Làm sao để không đánh đổi đạo đức khi mưu sinh?

Giữa nhịp sống ngày càng gấp gáp, câu hỏi 'Làm sao để mưu sinh mà vẫn giữ được sự tử tế, không thỏa hiệp với điều sai trái?' hẳn đã xuất hiện trong tâm trí nhiều người trẻ.

Có người chọn cách linh hoạt thích nghi, có người quyết giữ vững giá trị đạo đức, nhưng không phải ai cũng tìm được đáp án cho chính mình.

Trong đạo Phật, câu trả lời ấy được gọi tên là “chánh mạng", một trong 8 yếu tố của Bát Chánh Đạo, con đường dẫn đến an vui và giải thoát mà Đức Phật đã chỉ dạy hơn 2.500 năm trước.

Bạn có từng thấy hình ảnh bánh xe Pháp luân xuất hiện trên mái chùa hoặc logo của một số ngôi chùa? Đó chính là biểu tượng của Bát Chánh Đạo, gồm 8 yếu tố sống đúng đắn: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Trong đó, chánh mạng chính là phương hướng cho cách chúng ta kiếm sống hàng ngày.

 Bánh xe Pháp Luân

Bánh xe Pháp Luân

Vậy chánh mạng là gì? Là cách ta mưu sinh một cách chân chính và không làm tổn hại đến người khác. Làm việc minh bạch, được trả lương xứng đáng, đóng thuế đầy đủ, dùng đồng tiền ấy nuôi sống bản thân và gia đình, đó là chánh mạng. Hoặc nếu bạn khởi nghiệp, bạn chọn con đường kinh doanh có đạo đức, không vì lợi nhuận mà bất chấp lừa lọc hay buôn bán hàng kém chất lượng.

Ngược lại, nếu ta làm giàu từ những việc gây hại, buôn bán chất cấm, hàng giả, hay thậm chí đơn giản là nhập hàng không rõ nguồn gốc, tiếp tay cho cái sai, thì đó không còn là con đường chánh mạng. Tiền có thể đến nhanh, nhưng cái giá phải trả đôi khi sẽ rất đắt: về mặt pháp luật, về sức khỏe tinh thần, và cả sự bình an sâu xa trong tâm thức.

Sa môn Thích Pháp Hòa từng chia sẻ một hình ảnh rất đời thường: Khi người Phật tử cúng dường Tam bảo, họ thường thưa rằng "Chúng con thành tâm sắm sửa chút ít trai diên bằng phương pháp chân chánh”. Câu nói ấy chính là sự nhấn mạnh về đạo đức trong nguồn gốc của đồng tiền. Dù vô tình hay hữu ý, khi ta biết rõ điều sai mà vẫn tiếp tay, ta đang tạo "cộng nghiệp", tức đồng hành cùng nghiệp xấu, mà hậu quả có thể không thấy ngay, nhưng sẽ âm thầm trổ quả.

Hai cuốn sách "Chia sẻ từ trái tim" và "Con đường chuyển hóa" của Thích Pháp Hòa cũng xoay quanh tinh thần sống tỉnh thức và tử tế giữa đời thường. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, gần gũi, thầy không chỉ giảng giải giáo lý mà còn truyền cảm hứng cho người trẻ hôm nay: mưu sinh chân chính là có thể, sống tử tế là đáng tự hào, và thành công không nhất thiết phải đánh đổi đạo đức.

Giữa muôn ngả mưu sinh, tử tế có thể khiến bạn chậm lại, nhưng chính điều ấy giúp bạn đi xa hơn.

Việt Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/lam-sao-de-khong-danh-doi-dao-duc-khi-muu-sinh-post1552296.html
Zalo