Làm sao để hiện thực hóa mục tiêu 355 km đường sắt đô thị tại Tp. Hồ Chí Minh?
Xây dựng 355 km đường sắt đô thị tại Tp. Hồ Chí Minh trong 10 năm tới là một mục tiêu đầy tham vọng.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Để hiện thực hóa mục tiêu này, bên cạnh nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã được Trung ương cho phép, thành phố cần có cách làm mới, đột phá.
Thông tin được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội thảo về giải pháp triển khai mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại Tp. Hồ Chí Minh, do Tổng Lãnh sự quán Anh tại Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cùng UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 25/2.
Theo Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, Tp. Hồ Chí Minh có mật độ dân số hơn 4.500 người/km2. Vì vậy, nhiệm vụ của quy hoạch giao thông và quy hoạch đô thị là phải đạt được sự hài hòa, gắn kết, tập trung phát triển nhanh, đồng bộ cơ sở hạ tầng; đặc biệt là phát triển đường sắt đô thị trở thành xương sống của mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đáp ứng nhu cầu của người dân sống trong và ngoài thành phố, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 188 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Dự kiến đến năm 2035, Tp. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng hoàn thành tổng cộng khoảng 355 km đường sắt đô thị.
Theo dự thảo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, thành phố quy hoạch nhiều vị trí phát triển TOD. Cuối năm 2024, Thành phố đã công bố kế hoạch triển khai 11 vị trí TOD dọc tuyến metro và vành đai 3 trong tương lai gần, tận dụng lợi thế từ các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh.
Ông Bùi Xuân Cường cho biết, việc triển khai cần xem xét yếu tố quy hoạch, quyền sử dụng đất, quyền khai thác không gian, công cụ tài chính, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan. Để hiện thực hóa mục tiêu tham vọng nói trên trong một lĩnh vực còn rất mới mẻ, thành phố nhận thức được tầm quan trọng của tinh thần “vừa làm vừa học”, tranh thủ học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của các đô thị đi trước như Thủ đô London của Vương quốc Anh.
“Thành phố rất cần sự hỗ trợ về tri thức, công nghệ và nguồn vốn đầu tư của bạn bè quốc tế để phát triển TOD, ngay từ giai đoạn chuyển đổi từ xây dựng đường sắt đô thị thuần túy sang mô hình TOD đến giai đoạn xây dựng nền tảng pháp lý, kịch bản tài chính, thu hút nhà đầu tư chiến lược và chuẩn bị nguồn nhân lực để vận hành và bảo trì hệ thống giao thông công cộng hiện đại”, ông Cường chia sẻ.
Bà Alexandra Smith, Tổng Lãnh sự Anh tại Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, giao thông gắn liền với mọi hoạt động, đời sống con người và nước Anh đã làm rất tốt việc sử dụng giao thông công cộng để giải tỏa ùn tắc. Với kinh nghiệm đi trước, Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn với Việt Nam. Điển hình như hiệu quả của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) vừa đi vào hoạt động, đã tác động tích cực đến người dân thành phố. Việc Quốc hội mới thông qua Nghị quyết về phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là bước tiến quan trọng và hiện là thời điểm phù hợp để Tp. Hồ Chí Minh phát triển mô hình TOD.
Ông Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 cho biết, đây là thời điểm thuận lợi để phát triển TOD tại Tp. Hồ Chí Minh. Mục tiêu là xây dựng hệ thống đường sắt đô thị bằng mô hình TOD. Đây là tham vọng rất lớn mà muốn triển khai thành công, thành phố phải vượt qua các thách thức như có cách làm mới, tiếp cận nguồn vốn, quỹ đất còn ít và phải nội địa hóa dần công nghệ…
Theo ông Trần Du Lịch, trước mắt Tp. Hồ Chí Minh cần thành lập một cơ quan hội đồng phát triển đường sắt đô thị để triển khai trơn tru, nhanh chóng; trong đó gồm đầy đủ thành phần liên quan và do một Phó Chủ tịch UBND Thành phố phụ trách riêng nội dung này, kéo dài trong khoảng 10 năm…
Tại hội thảo, trên cơ sở các mô hình đầu tư và phát triển TOD thế giới, nhiều chuyên gia đã chia sẻ về lợi ích từ khâu quy hoạch và đầu tư thực hiện TOD, các nguyên tắc về quy hoạch và phát triển TOD. Nhiều phương pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với Tp. Hồ Chí Minh cũng được đề xuất.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó nhóm TOD, Chương trình Thành phố xanh và hạ tầng (GCIP, sáng kiến của Bộ Ngoại giao và phát triển Anh) đưa ra 5 nguyên tắc trong phát triển TOD; trong đó, nguyên tắc chủ yếu là định hướng giao thông công cộng, kết nối đi bộ và xe đạp, hạn chế xe cá nhân và sử dụng đất hỗn hợp mật độ cao.
Tp. Hồ Chí Minh cần ưu tiên tạo khung pháp lý cho phát triển TOD. Đó là lập cơ quan chuyên trách với các nhiệm vụ và năng lực rõ ràng giúp cải thiện đáng kể việc phối hợp triển khai thực hiện đồ án, dự án về TOD. Cụ thể, đó là Hội đồng phát triển TOD và bên dưới là Văn phòng TOD. Sau khi tạo lập bộ máy “đầu não” cho TOD, kế tiếp sẽ thực hiện các bước quy hoạch, đề xuất, xây dựng, vận hành dự án TOD - ông Tùng nhận xét.