Nhà thơ Hồ Huy Sơn: 'Gieo những hạt mầm về tình yêu Trường Sa'
Nhà thơ Hồ Huy Sơn quê ở Nghệ An, hiện là phóng viên Báo Sài Gòn Giải phóng. Đến với văn chương từ khi còn là cậu học trò và sớm 'giắt lưng' một số giải thưởng trong các cuộc thi, hơn 20 năm qua, Hồ Huy Sơn vẫn bền bỉ và say mê với con đường anh đã chọn.
Trong 3 năm vừa qua, anh liên tiếp ra mắt các tập thơ dành cho thiếu nhi như "Những ngọn đèn thơm" (2023), "Mùa hè ra biển" (2024), "Trái tim của đảo" (2025) được bạn đọc nhí yêu thích. Phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với nhà thơ Hồ Huy Sơn.

Trong chuyến công tác tại Trường Sa mới đây, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã giúp nhà thơ Hồ Huy Sơn gửi tặng tập thơ "Trái tim của đảo" đến cán bộ chiến sĩ trên đảo.
- Thưa nhà thơ Hồ Huy Sơn, chúc mừng anh vừa ra mắt thêm tập thơ "Trái tim của đảo" dành cho thiếu nhi, được nhiều bậc phụ huynh tìm mua cho con em mình. Anh đã sáng tác tập thơ này từ những cảm xúc sau chuyến thăm quần đảo Trường Sa như thế nào?
+ Cho dù đã đi khá nhiều nơi của Việt Nam hay một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Campuchia, Myanmar… thì với tôi, được ra Trường Sa vẫn là chuyến đi đặc biệt nhất. Tôi đến với Trường Sa vào tháng 4/2023, khi là thành viên của Đoàn Công tác số 5 - TP Hồ Chí Minh. Đã từng được nghe, được đọc nhưng có trực tiếp ra Trường Sa mới thấy những gì mà mình từng nghe, từng đọc không là gì so với thực tế. Đến nơi đây, thương người lớn một thì tôi thương các em nhỏ mười.
Trở về thành phố sau hơn một tuần lênh đênh trên biển, trong khi vẫn còn chuếnh choáng bởi "say đất liền", tôi chợt lóe lên một ý tưởng: "Sao mình không viết một tập thơ thiếu nhi về Trường Sa?". Và rồi, "Trái tim của đảo" đã ra đời. Trong tập thơ này, tôi mang đến nhiều tâm thế: có lúc chính tôi kể chuyện cho các em, có lúc chính các em nhỏ ở Trường Sa tự kể về cuộc sống của mình hay có lúc là cảm xúc của những em bé ở đất liền khi được nghe kể về Trường Sa. Dù ở tâm thế nào, tôi cũng muốn mang đến cho các em những cảm xúc trong trẻo, hồn nhiên, vui tươi nhất.
- Trong tập "Trái tim của đảo" có những bài thơ rất xúc động như "Quê em", "Lớp mình", "Học trò ở đảo", "Thầy giáo ở đảo xa", "Ăn kem bên cột mốc"… Nhà thơ có thể kể lại một vài kỷ niệm sâu sắc với các em thiếu nhi trên đảo hay với thầy giáo Phạm Xuân Diệu mà anh chắc hẳn đã có cảm xúc rất mạnh mẽ?
+ Tôi gặp thầy giáo Phạm Xuân Diệu khi đoàn ghé thăm đảo Sinh Tồn. Thay vì "miếng trầu là đầu câu chuyện", thì chính tập thơ "Những ngọn đèn thơm" đã kết nối và mở ra cho chúng tôi nhiều tâm sự từ một thầy giáo trẻ có lý tưởng sống cao đẹp. Ngày hôm đó, tôi không chỉ được nghe về cuộc đời của thầy Diệu, mà còn được biết nhiều thông tin mới lạ về công việc dạy và học ở đảo xa.
Không riêng Sinh Tồn mà đa phần ở các đảo cũng chỉ có một lớp học, và lớp học ấy trở nên thật đặc biệt khi có đủ các lớp từ mầm non đến lớp Một, Hai, Ba, Bốn, Năm. Sau đó, để học lên nữa, các em sẽ phải chia tay đảo về lại đất liền. Còn những thầy giáo như Phạm Xuân Diệu cùng lúc "đóng" cả ba vai: thầy chủ nhiệm, thầy hiệu phó kiêm hiệu trưởng.
Nhìn thấy các em thích thú ăn kem hay đọc từng trang sách, món quà các cô chú từ đất liền mang ra tặng, nỗi xúc động trào dâng trong lòng tôi, thôi thúc tôi viết. Viết để bày tỏ sự thương yêu, ngưỡng mộ và biết ơn đến các em nhỏ và những người thầy ở nơi đây.
- Trong tập thơ "Trái tim của đảo" còn có một bài thơ "Nghe chú kể chuyện Trường Sa" mà Hồ Huy Sơn đã viết sau khi đọc "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" của nhà văn đàn anh Nguyễn Xuân Thủy. Cuốn sách này đã có tác động nào đó đến Hồ Huy Sơn, thôi thúc phải viết một cái gì về Trường Sa?
+ Cùng với "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy thì truyện dài "Cà Nóng chu du Trường Sa" của nhà văn Bùi Tiểu Quyên đều là hai cuốn sách mà tôi rất thích và cũng nhen nhóm trong tôi ước mơ được một lần đến với Trường Sa. Dù chưa biết sẽ viết gì nhưng có lẽ với bất kỳ người viết nào, Trường Sa vẫn luôn là đề tài đặc biệt, khiến tôi không khỏi thao thức.
Khi hoàn thành xong tập thơ "Trái tim của đảo", dẫu chỉ là một tập thơ nhỏ nhắn nhưng trong tôi có rất nhiều cảm xúc, trong đó có niềm hạnh phúc khi mình có thể đóng góp một phần công sức nhỏ bé cùng những nhà văn khác gieo những hạt mầm về tình yêu Trường Sa nơi các em nhỏ. Hy vọng những hạt mầm này sẽ nảy nở, bén rễ, để các em luôn nhớ rằng: "Trường Sa là của Việt Nam!".
- Ngoài ra, các cuộc thi sáng tác văn học dành cho thiếu nhi đang nở rộ trong thời gian gần đây và không khí sáng tác về mảng đề tài này có tác động gì đến tâm lý sáng tác của anh?
+ Trong các cuộc hàn huyên của tôi và bạn bè văn chương gần đây, một trong những chủ đề tạo nên sự rôm rả nhất chính là những cuộc thi sáng tác văn học dành cho thiếu nhi. Thực ra, không có những cuộc thi hay giải thưởng, là một người xác định nghiêm túc với hành trình văn chương của mình, tôi nghĩ, ai cũng sẽ viết thôi. Có điều, chính những cuộc thi này, cộng thêm không khí sáng tác, xuất bản sôi động của văn học thiếu nhi đã tạo nên sinh khí để các tác giả hào hứng sáng tác. Bản thân tôi cũng như vậy!

Nhà thơ Hồ Huy Sơn trong chuyến đi công tác ở Trường Sa tháng 4/2023.
- Hồ Huy Sơn là một cây bút viết song hành cho cả trẻ em và người lớn từ hơn 20 năm qua, nhưng có khi nào Sơn "định vị" cho mình đâu là "tay trái", đâu là "tay phải" không? Tại sao?
+ Tôi cho rằng, trong cuộc sống, nếu ai đó chỉ có một tay sẽ khó khăn biết chừng nào. Vì thế với tôi, viết được cho cả người lớn và thiếu nhi là một may mắn, và tôi nghĩ đó cũng là "món quà" mà không phải ai cũng nhận được. Bởi vậy, tôi thấy cũng không cần thiết phải định vị làm gì chuyện "tay trái" hay "tay phải". Nhất là khi tôi thấy "hai tay" ấy hỗ trợ cho mình rất nhiều.
Trong tác phẩm "Hoàng tử bé" của nhà văn Antoine De Saint-Exupéry có một câu như thế này: "Mọi người lớn, ban sơ, đều đã từng là những bé con, (nhưng ít người trong số đó ghi nhớ điều kia)". Chính những lúc cảm thấy đau đầu, vật vã vì viết cho người lớn, thì tôi lại quay sang viết cho thiếu nhi để được sống trong cảm giác trong trẻo, hồn nhiên và vô tư của một "bé con". Khi đó, "hai tay" đang tương hỗ cho tôi đó chứ!
- Tôi vẫn theo dõi hành trình sáng tạo, theo đuổi văn chương bằng một tình yêu trong sáng của Hồ Huy Sơn với trên 15 đầu sách đã xuất bản. Tuy nhiên trong thời buổi "Cơm áo không đùa với khách thơ", việc xuất bản, phát hành sách để sống được bằng nghề viết không hề đơn giản. Chắc chắn Sơn đã tìm ra con đường hay cách thức để duy trì và phát triển tình yêu này?
+ Thực ra, nếu gọi nghề viết nói chung thì tôi nghĩ là cơ hội để sống được với nó có rất nhiều. Ngày nay, các bạn trẻ theo nghề viết có thể viết bài PR, viết content, biên kịch phim… toàn những công việc thời thượng và mang đến thu nhập không phải thấp. Bản thân tôi cũng từng nhận được 12 triệu để viết 6 bài thơ, mỗi bài 4 câu phục vụ cho kế hoạch truyền thông của một nhãn hàng. Ban đầu, so với mức nhuận bút dành cho một bài thơ hiện nay, tôi cứ nghĩ đây là số tiền rất lớn rồi, nhưng khi nói chuyện với một số bạn trong ngành, mới hay là mình đang bị… "hớ". Vì số tiền này còn có thể cao hơn nếu tôi biết cách thương lượng (cười).
Nhưng thực tế thì không phải lúc nào tôi cũng "vớ bở" như vậy, và đúng như chị nói, nếu để sống bằng văn chương thì không hề đơn giản. Không riêng gì tôi mà rất nhiều bạn văn khác cũng đang có chung một cách thức như vậy: Làm một công việc nào đó để theo đuổi đam mê văn chương! Tôi có may mắn khi là phóng viên theo dõi lĩnh vực xuất bản của Báo Sài Gòn Giải phóng - một công việc tương đối gần gũi và có nhiều tương hỗ với văn chương bên cạnh việc bảo đảm cho tôi một cuộc sống ổn định.
Tôi biết, mình vẫn chưa phải là một cái tên "hot" trong làng văn như Nguyễn Nhật Ánh hay Nguyễn Ngọc Tư để được các đơn vị xuất bản săn đón. Vậy nên, mỗi ngày qua, tôi vẫn luôn nhắc mình phải cố gắng, nỗ lực và kiên trì. Bằng cách đó, tôi vẫn đọc, vẫn viết và tìm kiếm cơ hội xuất bản. Tôi tin rằng, đến lúc "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" thì những cuốn sách sẽ được ra đời.
- Xin cảm ơn nhà thơ Hồ Huy Sơn!