa tối ưu; nội dung môn học đôi khi còn lạc hậu, không theo kịp nhu cầu thực tế; kỹ năng học tập của sinh viên chưa phù hợp với môi trường đại học; và đặc biệt là sự thiếu nhận thức về tầm quan trọng của các môn đại cương. Thêm vào đó, khoảng cách giữa hệ thống giáo dục phổ thông và đại học cũng như môi trường học tập chưa đủ kích thích sáng tạo, cũng là những yếu tố dẫn đến hiện trạng này.
Cần nhận thức rõ vai trò của môn đại cương
Chia sẻ về cách đạt điểm cao trong các môn đại cương, bạn Phạm Hoàng Long, sinh viên tốt nghiệp loại Xuất sắc Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2023, cho biết: "Mình chú trọng đến việc nghiên cứu sách và giáo trình. Các bạn nên chia nhỏ thời gian học thành nhiều giai đoạn, trong mỗi giai đoạn cần tập trung đọc, hiểu và nhớ rõ kiến thức. Đối với những nội dung quan trọng, hãy ghi chú ngắn gọn từ 1-2 câu, tóm lược kiến thức từ giáo trình một cách thật cô đọng để không bị quên. Đến kỳ thi, các bạn sẽ có thể ôn tập nhanh hơn và hiệu quả hơn".
Theo Long, tân sinh viên nên rèn luyện tinh thần tự học, bởi trong lớp giảng viên thường nói rất nhanh và rất nhiều. Nếu không kịp ghi chú những nội dung chính yếu và tự tìm hiểu sâu hơn, các bạn sẽ dễ cảm thấy bối rối, và đến kỳ thi sẽ rơi vào tâm lý hoang mang vì thiếu tự tin vào kiến thức của mình.
"Ở năm đầu, các bạn tân sinh viên cần cố gắng đạt điểm cao ở những môn đại cương, mặc dù những môn này thường khó và khô khan. Hãy nhớ rằng điểm số tốt nghiệp đại học sẽ tính trên điểm trung bình của tất cả các môn trong suốt 4 năm", Hoàng Long nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh khuyên rằng, tân sinh viên cần nhận thức rõ vai trò quan trọng của các môn đại cương trong việc xây dựng nền tảng tri thức và tư duy. Những kiến thức đại cương không chỉ hỗ trợ cho các môn chuyên ngành mà còn phát triển kỹ năng tư duy phản biện và khả năng nghiên cứu, rất cần thiết cho con đường sự nghiệp trong tương lai.
"Chìa khóa để học tốt các môn đại cương là tham gia lớp học với thái độ tích cực, ghi chép đầy đủ và tương tác thường xuyên với giảng viên. Để thi đạt điểm cao, sinh viên cần nắm vững kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng trình bày mạch lạc và logic. Việc đọc kỹ đề bài, quản lý thời gian thi hợp lý và ôn tập có hệ thống là yếu tố quyết định. Lập kế hoạch ôn tập chi tiết, tập trung vào những điểm cốt yếu và thực hành làm bài mẫu sẽ giúp sinh viên tự tin hơn khi bước vào kỳ thi", tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ.