Làm sao để học sinh dùng điện thoại đúng mục đích, không lãng phí thời gian?
Theo lãnh đạo các trường trung học phổ thông, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để định hướng học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích.
Việc sử dụng điện thoại di động trong trường học đang trở thành một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ các tổ chức giáo dục quốc tế cũng như trong nước. Gần đây, UNESCO đã đưa ra lời kêu gọi cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học trên phạm vi toàn cầu, nhằm bảo vệ học sinh khỏi những tác động tiêu cực của công nghệ đối với việc học tập và phát triển cá nhân.
Ở Việt Nam, tại khoản 4, Điều 37, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định rõ về các hành vi học sinh không được làm. Cụ thể, học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Tuy nhiên, việc triển khai và giám sát thực hiện quy định này tại các trường học vẫn gặp nhiều thách thức và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên và gia đình.
Thách thức trong việc định hướng học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích ở trường
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, tỉnh Phú Yên khẳng định, nhà trường tuân thủ nghiêm túc về việc học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học khi không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Trong trường hợp giáo viên yêu cầu tra cứu tài liệu liên quan đến môn học hoặc tham gia các hoạt động nhóm cần đến sự hỗ trợ của công nghệ, học sinh được phép sử dụng điện thoại di động. Mặt khác, trên thực tế, nhiều em có nhu cầu liên lạc với gia đình, đặc biệt đối với học sinh nhà cách xa trường học. Ở góc độ là phụ huynh, họ cho phép con em mình mang điện thoại di động với mục đích nắm bắt thông tin kịp thời trong những tình huống khẩn cấp. Do đó, việc cấm tuyệt đối học sinh mang điện thoại đến trường là không khả thi.
Bên cạnh đó, điện thoại di động hiện nay không chỉ là phương tiện liên lạc mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc học tập nếu được sử dụng đúng cách. Chính vì thế, thay vì cấm triệt để, nhà trường đã xây dựng các quy định rõ ràng về việc sử dụng điện thoại trong lớp học. Các em chỉ được phép sử dụng điện thoại khi có sự đồng ý của giáo viên và phải phục vụ cho mục đích học tập. Ngoài giờ học, học sinh có thể sử dụng điện thoại nhưng cần hạn chế, tránh lạm dụng cho các hoạt động giải trí, chơi game hoặc vào mạng xã hội để phát ngôn thiếu chuẩn mực”, thầy Quang nêu quan điểm.
Cùng bàn về vấn đề trên, thầy Ma Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên cho biết, nhà trường đã phân công cho các giáo viên bộ môn có trách nhiệm giám sát, theo dõi sát sao việc sử dụng điện thoại của học sinh trong giờ học. Nếu phát hiện học sinh sử dụng điện thoại không đúng mục đích, giáo viên sẽ ghi lại vào sổ đầu bài và báo cáo cho ban giám hiệu nhà trường.
Nhà trường sẽ căn cứ vào mức độ của từng trường hợp mà có biện pháp xử lý phù hợp. Trong đó, mức độ nhẹ sẽ nhắc nhở, cảnh cáo, mức độ nặng có thể xem xét trừ hạnh kiểm cuối kỳ trong trường hợp học sinh tái diễn hành vi trên nhiều lần mà không có thái độ tiếp thu, sửa chữa.
“Một trong những khó khăn mà nhiều nhà trường phải đối mặt là việc học sinh có thể sử dụng điện thoại lén lút trong giờ học. Nếu hành vi này diễn ra thường xuyên, học sinh không chỉ bị ảnh hưởng tới việc tiếp thu kiến thức mà chính giáo viên cũng bị phân tâm trong quá trình giảng dạy. Giả định trong một tiết học khoảng 45 phút, giáo viên phải dành ra 10 - 15 phút để nhắc nhở, xử lý học sinh về việc sử dụng điện thoại trong giờ học thì về lâu dài, chất lượng tiết học sẽ không được đảm bảo.
Tại trường đa số học sinh đều có ý thức tuân thủ các quy định của nhà trường. Trong trường hợp bị phát hiện sử dụng điện thoại sai mục đích, các em thường chấp hành nghiêm túc các nhắc nhở của giáo viên và không có tình trạng tái phạm nhiều lần”, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chuyên Lương Văn Chánh bày tỏ.
Việc quản lý chặt chẽ và có quy định cứng từ đầu năm học là cần thiết
Theo cô Trần Thị Lệ Thủy - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong, tỉnh Phú Yên, nhà trường không chỉ dừng lại ở việc giám sát thường xuyên mà còn hướng tới việc xây dựng văn hóa sử dụng điện thoại trong trường học. Theo đó, nhà trường mong muốn học sinh hiểu rõ hơn về tính hai mặt của việc sử dụng điện thoại và định hướng tư tưởng cho các em về việc khai thác lợi ích từ thiết bị thông minh sao cho hiệu quả nhất.
“Đây là một hướng giải pháp tích cực mang tính lâu dài bởi việc cấm đoán có thể vô hình khiến học sinh càng tò mò và muốn sử dụng điện thoại lén lút. Hơn hết, các em đang ở lứa tuổi vị thành niên nên khả năng thích khám phá và khẳng định bản thân rất cao. Do đó, nếu không được sự định hướng đúng đắn từ phía nhà trường và phụ huynh, học sinh dễ bị nhận thức sai lệch về việc sử dụng điện thoại. Từ đó, các em không chú ý vào bài giảng, sao nhãng việc học tập, thậm chí là ảnh hưởng đến kết quả”, cô Thủy nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, cô Thủy cho rằng, nhà trường nên tăng cường tổ chức các chương trình và hoạt động ngoại khóa để khuyến khích học sinh giảm bớt việc phụ thuộc vào điện thoại. Từ đó, học sinh có thể phát triển toàn diện hơn, không chỉ tiếp thu thêm kiến thức mà còn tích lũy nhiều kỹ năng mềm cần thiết. Đồng thời, giáo viên cần thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học để tạo sự hấp dẫn cho bài giảng, giúp học sinh tập trung vào việc học và hạn chế sử dụng điện thoại vào mục đích khác.
Trong khi đó, thầy Lê Xuân Quang cho biết, để đảm bảo học sinh tuân thủ quy định, nhà trường đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm răn đe và xử lý những trường hợp vi phạm. Mức xử lý đầu tiên là nhắc nhở khi học sinh bị phát hiện sử dụng điện thoại trong giờ học mà không có sự cho phép của giáo viên. Nếu học sinh tiếp tục tái diễn, các em sẽ phải viết bản tường trình và kiểm điểm về hành vi của mình. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, nhà trường sẽ mời phụ huynh đến để trao đổi và cùng tìm ra giải pháp quản lý việc sử dụng điện thoại của học sinh. Đây là một cách tiếp cận mềm mỏng nhưng hiệu quả, giúp các em nhận thức rõ hơn về hậu quả của việc lạm dụng điện thoại trong môi trường học đường.
“Sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc quản lý và hướng dẫn con em sử dụng điện thoại đúng cách là vô cùng quan trọng. Do đó, nhà trường cần thường xuyên tổ chức các cuộc họp với phụ huynh vào đầu năm, giữa năm và cuối năm học, nhằm tạo ra diễn đàn để trao đổi và phối hợp trong việc giáo dục học sinh, đặc biệt là việc sử dụng các thiết bị thông minh. Trong các cuộc họp này, phụ huynh được khuyến khích cùng đồng hành với nhà trường trong việc giám sát con em mình, nhắc nhở và hướng dẫn các em sử dụng điện thoại đúng mục đích.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn gặp khó khăn trong việc kiểm soát con em mình ngoài giờ học, đặc biệt là trong thời đại mà các thiết bị công nghệ trở nên phổ biến và dễ tiếp cận như hiện nay. Do đó, nhà trường đã đề xuất nhiều biện pháp phối hợp, bao gồm việc tăng cường trao đổi thông tin giữa giáo viên và phụ huynh thông qua các kênh liên lạc như sổ liên lạc điện tử, nhóm chat của lớp học để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm”, thầy Quang bày tỏ.
Trong khi đó, thầy Ma Văn Sơn cũng nhấn mạnh, nhà trường không có chủ trương cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại trong trường học, tuy nhiên, học sinh phải dùng để phục vụ cho học tập và không ảnh hưởng đến trật tự, kỷ luật của trường. Đồng thời, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp học sinh sử dụng điện thoại có trách nhiệm, góp phần tạo nên môi trường học tập lành mạnh, tích cực.
“Nhìn chung, việc thực hiện theo Thông tư 32 trong các trường học đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc quản lý, giáo dục và khuyến khích học sinh sử dụng công nghệ đúng mục đích. Bên cạnh việc giám sát chặt chẽ, xây dựng một văn hóa sử dụng điện thoại đúng cách trong trường học là cần thiết để trang bị cho học sinh những kỹ năng sống trong thời đại số hóa”, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chuyên Lương Văn Chánh bày tỏ.